| Hotline: 0983.970.780

Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia: Nền tảng đáp ứng quy định EUDR

Thứ Sáu 05/07/2024 , 09:30 (GMT+7)

Với những tiêu chuẩn về cả kinh tế, xã hội và môi trường, hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia VFCS/PEFC có nhiều điểm tương đồng và sẽ thuận lợi khi thực hiện EUDR.

Quy tắc chung của EUDR là chỉ những sản phẩm không gây mất rừng và hợp pháp mới được phép xuất khẩu vào EU. Ảnh: Tùng Đinh.

Quy tắc chung của EUDR là chỉ những sản phẩm không gây mất rừng và hợp pháp mới được phép xuất khẩu vào EU. Ảnh: Tùng Đinh.

Quy định không phá rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR) được ban hành nhằm cấm các sản phẩm và hàng hóa gây mất rừng, suy thoái rừng và không tuân thủ pháp luật của quốc gia khai thác và xuất khẩu vào hoặc xuất khẩu từ thị trường EU.

Quy định này ra đời vào cuối tháng 5/2023 và có hiệu lực từ ngày 29/6/2023 với hạn áp dụng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu của EU là tháng 12/2024, các doanh nghiệp nhỏ sẽ áp dụng từ tháng 6/2025.

Ngăn chặn sản phẩm gây mất rừng

Bài liên quan

Quy tắc chung của EUDR là chỉ những sản phẩm không gây mất rừng và hợp pháp mới được phép xuất khẩu vào EU hoặc nhập khẩu từ EU. Bên cạnh đó là quy định truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt về hàng hóa cũng như lô đất nơi sản xuất.

Mục tiêu của EUDR là giảm thiểu sự liên quan của các quốc gia châu Âu đối với nạn phá rừng, suy thoái rừng trên toàn thế giới, cùng với đó là đóng góp vào công cuộc giảm phá rừng. Bên cạnh đó, EUDR cũng góp phần vào giảm phát thải khí nhà kính và suy giảm đa dạng sinh học toàn cầu.

Điều này đồng nghĩa với việc chỉ những sản phẩm không gây mất rừng, có pháp lý rõ ràng, đầu đủ mới được xuất khẩu vào châu Âu, kèm theo đó là hệ thống cơ sở dữ liệu minh bạch để có thể truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm cũng như lô đất sản xuất ra sản phẩm đó.

Những quy định của EUDR và hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia của Việt Nam có những nét tương đồng. Ảnh: NNVN.

Những quy định của EUDR và hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia của Việt Nam có những nét tương đồng. Ảnh: NNVN.

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn Việt Nam, sẽ có 6 nhóm sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng khi quy định EUDR chính thức được áp dụng, trong đó đầu tiên vẫn là các sảm phẩm từ gỗ như giấy, bìa cứng, sợi gỗ hoặc gỗ, vật liệu in, sản phẩm từ than củi, bột gỗ, ghế các loại…

Tiếp theo là các sản phẩm liên quan đến cây cao su, cà phê, ca cao. Ngoài ra cũng có các sản phẩm chăn nuôi như thịt bò hay trồng trọt như đậu tương sẽ nằm trong nhóm bị ảnh hưởng bởi EUDR.

Nét tương đồng giữa EUDR và VFCS/PEFC

Bài liên quan

Quy định sản xuất hàng hóa không gây mất rừng của Liên minh Châu Âu – EUDR có 3 điểm mấu chốt là: Hàng hóa không được sản xuất từ nguyên liệu gây mất rừng, suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020; sản xuất phải tuân thủ theo quy định luật pháp của nước sở tại; có thông tin tọa độ đối với các lô khai thác; có hệ thống thẩm định trách nhiệm để minh chứng việc tuân thủ theo quy định luật pháp của nước sở tại.

Trong khi đó, Hệ thống Chứng chỉ rừng Quốc gia được Bộ NN-PTNT thiết lập năm 2019 trên cơ sở Quyết định số 1288/QĐ-TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ. Có 2 nhóm tiêu chuẩn chính áp dụng cho sản xuất là tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC và tiêu chuẩn chuỗi hành trình sản phẩm PEFC CoC.

Rừng được cấp chứng chỉ quản lý bền vững sẽ là nền tảng quan trọng để đáp ứng các yêu cầu của EUDR. Ảnh: NNVN.

Rừng được cấp chứng chỉ quản lý bền vững sẽ là nền tảng quan trọng để đáp ứng các yêu cầu của EUDR. Ảnh: NNVN.

Do đó, tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững được xây dựng dựa trên điều kiện thực tiễn Việt Nam, các quy định của luật pháp Việt Nam nên về cơ bản sản phẩm gỗ có chứng nhận VFCS/PEFC FM sẽ đáp ứng được yêu cầu hàng hóa sản xuất phải tuân thủ theo quy định luật pháp của nước sở tại theo quy định của EUDR.

Bên cạnh đó, khi triển khai xây dựng phương án quản lý rừng bền vững (là một yêu cầu trong bộ tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững), chủ rừng đã thiết lập bản đồ, trong đó bao gồm thông tin tọa độ địa lý của các lô rừng, đây là cơ sở để đáp ứng yêu cầu của EUDR (có thông tin tọa độ đối với các lô khai thác).

Và yêu cầu đầu tiên trong bộ tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC là chủ rừng phải có bằng chứng về quyền sử dụng đất hợp pháp, vì vậy các diện tích sử dụng không đúng mục đích, lấn chiếm rừng tự nhiên đều được rà soát kỹ càng để loại khỏi các diện tích chứng nhận.

Hiện nay, Chính phủ đã có chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên từ năm 2014 nên các diện tích rừng khai thác gỗ ở nước ta chủ yếu là rừng trồng. Vì vậy, gỗ được chứng nhận theo VFCS/PEFC cũng cơ bản đáp ứng yêu cầu của EUDR (hàng hóa không được sản xuất từ nguyên liệu gây mất rừng, suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020).

Ngoài ra, khi nguyên liệu gỗ đi vào các nhà máy có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm PEFC CoC, đều phải trải qua quy trình khai báo hệ thống trách nhiệm giải trình (DDS).

Bên cạnh ngành lâm nghiệp, một số sản phẩm như cà phê cũng nằm trong diện phải đáp ứng các yêu cầu của EUDR. Ảnh: NNVN.

Bên cạnh ngành lâm nghiệp, một số sản phẩm như cà phê cũng nằm trong diện phải đáp ứng các yêu cầu của EUDR. Ảnh: NNVN.

Hiện nay, PEFC đã xây dựng xong Phụ lục yêu cầu về Hệ thống thẩm định trách nhiệm theo EUDR, dự thảo đã hoàn thành việc lấy ý kiến cộng đồng quốc tế và sẽ sớm được ban hành trong thời tới. Khi đó, việc chứng nhận theo VFCS/PEFC sẽ bao gồm cả yêu cầu về EUDR. Vì vậy, sản phẩm được chứng nhận theo hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia cũng sẽ đáp ứng điều kiện của EUDR (có hệ thống thẩm định trách nhiệm để minh chứng việc tuân thủ theo quy định luật pháp của nước sở tại).

Từ những yếu tố trên, có thể thấy những yêu cầu của EUDR đều sẽ được Hệ thống Chứng chỉ rừng Quốc gia đáp ứng. Như vậy, những diện tích rừng đáp ứng được tiêu chuẩn của Hệ thống Chứng chỉ rừng Quốc gia sẽ sở hữu những nền tảng cơ bản để đáp ứng được EUDR.

Theo ông Nguyễn Hoàng Tiệp, Phó Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO), gỗ và lâm sản ngoài gỗ khai thác từ rừng được chứng nhận theo VFCS/PEFC sẽ cơ bản đáp ứng yêu cầu EUDR. Đây cũng là nguồn nguyên liệu được nhiều chuyên gia khuyến nghị sử dụng để đáp ứng yêu cầu EUDR.

Có thể thấy, mốc thời gian áp dụng EUDR đang đến rất gần (1/1/2025) trong khi nhiều chủ rừng khác còn chưa sẵn sàng thì các chủ rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững sẽ có cơ hội lớn để mở rộng thị trường của mình.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là một trong những đơn vị có các hoạt động sớm để thích ứng với EUDR. Ảnh: Tùng Đinh.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là một trong những đơn vị có các hoạt động sớm để thích ứng với EUDR. Ảnh: Tùng Đinh.

Trước bối cảnh đó, để đáp ứng yêu cầu EUDR, với vai trò là cơ quan vận hành Hệ thống Chứng chỉ rừng Quốc gia, VFCO đã tích cực chuẩn bị để sẵn sàng thích ứng với EUDR như: Rà soát thí điểm quy định EUDR với sản phẩm ngành cao su; rà soát cơ sở để bổ sung thêm các yêu cầu liên quan đến EUDR trong bộ tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC FM. Bên cạnh đó, tham gia các nhóm công tác của PEFC để xây dựng các tài liệu, hướng dẫn thích ứng với EUDR. Văn phòng cũng chuẩn bị xây dựng hướng dẫn thích ứng với EUDR cho các chủ rừng, doanh nghiệp.

Hiện tại chỉ các diện tích rừng chuyển đổi từ rừng tự nhiên sang rừng trồng trước ngày 31/12/2010 mới được chứng nhận theo hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia. Yêu cầu này cao hơn so với yêu cầu của EUDR là ngày 31/12/2020.

Ông Nguyễn Hoàng Tiệp cho biết, thời gian tới, khi PEFC ban hành Phụ lục yêu cầu về Hệ thống thẩm định trách nhiệm theo EUDR, Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững sẽ phổ biến, hướng dẫn và tập huấn cho các doanh nghiệp để sử dụng và đáp ứng yêu cầu EUDR.

VRG xây dựng kế hoạch thích ứng với EUDR

Vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) phối hợp với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO) tổ chức hội thảo “Xây dựng kế hoạch hành động thích ứng quy định EUDR”.

Hội thảo đã thảo luận và thống nhất chuẩn bị sẵn sàng thực hiện EUDR thông qua thiết lập EUDR DDS, xây dựng năng lực và triển khai chứng nhận PEFC EUDR trong hệ thống chứng chỉ rừng Quốc gia (VFCS/PEFC).

Ngành cao su đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để đáp ứng quy định của EUDR. Ảnh: NNVN.

Ngành cao su đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để đáp ứng quy định của EUDR. Ảnh: NNVN.

VFCO sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với PEFC và VRG để thúc đẩy phát triển ngành cao su bền vững thông qua thực hiện chứng nhận quản lý rừng bền vững, chuỗi hành trình sản phẩm (CoC) gắn với Hệ thống trách nhiệm giải trình EUDR (PEFC EUDR DDS).

Được biết, chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là một trong những chủ trương quan trọng của VGR nhằm thực hiện đồng thời 3 mục tiêu: Phát triển kinh tế - bảo vệ môi trường - trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Liên quan chuỗi cung ứng, VRG đặt mục tiêu đến năm 2030 có 60% diện tích cao su và rừng trồng sản xuất đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC và 100% nhà máy chế biến mủ cao su có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm.

Đến năm 2050,VRG phấn đấu có 100% diện tích cao su và rừng trồng sản xuất đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC và 100% nhà máy sản xuất (mủ, gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su...) có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.