| Hotline: 0983.970.780

Hỗ trợ nông hộ ứng phó hạn mặn và dịch Covid-19

Thứ Tư 23/09/2020 , 17:48 (GMT+7)

Dự án sẽ hỗ trợ 80.000 nông hộ ở 5 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và 2 tỉnh miền Đông Nam Bộ ứng phó hạn mặn và ảnh hưởng dịch Covid-19.

Đây là Dự án hợp tác công - tư giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Công ty Bayer Việt Nam và Diễn đàn Tăng trưởng Châu Á (Grow Asia) triển khai tại 5 tỉnh miền Tây (Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Cà Mau) và 2 tỉnh Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu). Dự án kéo dài trong thời gian 1 năm.

ĐBSCL - Khủng hoảng kép

Những năm gần đây, ĐBSCL đã và đang trải qua những đợt hạn mặn ngày càng nghiêm trọng, gây tác động lớn nhất trong lịch sử. Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, 10/13 tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL (74 trên tổng số 137 huyện) bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hạn mặn. Ước tính hơn 332.000ha lúa xuân, 136.000ha cây ăn quả, 100.000ha rau và 158.000 hộ gia đình ở các tỉnh ĐBSCL bị ảnh hưởng.

Tại tỉnh Cà Mau, trong vụ lúa mùa 2019, diện tích bị thiệt hại trên đất lúa tôm là 16.500/176.700ha. Trong đó có 14.000ha mất trắng. Đối với vụ đông xuân 2019-2020, khoảng 2,7% diện tích lúa ở ĐBSCL bị ảnh hưởng (gần 42.000ha), trong đó, mất trắng 26.000ha. Diện tích lúa đông xuân bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn chủ yếu ở những nơi xuống giống muộn sau tháng 12/2019 (do người dân không tự thực hiện theo khuyến cáo).

Dự án hỗ trợ 80.000 hộ nông dân ĐBSCL và Đông Nam Bộ phục hồi sản xuất và thực hành nông nghiệp tốt. Ảnh: Phúc Lập.

Dự án hỗ trợ 80.000 hộ nông dân ĐBSCL và Đông Nam Bộ phục hồi sản xuất và thực hành nông nghiệp tốt. Ảnh: Phúc Lập.

Đến giữa tháng 3, 5 tỉnh miền Tây (Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Cà Mau) đã công bố tình trạng khẩn cấp về hạn mặn. Ngày 10/4, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 504/QĐ-TTg hỗ trợ 530 tỷ đồng kinh phí phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho 8 địa phương vùng ĐBSCL (gồm Bến Tre 70 tỷ đồng, Long An 70 tỷ đồng, Tiền Giang 70 tỷ đồng, Cà Mau 70 tỷ đồng, Kiên Giang 70 tỷ đồng, Sóc Trăng 60 tỷ đồng, Trà Vinh 60 tỷ đồng, Bạc Liêu 60 tỷ đồng).

Trong khi hậu quả từ hạn mặn ngày càng nặng nề, thì năm 2020, lại thêm dịch Covid-19 hoành hành, gây thêm áp lực kinh tế xã hội đối với các hộ gia đình. Theo đánh giá của Tổng cục Phòng chống thiên tai (VNDMA), cuộc khủng hoảng kép về hiện tượng hạn hán, nhiễm mặn và đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống và sinh kế của gần 500.000 người dân sinh sống và làm việc tại khu vực ĐBSCL, đặc biệt là với người có thu nhập thấp, phụ nữ và trẻ em (310.000 người, chiếm 65%).

Phát biểu tại hội thảo triển khai dự án, ông Châu Hữu Trị, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bến Tre trăn trở: “Bến Tre là tỉnh có nhiều loại trái cây đặc sản nổi tiếng như bưởi da xanh, sầu riêng, măng cụt... Và hiện nay, hạn mặn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tỉnh ĐBSCL. Trong đó, Bến Tre là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất. Đặc biệt ở các vùng cây ăn trái đặc sản Chợ Lách, Châu Thành, Cái Mơn…

Được hỗ trợ trong dự án, chúng tôi rất mừng, nên đã đặt ra 3 mục tiêu chính. Đó là hỗ trợ nông hộ tiếp cận các giải pháp sinh học, nhằm tăng trưởng ổn định cho khoảng 12 ngàn hộ trồng lúa. Thứ hai là nâng cao năng lực cho hệ thống khuyến nông viên trong canh tác lúa bền vững thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao, thực hành sản xuất tốt. Và mục tiêu thứ ba là tăng cường năng lực phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm sức khoẻ cho nông dân, đặc biệt là sức khoẻ lao động nữ”.

“Nông nghiệp quy mô nhỏ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực tại Việt Nam. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đang xảy ra song song với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cung cấp lương thực cho chính người nông dân và cho cộng đồng. Chúng tôi hy vọng dự án này, với sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, cùng với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Vụ Hợp tác Quốc tế cũng như tổ chức Grow Asia sẽ không chỉ góp phần mang lại khả năng phục hồi cho các nông hộ sản xuất nhỏ mà còn đảm bảo tính ổn định, bền vững của ngành nông nghiệp Việt nam”, ông Weraphon Charoenpanit, Giám đốc Kinh doanh, nhánh Khoa học Cây trồng, Công ty Bayer Việt Nam.

Cùng hành động quyết liệt

Nhằm ứng phó hiệu quả với tình hình hạn mặn và hỗ trợ nông hộ sản xuất nhỏ trước đại dịch Covid-19, Tập đoàn Bayer dự kiến sẽ triển khai dự án hỗ trợ toàn cầu với tên gọi “Better Farms, Better Lives” (Canh tác thuận lợi hơn, Cuộc sống tốt đẹp hơn). Dự án sẽ hỗ trợ 2 triệu nông hộ sản xuất nhỏ toàn cầu gói giải pháp toàn diện. Dự kiến đến năm 2030, hơn 100 triệu nông hộ ở các nước đang phát triển sẽ được hỗ trợ từ dự án.

Tại Việt Nam, Tập đoàn Bayer phối hợp tổ chức Grow Asia và Bộ NN-PTNT, Ban thư ký Đối tác Phát triển Nông nghiệp bền vững (PSAV), Vụ Hợp tác Quốc tế và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xác định các khu vực mà nông dân bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hạn hán, nhiễm mặn và đại dịch Covid-19 để triển khai.

Dự án sẽ hỗ trợ 80.000 nông hộ nhỏ (trong đó 48% là nông dân nữ) tại khu vực ĐBSCL và Đông Nam bộ gói giải pháp toàn diện, hỗ trợ giải quyết khâu nguyên liệu đầu vào (bao gồm hạt giống, sản phẩm bảo vệ cây trồng), chuyển giao kiến thức - thực hành nông nghiệp tốt (GAP), giúp các nông hộ sản xuất nhỏ có thể duy trì, phục hồi, tái tổ chức hoạt động sản xuất, tăng năng suất, ứng phó hiệu quả với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh Covid-19, đảm bảo các sản phẩm thu hoạch đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn quốc tế.

Cụ thể, chương trình sẽ cấp phát miễn phí 60 tấn hạt giống ngô cho 20.000 nông hộ trồng ngô tại 2 tỉnh Đông Nam Bộ; 60 tấn sản phẩm bảo vệ thực vật giúp bảo vệ năng suất trước tình hình hạn hán, nhiễm mặn cho 60.000 nông hộ trồng lúa tại 5 tỉnh vùng ĐBSCL.

Dự án cũng sẽ giúp nâng cao năng lực cho giảng viên khuyến nông và nông dân trong canh tác lúa và ngô bền vững thông qua hỗ trợ đào tạo, tập huấn, chuyển giao kiến thức - thực hành nông nghiệp tốt (GAP), từ đó giúp tăng hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập và sinh kế của các nông hộ nhỏ tại khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ.

PGS.TS Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: 'Hệ thống khuyến nông sẽ tiếp tục phát huy và làm tốt vai trò của mình, góp phần giúp nền nông nghiệp Việt Nam mạnh mẽ hơn, sản xuất thông minh hơn và ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng tốt hơn'. Ảnh: Cao Minh.

PGS.TS Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: "Hệ thống khuyến nông sẽ tiếp tục phát huy và làm tốt vai trò của mình, góp phần giúp nền nông nghiệp Việt Nam mạnh mẽ hơn, sản xuất thông minh hơn và ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng tốt hơn". Ảnh: Cao Minh.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ đồng hành cùng nhà nông trong quá trình sản xuất từ khi gieo hạt tới lúc thu hoạch thông qua các tư vấn về quản lý cây trồng, dịch hại cũng như các chương trình đào tạo để nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ hiện đại trong canh tác.

Xuyên suốt dự án, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tổ chức đào tạo ToT cho 700 giảng viên khuyến nông và đào tạo ToF cho 24.800 nông dân sản xuất nhỏ thuộc 7 tỉnh tham gia dự án. Bên cạnh đó, dự án giúp tăng cường năng lực phòng chống dịch Covid-19 và kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho nữ nông dân.

"Tôi mong hệ thống khuyến nông các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam Bộ nói chung và hệ thống khuyến nông 7 tỉnh trong dự án nói riêng sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, chính quyền địa phương để triển khai dự án thuận lợi và đạt được hiệu quả cao nhất. Đồng thời hướng dẫn nông dân chủ động triển khai các biện pháp phòng chống hạn mặn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng vật tư nông nghiệp an toàn và có trách nhiệm, góp phần nâng cao sức khỏe của người dân, cộng đồng và bảo vệ môi trường.

Hệ thống khuyến nông Việt Nam với gần 30 năm đồng hành cùng nông dân sẽ tiếp tục phát huy và làm tốt vai trò của mình, góp phần giúp nền nông nghiệp Việt Nam mạnh mẽ hơn, sản xuất thông minh hơn và ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng tốt hơn.

Sắp tới đây, khi dự án hoàn tất, chúng ta sẽ tiếp tục có một buổi hội thảo, nhằm đánh giá kết quả, những gì đã đạt được và những gì còn khiếm khuyết. Sau đó, chúng ta sẽ tiếp tục có những dự án hợp tác công - tư như thế này, có thể với một đối tác khác, để tiếp tục hỗ trợ người nông dân sản xuất tốt hơn, bền vững hơn”, PGS.TS Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

  • Tags:
Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.