| Hotline: 0983.970.780

Siết chặt quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp

Thứ Năm 28/04/2022 , 08:45 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Ngành lâm nghiệp Bình Định siết chặt quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu trồng rừng, nhất là phục vụ định hướng trồng rừng gỗ lớn.

"Thủ phủ" giống cây lâm nghiệp

Diện tích rừng trồng trên địa bàn Bình Định hiện có gần 127.000ha và rừng trồng mới chưa thành rừng gần 40.000ha. Hàng năm, các tổ chức, cá nhân trồng rừng ở Bình Định khai thác và trồng lại đến hơn 10.000ha rừng.

Hàng năm, Chi cục Kiểm lâm Bình Định thành lập đoàn kiểm tra xuống các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp để kiểm tra chất lượng giống. Ảnh: T.Đ.

Hàng năm, Chi cục Kiểm lâm Bình Định thành lập đoàn kiểm tra xuống các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp để kiểm tra chất lượng giống. Ảnh: T.Đ.

Để đáp ứng nhu cầu trồng rừng trên địa bàn, phong trào sản xuất giống cây lâm nghiệp ở Bình Định cũng phát triển theo. Hiện tỉnh này có đến 167 đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, trong đó có 3 doanh nghiệp nhà nước, 28 doanh nghiệp tư nhân, 6 đơn vị sự nghiệp và 130 hộ gia đình. Năm 2022, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp ở Bình Định dự kiến sẽ sản xuất 200 triệu cây, trong đó có 25,8 triệu cây phục vụ nhu cầu trồng rừng trên địa bàn tỉnh, số còn lại cung ứng cho người trồng rừng trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Định, những năm qua, các đơn vị sản xuất giống cây lâm nghiệp trên địa bàn đặc biệt chú trọng về chất lượng cây giống, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ nhằm từng bước nâng cao chất lượng rừng trồng, nhất là khi rừng trồng đang đi theo hướng rừng gỗ lớn. Các giống cây lâm nghiệp được sản xuất tại Bình Định chủ yếu là keo lai, bạch đàn, sao đen, thông Caribe, keo lá tràm, phi lao, lim xanh…

Với keo lai giâm hom, đến hết năm 2021, Bình Định đã có đến 167 nguồn giống được trồng trên diện tích hơn 45,4ha đang trong thời hạn công nhận. Về cây keo lai cấy mô, có 3 doanh nghiệp có phòng nuôi cấy mô với diện tích 2.500m2, quy mô sản xuất 32 triệu cây/năm.

Các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp ở Bình Định chuẩn bị sản xuất để phục vụ công tác trồng rừng năm 2022. Ảnh: T.Đ.

Các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp ở Bình Định chuẩn bị sản xuất để phục vụ công tác trồng rừng năm 2022. Ảnh: T.Đ.

Hiện nay, các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp ở Bình Định đang triển khai chăm sóc vườn cây đầu dòng, chuẩn bị vật tư, vật liệu để sản xuất cây con phục vụ trồng rừng năm 2022. Chi cục Kiểm lâm tỉnh này đang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai công tác quản lý, thẩm định nguồn gốc giống và kế hoạch sản xuất kinh doanh giống cây lâm nghiệp trên địa bàn.

Đặc biệt, ngành chức năng Bình Định đẩy mạnh tuyên truyền việc nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp, đồng thời tích cực tuyên truyền các đơn vị sản xuất giống cây lâm nghiệp trong việc thực hiện đúng quy định tại Nghị định 27/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

“Chất lượng giống cây lâm nghiệp làm nên năng suất, chất lượng của rừng trồng sau này. Đối với các tổ chức trồng rừng thì đơn vị nào cũng có vườn ươm giống riêng để sản xuất cây giống, còn các cá nhân thì nguồn cây giống hầu hết được mua từ những cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp. Ngành chức năng quản lý rất chặt hoạt động này để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng trên địa bàn”, ông Huỳnh Ngọc Bảo, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định chia sẻ.

Siết chặt quản lý

Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh (huyện Vân Canh, Bình Định) là 1 trong 3 doanh nghiệp nhà nước sản xuất giống cây lâm nghiệp trên địa bàn Bình Định. Năm 2022, Công ty sản xuất hơn 1,6 triệu cây giống, vừa cung cấp cho nhu cầu trồng rừng của đơn vị, vừa phục vụ thị trường bên ngoài.

“Năm nay, Công ty sản xuất khoảng 840.000 cây keo lai cấy mô và 8.000 cây keo lai giâm hom đáp ứng các điều kiện về tiêu chuẩn chất lượng giống cây lâm nghiệp. Là đơn vị trồng rừng nên chúng tôi hiểu rõ chất lượng rừng tùy thuộc vào chất lượng cây giống. Do đó, những năm qua chúng tôi tăng cường đầu tư cho hoạt động sản xuất giống cây lâm nghiệp, trước là để phục vụ công tác sản xuất của Công ty, tiếp đến là cung cấp cho thị trường”, ông Phạm Bá Nghị, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh cho hay.

Vườn ươm giống keo lai cấy mô chất lượng cao của doanh nghiệp Nguyên Hạnh, 1 trong 3 đơn vị có phòng nuôi cấy mô ở Bình Định. Ảnh: T.Đ.

Vườn ươm giống keo lai cấy mô chất lượng cao của doanh nghiệp Nguyên Hạnh, 1 trong 3 đơn vị có phòng nuôi cấy mô ở Bình Định. Ảnh: T.Đ.

Ngoài việc tự ý thức nâng cao chất lượng cây giống của các đơn vị sản xuất, hoạt động sản xuất giống cây lâm nghiệp trên địa bàn Bình Định cũng được ngành chức năng quản lý chặt chẽ. Để giám sát chất lượng cây giống lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm Bình Định thành lập hội đồng thẩm định nguồn giống cây trồng lâm nghiệp khi đơn vị sản xuất giống có đơn đề nghị công nhận nguồn giống.

Quy trình sản xuất giống cây lâm nghiệp càng được ngành chức năng quản lý nghiêm ngặt hơn. Các cơ sở sản xuất cây giống keo lai theo phương pháp giâm hom phải được cắt hom cấy vào bầu, phải có đầy đủ trang thiết bị như hệ thống tưới, dàn che, máy phát điện và phải đảm bảo tỷ lệ sống của cây giống khi xuất vườn theo tiêu chuẩn, không sâu bệnh.

Vật liệu giống (hom) từ vườn cây đầu dòng phải được lấy trong thời hạn còn được công nhận là 36 tháng kể từ khi trồng, đã được Sở NN-PTNT công nhận đủ tiêu chuẩn để sản xuất cây con theo phương pháp giâm hom.

“Ngay từ đầu năm, Chi cục Kiểm lâm Bình Định cung cấp danh sách, thông tin các vườn cây đầu dòng còn trong thời hạn công nhận và các vườn cây đầu dòng đã hết thời hạn công nhận trong năm cho các hạt kiểm lâm các huyện. Trên cơ sở đó, các hạt kiểm lâm sẽ phối hợp với các phòng NN-PTNT, phòng kinh tế các huyện, thị xã trong công tác quản lý, kiểm tra theo quy định”, ông Huỳnh Ngọc Bảo, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định cho biết.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Cần tăng đầu tư, hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng

Yên Bái là điểm nóng về cháy rừng, ý thức người dân chưa cao, địa hình chia cắt, lực lượng mỏng, thiếu thiết bị chuyên dụng nên công tác chống cháy rừng còn gian nan.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.