| Hotline: 0983.970.780

Hệ lụy môi trường từ quyết định dời đô của Indonesia

Thứ Sáu 06/09/2019 , 08:55 (GMT+7)

Indonesia mới đây đã chính thức thông báo sẽ dời thủ đô từ Jakarta về Đông Kalimantan, cách đó gần 1.300km. Quyết định này làm dấy lên lo ngại về những ảnh hưởng tiềm ẩn đến môi trường.

13-46-43_1
Vị trí khu vực được chọn làm tân thủ đô của Indonesia. Ảnh: BBC.

Thành phố Jakarta ngày càng đông đúc, ô nhiễm và đang sụt lún với tốc độ đáng báo động. Trong khi đó, Đông Kalimantan, nằm trên đảo Borneo, lại hoàn toàn đối lập. Nơi đây được biết đến với những cánh rừng nhiệt đới, là “ngôi nhà” của đười ươi cùng nhiều động vật hoang dã quý hiếm.

Việc dời đô sẽ tiêu tốn khoảng 466 nghìn tỷ rupiah (32,8 tỷ USD) và là một trong những dự án hạ tầng lớn nhất của chính phủ Indonesia.
 

Nguyên nhân dời đô

Giới nghiên cứu cho biết nhiều nơi ở Jakarta, dân số hơn 10 triệu người, có thể bị ngập hoàn toàn vào năm 2050. Bắc Jakarta đã lún xuống 2,5m trong 10 năm qua và đang tiếp tục lún trung bình 1 - 1,5 cm/năm. Gần nửa thành phố đã nằm dưới mực nước biển.

Một trong những nguyên nhân chính là tình trạng khai thác nước ngầm để đáp ứng nhu cầu tại thành phố. Hạ tầng Jakarta xây trên nền đất yếu trong khi mực nước biển xung quanh ngày càng tăng.

Jakarta còn nổi tiếng với tắc đường, các bộ trưởng phải được đoàn xe cảnh sát hộ tống mới có thể đến họp đúng giờ. Không khí ô nhiễm, chi phí sống đắt đỏ - nhiều người phải sống trong những khu định cư phi chính thức.
 

Vị trí tân thủ đô

Thủ đô mới của Indonesia sẽ được xây dựng trên hai khu vực có tên Kutai Kartanegara và Penajam Paser ở Đông Kalimantan. Việc dời đô theo kế hoạch diễn ra năm 2024. Diện tích dự kiến khoảng 180.000 hecta, gấp ba lần quy mô Jakarta.

Theo Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Đông Kalimantan được chọn bởi nơi này không phải hứng chịu thảm họa tự nhiên - lụt, động đất, núi lửa và sóng thần - như những khu vực khác. Ngoài ra, những vùng lân cận tương đối phát triển, như thành phố Balikpapan và Samarinda.

“Đã có một số thành phố và cơ sở hạ tầng ở gần vị trí tân thủ đô”, Johannes Widodo, phó giáo sư tại Trường Thiết kế và Môi trường, Đại học Quốc gia Singapore, nói với BBC.

Tuy nhiên, nơi đặt tân thủ đô lại gần như chưa phát triển, chủ yếu là các đồn điền cọ và rừng bị chặt phá, theo Irwan Gunawan, giám đốc Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tại Indonesia phụ trách Kalimantan.

Ông mô tả Kalimantan từng có hệ thực vật phong phú nhưng “đã bị phá hủy” trong vài năm qua. Ông lo ngại sự tàn phá sẽ chỉ gia tăng khi thủ đô mới xuất hiện.

Jakarta vẫn sẽ là trung tâm kinh doanh và thương mại, chỉ các cơ quan chính phủ trung ương mới phải chuyển đi. Gunawan cảnh báo việc này “sẽ thu hút lượng lớn người di cư theo”.

“Thêm người đồng nghĩa cần thêm nhà ở. Bạn sẽ cần gỗ để xây dựng… do đó, rất có thể tình trạng chặt phá rừng ngày càng tăng”.

Xu hướng di cư đã xuất hiện. Công ty bất động sản Agung Podomoro Land thông báo đang xây dựng các căn hộ cao cấp, khách sạn, trung tâm mua sắm cùng nhiều hạ tầng khác tại Đông Kalimantan. Tại tỉnh lân cận Bắc Kalimantan, một dự án nhà máy thủy điện 17,8 tỷ USD cũng đang được triển khai. Rõ ràng, chính phủ Indonesia đang muốn phát triển tổng thể Kalimantan.
 

Hệ lụy tiềm ẩn đến môi trường

Đông Kalimantan là nơi sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã, đặc biệt là đười ươi.

Chính phủ Indonesia cho biết ít nhất 50% tân thủ đô sẽ là không gian xanh. Bộ trưởng Kế hoạch và Phát triển Indonesia Bambang Brodjonegoro mô tả bối cảnh này là “thành phố rừng”.

Gunawan không dễ bị thuyết phục. “Vậy vẫn chưa đủ. Không chỉ nơi dời đô đến, khu vực xung quanh cũng cần được xem xét”, ông nói.

13-46-43_2
Quang cảnh khu Samboja, Kutai Kartanegara, nhìn từ trên cao. Ảnh: EPA.

“Số lượng đười ươi đã giảm mạnh trong 20 năm qua do sự mở rộng của các đồn điền cọ và phá rừng. Nơi sinh sống của chúng ở xa thủ đô nhưng thủ đô phát triển, các khu dân cư cũng sẽ phát triển… từ đó, diện tích dành cho đười ươi cũng giảm. Vấn đề chỉ là thời gian”.

Diễn đàn Indonesia vì Môi trường (WALHI), một tổ chức vận động, cũng chung quan điểm.

“Phá rừng sẽ xảy ra. Hoạt động khai khoáng để lấy vật liệu xây dựng sẽ gia tăng”, Sawung, nhà vận động Đô thị và Năng lượng tại WALHI, nói.

Theo Sawung, nếu chính phủ Indonesia không giải quyết những vấn đề đang hoành hành ở Jakarta, bản chất “chỉ là họ chuyển rắc rối của Jakarta – về nước, ô nhiễm không khí, di chuyển và nhà ở - sang Kalimantan”.

Người dân ở ngoài đảo Java, nơi có thành phố Jakarta, từ lâu đã phàn nàn rằng họ ít được chính phủ để ý. Một cư dân Đông Kalimantan cho rằng “ở gần chính phủ trung ương là điều tốt”. Người khác hy vọng việc dời đô đồng nghĩa khu vực này sẽ phát triển hơn.

Tuy nhiên, Sawung cho biết nhiều người dân địa phương vẫn “hoài nghi”. Họ tin chỉ “quan chức chính phủ và giới doanh nhân” được hưởng lợi.

Ngoài ra, còn một nhóm người nữa chưa được lấy ý kiến – những người dân bản địa, được biết đến là Dayak.

“Người Dayak sống phụ thuộc vào rừng… đó cũng là cách họ giúp bảo tồn hệ sinh thái rừng. Quyền lợi của họ cần được bảo vệ. Chúng tôi không muốn họ trở thành những người bị gạt bỏ”, Gunawan nói.

Nhóm vận động Quốc tế vì Quyền lợi người thiểu số (MRGI) cảnh báo môi trường sống của người Dayak sẽ bị phá hủy.

“Họ có nguy cơ trở thành nạn nhân của suy thoái môi trường”, Joshua Castellino, MRGI, nói với Reuters.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.