| Hotline: 0983.970.780

Thừa Thiên - Huế khẩn trương cứu lúa bị ngập úng

Thứ Năm 23/02/2023 , 17:31 (GMT+7)

Để hạn chế thiệt hại về năng suất, sản lượng cây trồng do mưa kéo dài, hiện các địa phương, đơn vị chức năng đang khẩn trương thực hiện tiêu úng, phòng trừ sâu bệnh.

Ngày 23/2, thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, đến nay, địa phương vẫn đang tập trung các phương tiện máy móc để đấu úng, tiêu thoát nước cho khoảng 530ha lúa đông xuân còn ngập do ảnh hưởng của đợt mưa kéo dài.

Diện tích còn ngập úng này tập trung chủ yếu tại các huyện, thị xã như Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà… 

Các trạm bơm hoạt động tối đa công suất để tiêu úng cho đồng ruộng. Ảnh: CĐ.

Các trạm bơm hoạt động tối đa công suất để tiêu úng cho đồng ruộng. Ảnh: CĐ.

Trước đó, do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao, từ ngày 14/2 - 16/2 đã có mưa lớn trên diện rộng gây ngập úng nhiều diện tích lúa vụ đông xuân và một số loại cây trồng khác. 

Cùng với đó, để hạn chế thiệt hại về năng suất, sản lượng cây trồng, Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu các địa phương, đơn vị khẩn trương khẩn trương thực hiện một số giải pháp chuyên môn để cứu lúa.

Cụ thể, đối với cây lúa, sau khi hoàn thành đấu úng, khẩn trương kiểm tra ruộng lúa, dặm những chỗ lúa chết bằng cách tỉa thưa từ các khóm đẻ nhiều trên ruộng cùng giống ở chân ruộng cao không bị ngập úng kịp thời để đảm bảo mật độ.

Điều chỉnh mực nước để láng mặt ruộng; kiểm tra, quan sát thấy cây lúa ra rễ non thì tiến hành bón phân kịp thời giúp cây lúa sớm phục hồi bằng các loại phân hỗn hợp NPK chuyên dùng.

Chính quyền địa phương, các hợp tác xã thường xuyên kiểm tra phát hiện sớm bệnh đạo ôn lá trên các giống lúa nhiễm (Nếp, J02, NN4B, Xi23, BT7...) và hướng dẫn nông dân biện pháp quản lý và phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Mưa lớn những ngày qua đã khiến nhiều diện tích lúa ở Thừa Thiên - Huế bị ngập úng. Ảnh: CĐ.

Mưa lớn những ngày qua đã khiến nhiều diện tích lúa ở Thừa Thiên - Huế bị ngập úng. Ảnh: CĐ.

Phát hiện sớm, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phun trừ kịp thời bằng các loại thuốc có hoạt chất như: Isoprothilane, Propiconazole, Fenoxanil… khi thời tiết tạnh ráo, đặc biệt trên các giống nhiễm. Sau khi phun trừ 2 - 3 ngày kiểm tra kết quả, nếu thấy bệnh ngừng phát triển, vết bệnh khô trắng tiến hành chăm sóc, điều tiết nước hợp lý để cây lúa phục hồi phát triển. Nếu vết bệnh tiếp tục phát triển, chỉ đạo phun trừ lần 2 để không chế nguồn bệnh.

Đối với cây trồng khác, sau khi nước rút, tiến hành chăm sóc, trồng dặm để cây phục hồi phát triển. Bón bổ sung phân chuồng hoai mục, phân lân, kali, tro bếp nguội, phân vi lượng cho diện tích rau chưa đến kỳ thu hoạch để cây sinh trưởng, phát triển thuận lợi, tăng khả năng chống chịu với rét đậm, rét hại. Không gieo trồng các cây rau màu khi thời tiết rét đậm, rét hại. Có lưới che để giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra.

Riêng với cây màu như ngô, lạc..., sau khi nước rút, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng... cho cây nhanh phục hồi. Khi đất khô ráo, cần xới xáo, vun gốc kịp thời để tạo độ thoáng cho cây, tránh nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK... Kiểm tra diễn biến các nhóm bệnh héo rũ để chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Vụ đông xuân 2022 - 2023, toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế gieo cấy trên 28.000ha lúa. Hiện nay lúa đang bước vào chu kỳ sinh trưởng ban đầu, rất dễ bị tổn thương bởi các yếu tố thời tiết, sâu bệnh.

Cùng với đó, do những biến đổi bất thường của thời tiết, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, hàng ngàn diện tích lúa mới gieo sạ của nông dân đã bị ngập úng lâu ngày, buộc phải gieo lại đã ảnh hưởng đến lịch thời vụ trong năm.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.