Hiệu quả chính sách giao khoán rừng
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận hiện được giao quản lý hơn 17.705 ha rừng, tập trung tại 3 huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Bắc Bình; 2,5 ha đất thương mại dịch vụ tại TP Phan Thiết.
Ông Lê Ngọc Cường, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận, cho biết, để quản lý diện tích rừng hiệu quả, thời gian qua, Công ty đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như tổ chức lực lượng đủ mạnh từ Công ty đến các đơn vị trực thuộc trực tiếp phụ trách thực hiện công tác tuần tra quản lý bảo vệ rừng đến từng khu vực.
Đồng thời bố trí các trạm, tổ, chốt nơi thường xuyên diễn ra các vụ vi phạm về quản lý bảo vệ rừng; tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho lực lượng bảo vệ rừng; thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra đột xuất, định kỳ để kịp thời ngăn chặn các vụ vi phạm liên quan đến quản lý rừng, quản lý đất đai.
Bên cạnh đó, Công ty còn tích cực phối hợp với các cơ quan ban ngành trong việc tuần tra, ngăn chặn cũng như xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan đến quản lý bảo vệ rừng, kịp thời răn đe các đối tượng vi phạm. Cùng với đó triển khai chương trình lâm nghiệp xã hội, theo đó ngoài lực lượng bảo vệ rừng, Công ty triển khai rà soát diện tích của đơn vị thực hiện giao khoán bảo vệ rừng trồng, rừng tự nhiên cho các hộ dân sống ven, gần rừng.
“Đến nay chúng tôi giao khoán quản lý bảo vệ rừng tự nhiên hơn 2.191 ha và 282 rừng trồng cho 77 hộ dân, chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã Sông Phan (Hàm Tân); xã Hàm Cần (Hàm Thuận Nam) và xã La Dạ (Hàm Thuận Bắc)”, ông Cường chia sẻ và cho biết thêm, nhờ chính sách giao khoán rừng này của Công ty đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, rừng được bảo vệ tốt hơn, các vụ cháy rừng, phá rừng giảm nhiều.
Ông Cường cho biết, ngoài giải pháp trên, thông qua kế hoạch thực hiện Quản lý rừng bền vững, các giải pháp tuân thủ quy tắc của chứng chỉ rừng quốc tế (FSC), Công ty thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến toàn thể người dân nói chung, các hộ dân sống ven, gần rừng Công ty quản lý nói riêng về tầm quan trọng của rừng, những rủi ro khi người dân tham gia vào các hoạt động hủy hoại rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy…Từ đó, người dân đã nâng cao ý thức trong việc chung tay bảo vệ rừng.
Nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng
Theo Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận, với tổng diện tích rừng quản lý trên hiện Công ty có hơn 10.000 ha rừng trồng. Để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, thời gian qua, Công ty đã tập cải tạo nguồn giống bằng việc chuyển đổi từng bước từ cây giâm hom sang cây cấy mô. Đến nay diện tích trồng của Công ty đã chuyển đổi hơn 500 ha và cập nhật đưa vào trồng rừng một số giống cây lai tạo mới như BV16, BV32, BV33, BV75…có năng suất, chất lượng cao.
Bên cạnh đó Công ty còn phối hợp với các Viện khoa học lâm nghiệp để tìm các giải pháp thâm canh nâng cao chất lượng rừng trồng từ các nguồn giống chất lượng cao, phương pháp trồng rừng, chăm sóc đạt hiệu quả cao và xử lý các bệnh về cây trồng, nhằm tiết giảm chi phí đầu tư đầu vào. Cũng như chuyển giao công nghệ nuôi cây mô để tiến tới xây dựng vườn ươm nuôi cấy mô, tạo chủ động nguồn cung cấp cây giống ổn định…
Đặc biệt, Công ty thường xuyên xem xét chọn lựa các khu vực phù hợp rừng trồng đã đến ký khai thác từ 5-6 năm để lại chuyển hóa thành rừng gỗ lớn từ 3-5 năm sau so với chu kỳ trồng rừng nhằm đem lại hiệu quả tối đa.
“Hiện mỗi năm Công ty quy hoạch đưa vào chuyển hóa rừng trồng gỗ lớn từ 30 – 50 ha. Đến nay Công ty đã có khoảng hơn 200 ha rừng gỗ lớn. Bên cạnh đó, Công ty còn có khoảng 9.700 rừng đạt chứng chỉ rừng quốc tế FSC”, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận chia sẻ.
Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới Công ty sẽ tiếp tục duy trì những giải pháp trong công tác quản lý bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng. Cùng với đó, thực hiện liên kết với một đơn vị nghiên cứu khoa học để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và đưa ra những giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao giá trị rừng trồng. Đồng thời tìm kiếm đối tác liên doanh liên kết, tranh thủ nguồn vốn huy động tiếp tục đầu tư vào rừng, kéo dài chu kỳ rừng trồng, xây dựng nhà máy chế biến để nâng cao chuỗi giá trị rừng trồng. Đặc biệt, Công ty sẽ duy trì chứng chỉ rừng FSC (FM/CoC) bởi đây là tiền đề quan trọng để nguồn liệu gỗ của đơn vị có thể tham gia vào chuỗi giá trị xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường nước ngoài.