| Hotline: 0983.970.780

Hiểu rõ dịch tả heo Châu Phi để áp dụng an toàn sinh học

Thứ Năm 07/12/2023 , 08:39 (GMT+7)

ĐBSCL Để phòng, chống dịch tả heo Châu Phi, các biện pháp an toàn sinh học cùng việc đẩy mạnh tiêm phòng vacxin được ngành chức năng khuyến cáo thực hiện.

Người chăn nuôi cần nâng cao an toàn sinh học, trước hết là kiến thức, thái độ và thực hành của mình. Ảnh: Minh Đảm.

Người chăn nuôi cần nâng cao an toàn sinh học, trước hết là kiến thức, thái độ và thực hành của mình. Ảnh: Minh Đảm.

Đường lây truyền rộng hơn cả Covid-19

Tại ĐBSCL, chăn nuôi heo quy mô nhỏ vẫn còn chiếm đa số. Vì thế, áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Lãm, Khoa Thú y, Trường Nông nghiệp - Trường Đại học Cần Thơ, bệnh dịch tả heo Châu Phi do virus gây ra. Chúng được ghi nhận xuất hiện lần đầu tiên năm 1921 tại Kenya, châu Phi. Virus này có cấu trúc phức tạp với hơn 24 kiểu gen, 8 kiểu huyết thanh. Virus ở châu Á, Việt nam và ĐBSCL có kiểu gen II và I, nhưng kiểu gen II phổ biến hơn. Về độc lực, chúng có cả chủng virus độc lực cao và thấp.

Đường lây truyền của virus dịch tả heo Châu Phi nguy hiểm hơn cả Covid-19 bởi chúng lây trực tiếp và cả gián tiếp. Đường lây truyền phổ biến thông qua côn trùng, ruồi, chuột, vật dụng chăn nuôi, con người, phương tiện vận chuyển, heo mang mầm bệnh… Các hộ nuôi phải có kiến thức về đường lây truyền để hạn chế việc lây bệnh cho vật nuôi.

Ở nước ta, dịch tả heo Châu Phi được ghi nhận xuất hiện ngày 19/2/2019. Dịch bệnh này lây lan nhanh với hơn 6.000 ổ dịch khiến gần 6 triệu con heo, chiếm khoảng 20% tổng đàn đã chết và buộc phải tiêu hủy vào năm đó.

Số ổ dịch giảm còn 1.737 năm 2020, sau đó tăng lên 3.154 trong năm 2021, năm 2022 giảm về mức 1.256. Trong 7 tháng năm 2023, số ổ dịch ở mức thấp chỉ 208, tuy nhiên những tháng cuối năm có xu hướng tăng mạnh. Tính đến 19/11/2023, cả nước có 522 ổ dịch xuất hiện tại 44 tỉnh thành với với số heo chết là 23.836 con.

Vị chuyên gia của Trường Đại học Cần Thơ nhận định và khuyến cáo: “Tương lai dịch tả heo Châu Phi sẽ trở thành dịch bệnh đặc hữu ở địa phương như heo tai xanh hay dịch tả heo cổ điển. Vì vậy, người chăn nuôi cần phải có kiến thức về nó và nhất là các giải phòng chống trở nên quan trọng, cần thiết hơn”.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Lãm, Khoa Thú y, Trường Nông nghiệp - Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: Minh Đảm.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Lãm, Khoa Thú y, Trường Nông nghiệp - Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: Minh Đảm.

Năm 2019, thực tế nhiều hộ dân đã không báo cáo ổ dịch. Theo tìm hiểu của tiến sĩ Lãm, ở những nơi nuôi mật độ cao, các hộ nuôi có xu hướng không báo cáo ổ dịch bởi thương lái sẽ ép giá và những hộ còn lại cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nhiều ổ dịch không được báo cáo sẽ là nguy cơ lây lan và gây khó khăn cho công tác chống dịch.

Về yếu tố dịch tễ tại ĐBSCL, không xem xét năm 2019 năm bùng phát dịch bệnh dữ dội, giai đoạn 2020 - 2023, dịch bệnh xuất hiện rải rác nhưng phổ biến tại các xã giáp ranh giữa các tỉnh. Vì vậy, tiến sĩ Nguyễn Thanh Lãm khuyến cáo, ngành chức năng địa phương trong công tác chống dịch cần được tập trung tuyên truyền vào các hộ nuôi tại các địa phương giáp địa giới hành chính với các tỉnh khác.

Phân tích số liệu thống kê của 10 tỉnh, thành phố ĐBSCL về thời gian dịch bệnh có xu hướng phát triển mạnh, tiến sĩ Lãm cũng nhận thấy người chăn nuôi cần cảnh giác, khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau, thời điểm này hầu hết các tỉnh, thành đều có báo ổ dịch phát sinh.

“Thật ra, dịch tả heo Châu Phi cũng giống như các bệnh khác, thời điểm cận tết, tổng đàn tăng nhiều lên, tất cả các dịch bệnh cúm gia cầm, Newcastle… đều có xu hướng đó. Tập trung quản lý dịch bệnh vào thời điểm thích hợp sẽ tăng hiệu quả phòng chống lên rất nhiều”, tiến sĩ Nguyễn Thanh Lãm khuyến nghị.

1 con virus trong nước cũng đủ liều lượng gây bệnh

Từng đến nhiều nơi tại ĐBSCL để nghiên cứu về các ổ dịch, tiến sĩ Nguyễn Thanh Lãm thường nhận được 2 câu hỏi của các hộ chăn nuôi trong vùng dịch. Đó là những thắc mắc: “Tại sao trong cùng một đàn có nhiều con bệnh, nhiều con khỏe? Tại sao các hộ xung quanh xảy ra nhưng hộ nằm giữa không bị?”.

Theo ông, chính chủ hộ chăn nuôi là người biết rõ nhất đường lây truyền và nguyên nhân gây bệnh vật nuôi. Tuy nhiên, trên cơ sở khoa học, khi bệnh xảy ra cần xem xét ba yếu tố: Vật chủ (heo), tác nhân gây bệnh và môi trường.

Khi bệnh xảy ra cần xem xét ba yếu tố: Vật chủ (heo), tác nhân gây bệnh và môi trường. Ảnh: Minh Đảm.

Khi bệnh xảy ra cần xem xét ba yếu tố: Vật chủ (heo), tác nhân gây bệnh và môi trường. Ảnh: Minh Đảm.

Về yếu tố vật chủ, đối với heo người ta đã một số trường hợp đồng nhiễm với tác nhân gây bệnh khác. Ví dụ, heo sức đề kháng yếu do đã bị một số bệnh khác như tai xanh khi gặp virus dịch tả heo Châu Phi heo yếu sẽ dễ phát bệnh hơn. Điều này tương tự như người mắc bệnh nền sẽ dễ phát bệnh khi Covid-19 xâm nhập.

Người ta đã phát hiện trường hợp đồng nhiễm dịch tả heo Châu Phi và circovirus 2 (một loại virus gây viêm da, còi cọc, suy giảm miễn dịch). Đây là yếu tố quan trọng quyết định heo có phát bệnh hay không phát bệnh.

Virus dịch tả heo Châu Phi có loại độc lực cao và độc lực thấp, thậm chí con độc lực cao trên heo này khi lây sang heo khác trở nên độc lực thấp. Đã từng có một trường hợp xét nghiệm (PCR) cho kết dương tính với virus dịch tả heo Châu Phi trên đàn heo khỏe nên rõ ràng bên ngoài xuất hiện virus độc lực cao, độc lực thấp. Tuy nhiên, rất khó phân biệt giữa chủng virus độc lực cao với độc lực thấp bởi chỉ có một số cơ sở có đủ thiết bị xét nghiệm (chẳng hạn như Navetco).

Về yếu tố môi trường, dịch bệnh có biểu hiện hay không sẽ còn tùy thuộc vào liều gây nhiễm và đường lây nhiễm. Đã từng có thí nghiệm cho thấy, virus xuất hiện với liều lượng rất thấp trong nước uống cũng gây bệnh cho heo nhưng nếu trong thức ăn thì số lượng virus phải nhiều hơn rất nhiều. Do đó, bà con cần thận trọng vấn đề sử dụng nước sạch cho heo. Tiêu độc sát trùng nguồn nước rất quan trọng trong phòng chống dịch tả heo Châu Phi.

Khi phát hiện có dịch bệnh phát sinh xung quanh, người chăn nuôi trước hết cần phải tập trung phòng bệnh, đặc biệt phải nắm rõ các đường lây truyền để phòng ngừa.

Nghiên cứu vacxin có nhiều triển vọng

Như đã đề cập bên trên, dịch tả heo Châu Phi xuất hiện hơn 100 năm nhưng tại sao vẫn chưa có vacxin? Lý giải điều này, tiến sĩ Nguyễn Thanh Lãm cho rằng việc nghiên cứu thành công vacxin phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có điều kiện nghiên cứu, các tiếp cận nghiên cứu của các tác giả... Trên thế giới các nhà khoa học có nhiều cách tiếp cận nghiên cứu khác nhau.

Tuy nhiên, người ta đánh giá vacxin sống nhược độc (tiêm virus sống, không gây bệnh vào heo) mang lại hiệu quả còn các loại vacxin khác không mang lại hiệu quả. Bởi lý do, virus dịch tả heo Châu Phi không tạo kháng thể trung hòa mặc dù người ta tìm đủ mọi cách để tạo kháng thể cho heo tăng lên nhưng kháng thể đó không đủ để bảo hộ cho heo khỏi dịch tả heo Châu Phi, bởi nó không đủ để giết toàn bộ số virus xâm nhập.

Nguyên nhân thứ hai, tiến sĩ Lãm cho rằng, đó là sự phức tạp của virus về mặt cấu trúc và dạng lây nhiễm. Virus thông thường có vỏ, bị thuốc sát khuẩn phá vỡ lớp vỏ nó không gây bệnh được. Tuy nhiên, virus dịch tả heo Châu Phi rất phức tạp vừa có vỏ và vừa không có vỏ, loại không có vỏ vẫn gây bệnh được. Bên cạnh đó, virus có rất nhiều cấu trúc, gen dài, khó nghiên cứu. Gần đây, virus dịch tả heo Châu Phi bùng phát đe dọa ngành chăn nuôi heo của nhiều quốc gia, đặc biệt Trung Quốc nên đã được nhiều chuyên gia nghiên cứu nên việc nghiên cứu thành công vacxin sẽ có triển vọng hơn.

Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về dịch tả heo Châu Phi. Ở Trung Quốc, một nghiên cứu đã phát hiện sự tái tổ hợp của virus dịch tả heo Châu Phi mang kiểu gen I và kiểu gen II (nguy cơ tạo virus mới). Tại Việt Nam phổ biến là kiểu gen II và các nghiên cứu về vacxin tập trung vào con này, trong khi đó nguy cơ tạo ra biến thể mới, khi đó vacxin không còn hiệu quả hay giảm hiệu quả.

Nghiên cứu khác cũng ở Trung Quốc đã tìm ra một gene (I73R) rất quan trọng liên quan đến độc lực của virus dịch tả heo Châu Phi. Kết quả của nghiên cứu này là ứng viên của nghiên cứu vacxin. Ngoài ra, một nghiên cứu khác cũng phát hiện gen của heo liên quan đến sự nhân lên của virus. Đây là cơ hội tạo ra giống heo kháng bệnh dịch tả heo Châu Phi.

Tại Việt Nam, đã có nghiên cứu về giải trình toàn bộ gen của virus dịch tả heo Châu Phi tại ĐBSCL. Với những phân tích nêu trên, tiến sĩ Nguyễn Thanh lãm đề xuất, người chăn nuôi cần nâng cao an toàn sinh học, mà trước hết là trong “kiến thức, thái độ và thực hành” của mình.

“Có những anh, chị không biết dịch tả heo Châu Phi lây truyền như thế nào. Khi đi chợ mua cục thịt heo về không rửa tay đi vô chuồng cho heo ăn luôn. Rồi khi heo phát bệnh lại nói đã kỹ lắm, sập mùng muỗi không vô được nhưng mà đôi khi mình quên cái này. Những cái đó rất quan trọng, mình có thể tư vấn cho người dân biết được”, chuyên gia nêu rõ.

Ngoài ra, tiến sĩ Lãm cũng cho rằng, tăng cường phối hợp nghiên cứu, hợp tác giữa các bên liên quan trong việc phòng chống bệnh dịch tả heo Châu Phi.

Hiện, có 2 loại vacxin dịch tả heo châu Phi là NAVET-ASFVAC của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO và AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất và được cấp Giấy chứng nhận lưu hành. Vacxin AVAC ASF LIVE dùng cho heo thịt từ 4 tuần tuổi trở lên, tiêm 1 liều duy nhất, thời gian bảo hộ ít nhất 5 tháng. Vacxin NAVET-ASFVAC dùng cho heo con 8-10 tuần tuổi. Quy trình tiêm 2 mũi. Tiêm lần đầu 1 liều vacxin/con/tiêm bắp thịt. Tiêm vacxin nhắc lại cùng liều sau mũi một 21-30 ngày.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Ra mắt bộ giống chè mới và giải pháp canh tác chè bền vững

PHÚ THỌ Bộ giống chè mới và các kỹ thuật canh tác chè đã được giới thiệu tại Diễn đàn 'Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao' tổ chức sáng 5/11.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.