| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ con giống và mở rộng chuồng trại

Thứ Năm 30/11/2023 , 11:27 (GMT+7)

YÊN BÁI Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh đã trở thành động lực hỗ trợ phát triển các mô hình chăn nuôi tập trung quy mô hàng hóa, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao.

Chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 69 HĐND tỉnh Yên Bái đã tháo gỡ khó khăn bước đầu cho hàng nghìn có sở chăn nuôi. Ảnh: Thanh Tiến.

Chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 69 HĐND tỉnh Yên Bái đã tháo gỡ khó khăn bước đầu cho hàng nghìn có sở chăn nuôi. Ảnh: Thanh Tiến.

Ngày 16/12/2020, HĐND tỉnh Yên Bái ban hành Nghị quyết số 69 quy định các nội dung thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, giai đoạn 2021 - 2025.

Sau 3 năm triển khai thực hiện đã góp phần quan trọng làm tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng. Kịp thời giúp các hộ dân giải quyết được khó khăn về vốn đầu tư ban đầu để mua con giống, xây dựng chuồng trại mở rộng quy mô sản xuất.

Năm 2021, gia đình anh Đỗ Văn Đức ở xã Văn Phú, thành phố Yên Bái được hỗ trợ 30 triệu đồng theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh. Trong thời điểm dịch Covid 19 đang diễn biến phức tạp, người chăn nuôi như anh Đức gặp rất nhiều khó khăn, từ nguồn hỗ trợ này, anh đã mua thêm lợn nái để nhân đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi. Bên cạnh đó, anh và các hộ chăn nuôi ở địa phương còn được cán bộ khuyến nông tập huấn, hưỡng dẫn kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt và lợn nái sinh sản theo hướng an toàn sinh học.

Anh Đức chia sẻ: hiện nay khu chuồng trại nuôi lợn được xây dựng xa khu nhà ở, cách xa đường giao thông; chuồng nuôi luôn được vệ sinh sạch sẽ, xung quanh thường xuyên rắc vôi bột và phun thuốc tiêu độc khử trùng định kỳ.

Đối với thức ăn phải đủ dinh dư­ỡng phù hợp với từng giai đoạn nuôi. Đặc biệt, hạn chế tối đa người vào khu vực chăn nuôi và tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin cho đàn lợn. Nhờ đó, đàn lợn của gia đình anh Đức không mắc dịch bệnh, luôn duy trì hơn 100 lợn thịt, 10 lợn nái sinh sản, mang lại nguồn thu nhập ổn định từ 200 - 250 triệu đồng/năm.

Các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học là yếu tố then chốt giúp người dân ứng phó với dịch bệnh. Ảnh: Thanh Tiến.

Các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học là yếu tố then chốt giúp người dân ứng phó với dịch bệnh. Ảnh: Thanh Tiến.

HTX chăn nuôi bò xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình được thành lập năm 2020 với 6 thành viên là các nông hộ chăn nuôi tại địa phương. Lúc mới thành lập HTX còn gặp nhiều khó khăn do các thành viên còn thiếu kinh nghiệm trong chăn nuôi bò bán công nghiệp. Các hộ dân có nguồn vốn ít nên mỗi nhà chỉ nuôi vài con bò theo hình thức chăn thả tự nhiên.

Năm 2021, tỉnh Yên Bái hỗ trợ 180 triệu đồng cho HTX theo chính sách Nghị quyết số 69 HĐND tỉnh, định mức 30 triệu đồng/thành viên. Từ nguồn hỗ trợ này, các thành viên trong HTX đã xây dựng chuồng trại kiên cố, mua thêm con giống để phát triển đàn bò theo hình thức bán chăn thả. Hiện, HTX có đàn bò trên 100 con, các thành viên liên kết chặt chẽ trong chăm sóc, cung ứng thức ăn, phòng trừ dịch bệnh và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Theo anh Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc HTX chăn nuôi bò xã Phú Thịnh, thời gian qua, giá trâu, bò giảm khá thấp, hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi không cao làm ảnh hưởng đến tâm lý người dân. Vì vậy, có nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước đã tiếp thêm động lực để các hộ dân phát triển đàn vật nuôi. Tận dụng lợi thế đất đai, các thành viên HTX đã mở rộng diện tích trồng cỏ voi và chuối làm thức ăn xanh cho đàn bò.

Việc áp dụng nuôi bò bán công nghiệp giúp người nông dân hạn chế dịch bệnh, tiết kiệm lượng thức ăn vì có thể tự tạo ra từ những phế phụ phẩm như ngô, sắn, rơm rạ… Hiện nay, mỗi thành viên trong HTX đều có đàn bò từ 10 con trở lên, một con bò thịt khi xuất bán sẽ mang lại thu nhập khoảng 10 triệu đồng sau khi trừ các chi phí thức ăn, thú y.

Mỗi thành viên trong HTX chăn nuôi bò xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình được tỉnh Yên Bái hỗ trợ 30 triệu đồng để mua con giống và làm chuồng trại. Ảnh: Thanh Tiến.

Mỗi thành viên trong HTX chăn nuôi bò xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình được tỉnh Yên Bái hỗ trợ 30 triệu đồng để mua con giống và làm chuồng trại. Ảnh: Thanh Tiến.

Cơ chế hỗ trợ phù hợp với đa số nông hộ chăn nuôi

Trong 3 năm triển khai Nghị quyết số 69, ngành Nông nghiệp tỉnh Yên Bái đã kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ người chăn nuôi đạt hiệu quả. Hàng năm, chính quyền cơ sở thực hiện rà soát, xác định nhu cầu hỗ trợ của người dân, từ đó hỗ trợ đúng đối tượng, đúng chính sách, kịp thời, hiệu quả.

Trong 2 năm 2021 và 2022, toàn tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ được 4 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm gà đồi thương phẩm với tổng quy mô chăn nuôi trên 210.000 con gia cầm, 3 dự án phát triển chăn nuôi lợn thịt quy mô vừa và lớn theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm với tổng quy mô trên 1.500 con.

Hỗ trợ gần 700 cơ sở chăn nuôi vật nuôi đặc sản bản địa và hơn 1.500 cơ sở chăn nuôi theo hướng hàng hóa, 30 hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi lợn thịt, lợn nái, trâu, bò, dê… Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ gần 60 tỷ đồng.

Một số mô hình chăn nuôi vật nuôi đặc sản đã được tỉnh Yên Bái hỗ trợ kinh phí để tạo động lực mở rộng quy mô sản xuất. Ảnh: Thanh Tiến.

Một số mô hình chăn nuôi vật nuôi đặc sản đã được tỉnh Yên Bái hỗ trợ kinh phí để tạo động lực mở rộng quy mô sản xuất. Ảnh: Thanh Tiến.

Riêng trong năm 2023, tỉnh Yên Bái đã thực hiện hỗ trợ 2 đợt với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng, cho hơn 1.000 cơ sở phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa hoặc đặc sản, hữu cơ đối với các loại gia súc, gia cầm và vật nuôi bản địa. Ngoài ra, chính sách còn hỗ trợ các mô hình chăn nuôi trâu, bò liên kết sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã có quy mô từ 20 con trở lên.

Ông Nguyễn Đức Điển, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái cho biết: việc thực hiện Nghị quyết 69 đã hỗ trợ phát triển chăn nuôi, góp phần tăng đầu đàn, tăng giá trị sản xuất. Cơ chế hỗ trợ đòi hỏi mức đầu tư không quá cao, phù hợp với đa số nông hộ chăn nuôi trên địa bàn.

Từ đó, góp phần thay đổi dần tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, bước đầu hình thành vùng sản xuất chăn nuôi hàng hóa, tạo việc làm thường xuyên cho mỗi mô hình từ 1 - 2 lao động. Ngoài ra, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. 

Xem thêm
Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Cây mì Bình Định được mùa nhưng mất giá

Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi và sử dụng giống sạch bệnh nên cây mì (sắn) ở Bình Định cho năng suất khá, nhưng do biến động thị trường nên giá mì giảm thấp.

Phê duyệt Đề án công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.