| Hotline: 0983.970.780

Hậu Giang đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp

Thứ Tư 19/03/2014 , 06:55 (GMT+7)

Tỉnh Hậu Giang đang triển khai thực hiện Đề án cơ giới hóa trong SX nông nghiệp giai đoạn 2012 - 2015.

Tỉnh Hậu Giang đang triển khai thực hiện Đề án cơ giới hóa trong SX nông nghiệp giai đoạn 2012 - 2015 nhằm tháo gỡ khó khăn khi nguồn lao động phục vụ lĩnh vực này giảm dần, góp phần giảm chi phí đầu tư SX, giảm thất thoát sau thu hoạch…

Theo Ban chủ nhiệm đề án, sau 2 năm thực hiện tỉnh đã hỗ trợ nông dân mua gần 100 máy gặt đập liên hợp (GĐLH), nâng tổng số máy GĐLH trên địa bàn lên 264 máy. Với số lượng máy trên, khả năng đảm nhiệm thu hoạch lúa bằng máy GĐLH được hơn 46.000 ha, chiếm khoảng 58% diện tích lúa ĐX, 60% vụ HT và 83% vụ TĐ.

Ông Lê Văn Đời, PGĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết: Sau khi dự án hoàn thành sẽ đáp ứng cơ bản việc SX, nhất là khâu thu hoạch, phơi sấy, tưới tiêu, tháo úng… Tuy nhiên, tiến độ thực hiện đề án chưa đạt như mong muốn. Tính đến thời điểm này, các địa phương mới giải ngân được vốn mua máy GĐLH, các loại máy móc, cơ giới khác triển khai còn chậm.

Ông Nguyễn Thành Nhơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang khẳng định: Nông nghiệp là lĩnh vực kinh tế thế mạnh của tỉnh; trong đó lúa là cây trồng chủ lực.
Theo đó, địa phương quy hoạch diện tích gieo trồng lúa hàng năm trên 200.000 ha với sản lượng đạt khoảng 1,2 triệu tấn. Đây là kết quả của sự quan tâm đầu tư đúng mức cho loại cây trồng chủ lực này, nhất là khi tỉnh mạnh dạn đầu tư đề án cơ giới hóa trong SX hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại.

Theo anh Trần Văn Việt, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, nếu thực hiện thu hoạch lúa bằng máy GĐLH thì mỗi héc ta, người dân được tăng thêm lợi nhuận từ 2 - 4 triệu đ/vụ. Còn người tham gia dịch vụ thu hoạch lúa bằng máy GĐLH trung bình 2 vụ/năm sẽ tăng thêm thu nhập từ 100 - 120 triệu đ/vụ. Theo ước tính của ngành chức năng, thu hoạch bằng máy GĐLH hàng năm sẽ giảm 3% lượng lúa thất thoát sau thu hoạch, tương đương hơn 35.000 tấn lúa/năm, trị giá khoảng 177 tỷ đồng.

Ngoài ra địa phương còn giảm thiểu áp lực thiếu nhân công, rút ngắn đáng kể thời gian thu hoạch, phơi, sấy và nâng cao chất lượng hạt lúa, tạo tiền đề xây dựng cánh đồng lớn.

Theo đề án, trong giai đoạn 2012 - 2015, tỉnh đầu tư mua mới 2.249 máy các loại, trong đó 199 máy GĐLH, 193 máy làm đất, hơn 1.300 máy phun thuốc, 452 máy bơm nước, 83 lò sấy, 21 máy tách hạt… Số máy trên được phân bổ đều đến các địa phương, trong đó ưu tiên cho hộ nông dân, người có nhu cầu, sống bằng nghề nông.

Những hộ có nhu cầu sử dụng máy, được chính quyền địa phương tạo điều kiện, liên hệ với ngân hàng thế chấp tài sản cho vay mua cơ giới và được hưởng lãi suất vay ưu đãi.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nhiều người có nhu cầu sử dụng máy móc, cơ giới nhưng lại thiếu tài sản thế chấp ngân hàng; người dân còn tâm lý muốn mua, sử dụng máy, thiết bị ngoại nhập nên khi triển khai còn vướng mắc.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.