| Hotline: 0983.970.780

Hàng trăm ha lúa nguy cơ mất trắng vì ngập úng

Thứ Bảy 29/07/2023 , 21:53 (GMT+7)

ĐẮK LẮK Mưa lớn những ngày qua khiến nước từ khắp nơi đổ về sông Krông Na (Đắk Lắk) làm nước dâng cao gây ngập hàng trăm ha lúa đang phân hóa đòng.

Tổng lực đắp đê cứu gần 2.000ha lúa

Nước dâng cao gây vỡ bờ bao sông Krông Na đoạn qua xã Buôn Triết, huyện Lắk (Đắk Lắk), để cứu hàng nghìn ha lúa đang làm đồng, chính quyền địa phương đã phối hợp với người dân tiến hành gia cố đê. Do đó, từ sáng sớm người dân đã đưa cây, bạt cùng máy móc đến khu vực vỡ đê thực hiện gia cố.

Anh Mai Phú Kiên (ngụ xã Buôn Triết) cho biết, gia đình có 4ha lúa tại cánh đồng Buôn Triết nên khi nghe tin đoạn đê bao bị vỡ đã đến chung tay khắc phục.

Theo anh Kiên, mưa lớn liên tiếp những ngày qua nên nước đổ về sông Krông Na nhiều. Tuy nhiên, khu vực này chưa xây dựng đê bao nên bờ sông bị vỡ nhiều đoạn, nước tràn vào ruộng lúa của người dân. Để cứu lúa, từ sáng sớm người dân đã cùng lực lượng chức năng đưa máy múc, đóng cọc để gia cố.

Chính quyền địa phương cùng người dân huy động máy móc gia cố bờ đê bị vỡ. Ảnh: Quang Yên.

Chính quyền địa phương cùng người dân huy động máy móc gia cố bờ đê bị vỡ. Ảnh: Quang Yên.

“Cái này là khắc phục tạm thời chứ nước tiếp tục lên thì sẽ tràn qua bờ đê dân cũng chịu không thể chống được. Nếu bờ bao bị vỡ thì toàn bộ cánh đồng xã Buôn Triết gần 2.000ha sẽ bị ngập úng. Năm ngoái khu vực cánh đồng Buôn Triết cũng bị vỡ bờ bao khiến nước tràn vào gây ngập lúa chuẩn bị thu hoạch gây thiệt hại gần như toàn bộ. Người dân nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng đẩy nhanh việc xây dựng bờ kè phía Nam sông Krông Na, tuy nhiên dự án vẫn dậm chân tại chỗ”, anh Kiên nói.

Nhà có 4ha lúa sát bờ sông Krông Na, nếu bờ đê bị vỡ thì người chịu thiệt đầu tiên sẽ là hộ ông Nguyễn Bá Hạnh (ngụ Buôn Triết). Bởi vậy ông đã hiến một phần diện tích ruộng để máy múc lấy bùn đắp bờ đê.

Theo ông Hạnh, những năm trước tình trạng nước tràn bờ đê diễn ra thường xuyên. Nếu đoạn nào vỡ thì người dân tự huy động người, máy móc để đắp. Tuy nhiên, năm nay đoạn bờ đê sát ruộng gia đình ông Hạnh vỡ nên phải báo chính quyền địa phương huy động máy móc, nhân lực xuống hỗ trợ.

“Nước lớn tràn qua bờ gây sạt lở. Để cứu lúa gia đình cho máy múc ruộng lúa của gia đình để gia cố bờ đê. Nếu không kịp thời khắc phục thì bờ đê vỡ sẽ gây thiệt hại rất lớn”, ông Hạnh chia sẻ.

Đoạn bờ đê bị vỡ được gia cố tạm thời để cứu hàng nghìn ha lúa. Ảnh: Quang Yên.

Đoạn bờ đê bị vỡ được gia cố tạm thời để cứu hàng nghìn ha lúa. Ảnh: Quang Yên.

Nguy cơ người dân mất trắng vụ hè thu

Ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch UBND xã Buôn Triết (huyện Lắk) cho biết, trong những ngày vừa qua, trên địa bàn xã và các vùng lân cận có mưa lớn kéo dài, nước từ các lưu vực sông Krông Ana và suối đổ về gây ngập lụt tại một số cánh đồng lúa.

Ngoài ra, dọc theo sông Krông Na qua địa bàn xã Buôn Triết cũng bị vỡ đê bao 3 đoạn với chiều dài hơn 150m. Sau khi xảy ra sự cố, chính quyền phối hợp với người dân để đào đắp bờ đê, tạm thời giữ mực nước không tràn vào ruộng.

Theo ông Hải, diện tích lúa hè thu năm 2023 của xã Buôn Triết khoảng 2.100ha, phần lớn đang ở giai đoạn phân hóa đòng và trổ bông. Hiện tại, trên địa bàn xã vẫn còn mưa lớn, nước từ thượng nguồn sông Krông Ana bắt đầu tràn vào trong đồng đã gây ngập hơn 320ha.

“Hiện nay lúa đang thời kỳ phân hóa đòng cũng như trổ bông mà ngập như thế này thì thiệt hại trên 70%. Hiện nước sông đang tiếp tục đổ về nên nước có thể tràn bờ sông bất cứ lúc nào. Khu vực này có hơn 1.000ha lúa của bà con nhân dân nên nước không rút thì diện tích ngập sẽ tiếp tục tăng lên”, ông Hải nói.

Hơn 750ha lúa của người dân huyện Lắk chìm trong nước. Ảnh: Quang Yên.

Hơn 750ha lúa của người dân huyện Lắk chìm trong nước. Ảnh: Quang Yên.

Chủ tịch UBND xã Buôn Triết cho biết thêm, nếu tình hình nước sông tiếp tục dâng cao thì rất khó khăn trong việc giữ được bờ sông. “Nước dâng cao nhưng với sức đắp thủ công thì việc vỡ đê là sớm muộn. Về lâu dài, cơ quan chức năng cần đẩy nhanh dự án đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Na. Dự án khi hoàn thành mới giải quyết được việc vỡ bờ bao liên tục thời gian qua”, ông Hải kiến nghị.

Ông Nguyễn Viết Quang, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lắk cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, từ ngày 26-29/7, trên địa bàn huyện Lắk (Đắk Lắk) có mưa lớn và nước từ các lưu vực sông suối đổ về khiến mực nước sông Krông Na dâng cao gây gập hơn 750ha lúa hè thu.

Trong đó, ba xã bị ngập nhiều nhất là: xã Buôn Triết bị ngập hơn 320ha, xã Đắk Liêng ngập 268ha và xã Buôn Tría ngập 106ha.

Theo ông Quang, hiện nay nước từ các nơi đổ về sông Krông Na lớn, dự kiến diện tích ngập sẽ còn tăng trong 1-2 ngày tới.

“Để ứng phó với việc ngập úng, Phòng đã đề nghị các địa phương kịp thời vận động người dân khắc phục sự cố, chủ động di dời người dân đến nơi an toàn. Các địa phương cũng cần sớm thống kê thiệt hại của người dân để đề xuất cơ chế hỗ trợ”, ông Quang thông tin.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cây mía quay quắt trong nắng nóng như thiêu đốt

GIA LAI Trong cái nắng nóng như thiêu đốt, vùng mía nguyên liệu trồng mới lẫn mía tái sinh của Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) đang quay quắt trong ‘chảo lửa’…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.