| Hotline: 0983.970.780

Nghề biển ngày càng khó khăn

Thứ Sáu 07/06/2024 , 09:30 (GMT+7)

Thiếu lao động trên biển, tình trạng ngư trường cạn kiệt nguồn lợi hải sản, luồng lạch bị bồi lắng… đang đặt ra nhiều khó khăn cho hoạt động nghề cá tại Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh có 137km đường bờ biển với nhiều cửa sông, cửa lạch, đây là lợi thế để phát triển nghề cá. Hiện Hà Tĩnh  có 2.735 tàu cá đăng ký hoạt động khai thác hải sản trên biển, trong đó đội tàu hoạt động tại vùng lộng có chiều dài từ 12 đến dưới 15m có 407 tàu, đội tàu có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động ở vùng khơi (tàu xa bờ) có 93 tàu, số còn lại 2.235 tàu có chiều dài nhỏ hơn 12m hoạt động tại các vùng ven bờ…

Như vậy, có đến 80% tàu cá của ngư dân Hà Tĩnh chỉ có thể hoạt động ở vùng ven bờ. Đây là thực tế đáng trăn trở, bởi muốn tăng sản lượng và hiệu quả khai thác phải vươn khơi, mặt khác giúp duy trì, bảo vệ nguồn lợi hải sản vùng lộng.

Khai thác hải sản là một trong những mũi đột phá phát triển kinh tế tại Hà Tĩnh nhưng đang ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Khai thác hải sản là một trong những mũi đột phá phát triển kinh tế tại Hà Tĩnh nhưng đang ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Nhiều ngư dân bỏ nghề

Cách đây 3 năm, xã Xuân Hội (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) có 56 tàu cá hoạt động, trong đó có 12 tàu xa bờ từ 15m trở lên. Đặc biệt trong chương trình đóng tàu xa bờ công suất lớn theo Nghị định  67 của Chính phủ, xã được hỗ trợ vay tổng nguồn vốn gần 85 tỷ đồng để đóng mới 6 tàu vỏ thép có công suất từ 850 CV đến 1.000 CV. Đây là những tàu được đầu tư nhiều thiết bị, máy móc hỗ trợ khai thác hiện đại. Các tàu cũng được đầu tư thêm nhiều nghề để đa dạng hóa hình thức khai thác, có thể hoạt động ở các vùng biển khơi trong thời gian từ 20 đến 25 ngày. Địa  phương cũng xác định nghề khai thác hải sản là mũi đột phá để phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngư dân cũng như hàng ngàn lao động phục vụ hậu cần nghề cá trên bờ.Tuy nhiên, kết quả mang lại không như mong đợi.

Ông Nguyễn Tiến  Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hội trăn trở: Ngay thời điểm hiện tại, xã Xuân Hội chỉ còn 40 tàu cá hoạt động, đặc biệt số lượng tàu xa bờ cũng giảm từ 12 tàu xuống còn 6 tàu. Chính vì điều này mà sản lượng khai thác của xã đã giảm xuống theo từng năm. Năm 2022, tổng sản lượng khai thác của Xuân Hội gần 3.500 tấn, năm nay xã đã đưa kế hoạch khai thác thấp xuống còn 2.000 tấn.

Thời điểm này đang thuận lợi nhất cho việc khai thác vụ cá Nam năm 2024, song sản lượng khai thác mỗi tháng của xã Xuân Hội chỉ chưa đầy 100 tấn. Những khó khăn của nghề khai thác hải sản đã khiến rất nhiều chủ tàu cá thua lỗ dẫn đến nợ nần không có khả năng thanh toán và buộc phải bỏ nghề.

Khai thác gần bờ làm cạn kiệt nguồn lợi hải sản và hiệu quả kinh tế thấp. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Khai thác gần bờ làm cạn kiệt nguồn lợi hải sản và hiệu quả kinh tế thấp. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

“Xã Xuân Hội có 6 tàu cá xa bờ được đóng theo chính sách của Nghị định 67 đã bị thu hồi, bán đấu giá vì khai thác gặp khó khăn, làm ăn thua lỗ và nhiều lý do khác nên các chủ tàu không hoàn thành nghĩa vụ trả nợ ngân hàng”, ông Nguyễn Tiến Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hội cho biết.

Ngư dân cạn vốn

Ngư trường và nguồn lợi hải sản yếu tố quan trọng để duy trì nghề khai thác hải sản. Chủ trương xuyên suốt của các ngành chức năng đối với phát triển nghề cá là vừa tăng cường năng lực đánh bắt nhưng phải chú trọng đến việc bảo vệ nguồn lợi hải sản. Tuy nhiên, thực tế tại địa bàn Hà Tĩnh thời gian qua việc khai thác tận diệt hải sản ven bờ đang diễn ra một cách khá phổ biến. Thống kê cho thấy có 80% số lượng tàu thuyền của ngư dân cả tỉnh đang tập trung khai thác hải sản vùng biển ven bờ. Trong số đó, vẫn còn rất nhiều tàu cá khai thác bằng nghề giã cào, xung điện, dùng chất nổ hủy hoại môi trường. Đó là chưa nói đến hàng loạt tàu giã cào ngoại tỉnh vào xâm hại vùng biển Hà Tĩnh.

“Hàng năm cứ tháng 3 đến tháng 7 sẽ có một số lượng lớn hải sản bố mẹ vào bờ sinh sản. Thay vì bảo vệ nguồn lợi thì ngư dân làm nghề giã cào lại khai thác tận diệt, khiến ngư trường cạn kiệt. Nếu như cùng thời điểm này của nhiều năm trước, mỗi ngày bà con ngư dân có thể khai thác hàng tấn cá bạc má, cá mú và câu được cả trăm kg mực thì nay sản lượng đạt rất thấp. Một số loại hải sản truyền thống trở nên thưa vắng, thậm chí không còn xuất hiện. Theo thống kê, cuối năm 2023, sản lượng hải sản qua cảng cá Thạch Kim chỉ đạt 65% và tại cảng cá Xuân Hội, bến cá Cửa Nhượng cũng chỉ đạt từ 50 - 60%”, ông Trần Đình Hưng - Chủ tịch UBND xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà) chia sẻ.

Cùng với việc ngư trường cạn kiệt nguồn lợi hải sản, tình trạng thiếu lao động trẻ làm nghề biển đang là thực trạng đáng lo lắng. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Cùng với việc ngư trường cạn kiệt nguồn lợi hải sản, tình trạng thiếu lao động trẻ làm nghề biển đang là thực trạng đáng lo lắng. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Ngư trường ven bờ có chiều hướng cạn kiệt nguồn lợi hải sản, tàu công suất nhỏ lại không thể vươn khơi, trong khi đó, cơ sở hạ tầng nghề cá còn tồn tại nhiều bất cập, nhất là hệ thống các cửa sông, cửa lạch bị bồi lắng nghiêm trọng khiến tàu cá ra vào cửa lạch, cảng cá gặp nhiều khó khăn. Trước những chuyến biển bấp bênh, thuyền viên không có thu nhập, nhiều ngư dân, đặc biệt là những ngư dân trong độ tuối sung sức đã chuyển làm nghề khác.

Tại âu tránh trú bão Cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên), ngay trong thời kỳ cao điểm của vụ khai thác cá Nam năm 2024, thời tiết thuận lợi, thế nhưng có hàng chục tàu thuyền của bà con ngư dân vẫn nằm bờ dài ngày. Tàu thuyền nằm bờ là điều không một chủ tàu nào mong muốn bởi không chỉ mất đi thu nhập mà còn dẫn tới hỏng hóc thân vỏ, chủ tàu thậm chí còn phải đầu tư thêm chi phí trông coi. Thế nhưng nhiều chủ tàu vẫn không còn sự lựa chọn nào khác bởi sau những chuyến ra khơi kém hiệu quả, nhiều chủ tàu đã cạn kiệt vốn liếng nên không thể xoay xở cho những chuyến biển tiếp theo.

Thiếu lao động trẻ

Dù đã gắn bó với nghề khai thác hải sản hàng chục năm nhưng ngư dân Nguyễn Văn Lân (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên) hiện không khỏi buồn bã, lo âu vì đã hơn 1 tháng nay thuyền câu của anh buộc phải nằm bờ.

Nhiều tàu thuyền nằm bờ dài ngày dù đang trong chính vụ khai thác cá Nam. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Nhiều tàu thuyền nằm bờ dài ngày dù đang trong chính vụ khai thác cá Nam. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Anh Lân cho biết: "Thuyền của gia đình tôi muốn vươn khơi phải cần 5 lao động để vận hành, nhưng hiện tại không thể gọi đủ số lượng thuyền viên ra khơi. Nguyên nhân cũng do thu nhập từ nghề khai thác thấp hơn so với nhiều nghề khác nên hầu như ngư dân ở đây đã không còn mặn mà với nghề đi biển. Khi không có lao động để vươn khơi để câu các loại hải sản có giá trị thì đành phải câu ở vùng ven bờ, tuy nhiên đây là giải pháp bất đắc dĩ, bởi câu cá ở vùng lộng chỉ đủ kiếm sống qua ngày.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Cẩm Nhượng cho biết thêm: Không chỉ thuyền câu của anh Lân mà rất nhiều tàu thuyền của ngư dân Cẩm Nhượng phải nằm bờ dài ngày. Nhiều ngư dân là lao động trẻ đã tìm nghề khác, số lượng tàu thuyền cứ tiếp tục giảm, sản lượng hải sản hàng năm cứ tiếp tục thấp thua. Đã có những thời điểm lạch Cửa Nhượng luôn tấp nập tàu thuyền, mỗi ngày mang về hàng chục tấn hải sản thế nhưng giờ đây ngay trong thời điểm chính khai thác vụ cá Nam năm 2024 nhưng bến cá, âu thuyền vẫn vắng vẻ đìu hiu những buổi chợ chiều.

Về lâu dài, cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức của ngư dân đánh bắt hải sản có trách nhiệm. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Về lâu dài, cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức của ngư dân đánh bắt hải sản có trách nhiệm. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Thực trạng thiếu hụt lao động đi biển, nhất là lao động trẻ cũng xảy ra tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh. Hầu như đến bất cứ cửa lạch nào cũng thấy hàng chục tàu thuyền nằm bờ dài ngày mà nguyên nhân chính là không có bạn thuyền ra khơi. Một số tàu thuyền đang hoạt động thì chỉ thấy những ngư dân già cả, không còn trong độ tuổi lao động, điều này càng giải thích vì sao sản lượng khai thác hàng năm của các địa phương bị giảm sút. Đi biển là một nghề rủi ro, nếu thu nhập lại bấp bênh sẽ càng gia tăng tình trạng thiếu hụt lao động nghề biển.

Bên cạnh những giải pháp quản lý nhà nước và hỗ trợ của ngành chức năng trong bảo vệ môi trường biển trước mắt và lâu dài thì rất cần các ngư dân nêu cao ý thức đánh bắt hải sản có trách nhiệm, khai thác nguồn lợi hợp lý để ngư trường mãi là ngôi nhà chung cho hàng vạn ngư dân cùng được hưởng lợi.

Về lâu dài, để bảo vệ môi trường biển, cần có cơ chế chính sách phù hợp để tập trung cải hoán tàu thuyền, đào tạo nguồn lao động, nhất là lao động trẻ, nâng cao trình độ, kỹ thuật khai thác. Ngoài ra, chủ tàu cũng cần cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt trên tàu an toàn, tiện lợi để ngư dân có sức khoẻ, yên tâm gắn bó với nghề cá....

Xem thêm
Ứng dụng AI kiểm soát 90% rủi ro dịch bệnh trên tôm nuôi

TRÀ VINH Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao, nhưng bù lại người nuôi tôm tiết kiệm được chi phí, tăng mật độ nuôi, đặc biệt kiểm soát được 90% rủi ro dịch bệnh.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.