| Hotline: 0983.970.780

Hàng trăm biệt thự cổ Hà Nội bị "băm nát"

Thứ Ba 15/09/2009 , 07:30 (GMT+7)

Do nhu cầu về diện tích để làm văn phòng, kinh doanh và dịch vụ tăng đột biến, một số biệt thự đã bị phá dỡ và xây lại thành nhà nhiều tầng khiến Hà Nội bị mất đi giá trị về kiến trúc cũng như ý nghĩa văn hóa, lịch sử. Một phần nữa là do quá trình đô thị hóa nhanh cùng việc buông lỏng quản lý...

Gần 80% các biệt thự cổ trên địa bàn thành phố đang bị xuống cấp, biến dạng do mục đích sử dụng bị thay đổi, cùng quá trình đô thị hóa quá nhanh và sự buông lỏng quản lý.

Trong buổi tọa đàm chuyên gia bảo tồn và khai thác quỹ biệt thự xây dựng trước năm 1954 tại Hà Nội ngày 12/9, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong số 970 biệt thự cổ Hà Nội, có đến 80% số lượng bị lấn chiếm, biến dạng, 15% còn nguyên dạng và 5% được xây mới.

Do nhu cầu về diện tích để làm văn phòng, kinh doanh và dịch vụ tăng đột biến, một số biệt thự đã bị phá dỡ và xây lại thành nhà nhiều tầng khiến Hà Nội bị mất đi giá trị về kiến trúc cũng như ý nghĩa văn hóa, lịch sử. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa nhanh cùng việc buông lỏng quản lý khiến hầu hết các nhà biệt thự bị xuống cấp, hư hỏng, biến dạng.  

Hà Nội có hơn 900 biệt thự cổ trên địa bàn

Tiền thuê nhà không đủ chi phí cho công tác quản lý, duy tu sửa chữa khiến chất lượng quỹ nhà biệt thự đang bị giảm sút. Biệt thự giống như một xóm trọ khi có quá nhiều hộ ở. Theo Bộ Xây dựng, số biệt thự có 1 đến 2 hộ ở chỉ chiếm tỷ lệ 5% trên tổng số biệt thự dùng để ở, số biệt thự 5-10 hộ chiếm hơn 50%, 10-15 hộ chiếm tỷ lệ khoảng trên 45%, cá biệt có khu lên tới 35-50 hộ ở. Ông Vũ Mạnh Cường, Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho rằng, do biệt thự có vị trí đắc địa, nhiều hộ dân sử dụng làm mục đích kinh doanh dịch vụ cửa hàng, buôn bán. Điều này khiến khu biệt thự cổ bị mất dần giá trị văn hóa và xuống cấp nghiêm trọng.

Để bảo tồn, khai thác sử dụng quỹ nhà biệt thự có hiệu quả, Hà Nội đề xuất không bán 207 biệt thự thuộc khu trung tâm chính trị Ba Đình, có giá trị kiến trúc văn hóa lớn. Còn lại, 599 biệt thự được đề nghị bán nhằm tạo điều kiện cho người dân khai thác và sử dụng hiệu quả hơn.

Một số ý kiến lo ngại không nên bán biệt thự để tránh tình trạng tự do cơi nới, phá nát kiến trúc Hà Nội. Ông Hoàng Tú, Sở xây dựng Hà Nội cho hay, trước sự phát triển quá nhanh của kinh tế, nhiều biệt thự đã bị bán đi hoặc phá hủy. “Kinh phí Nhà nước dành cho bảo tồn biệt thự chỉ đủ để chống dột, dẫn đến các khu biệt thự buộc phải bán đi. Có những sáng tôi giật mình thức giấc khi thấy khu biệt thự cổ ngày nào chỉ còn lại là một bãi đất trống trơn. Và theo đó là cả giá trị lịch sử cùng chìm vào quên lãng", ông Tú ngậm ngùi.

Thế giới đã có nhiều nước thành công trong việc xây mới biệt thự để phục vụ cho mục đích kinh tế. Tiêu biểu nhất là Singapore, quốc đảo Sư tử này đã phá biệt thự để xây nhà cao tầng, rồi xây lại biệt thự để kinh doanh. Nhưng ở Việt Nam, khả năng quản lý còn chưa chuyên nghiệp nên chuyện đập đi xây mới không đơn giản. Ông Ngô Doãn Đức, Viện trưởng Viện Kiến trúc cho hay, phát triển kinh tế không có nghĩa là bỏ qua giá trị văn hóa. "Xây mới hay giữ lại khu biệt thự là một bài toán khó. Phá biệt thự sẽ làm đô thị mất trí nhớ, quên mất cả một thời kỳ lịch sử được lưu giữ", ông Đức băn khoăn.

Bài toán khó nhất là đặt lên bàn cân những giá trị văn hóa và lợi ích kinh tế của biệt thự cổ. Nhiều người dân vì những mục đích khác nhau đã đặt lợi nhuận bất động sản lên trên hết. Nhiều quỹ nhà biệt thự bị mua đi bán lại để giới kinh doanh kiếm lời. Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam đưa ra ví dụ, có những biệt thự bị lẹm vào đất của dân và những nhà kinh doanh biệt thự sẵn sàng bỏ ra 8 tỷ chỉ để mua 7 m2 đất lẹm này.

Bảo tồn biệt thự đã được bàn bạc nhiều lần, tuy nhiên vẫn chưa tìm ra phương án khả thi cho quỹ biệt thự thành phố. "Vấn đề cốt lõi là bảo tồn khu biệt thự trong quá trình hội nhập kinh tế", ông Phạm Thanh Tùng, Hội Kiến trúc sư nhận định. Phá biệt thự sẽ khiến Hà Nội mất đi cả một chứng tích văn hóa. Nhưng cũng không thể bắt người dân sống trong một khu nhà xuống cấp. “Người dân có lý của họ khi muốn phá biệt thự để xây chung cư 15 tầng. Biệt thự cũ nên bán nhưng phải đặt nặng vấn đề quản lý. Không thể bắt người dân ở trong một khu biệt thự có nhà vệ sinh được xây dựng trong 50 năm", ông Tùng nhận định.

Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc, cho biết, việc quản lý, bảo tồn và khai thác sử dụng quỹ biệt thự ở Hà Nội đã được ông đưa ra từ cách đây 10 năm nhưng sau đó đã “trôi dần” theo thời gian. Và cho đến thời điểm này, vẫn chưa có một khung pháp lý nào cụ thể. “Trong một thập kỷ ấy, cùng với sự gia tăng về giá trị đất đai, các quỹ nhà biệt thự ngày càng nảy sinh nhiều phức tạp và xuống cấp nghiêm trọng. Thực tế này khiến những người nặng lòng với Hà Nội không khỏi xót xa”, ông Nghiêm suy tư.

(Theo VnExpress)

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.