| Hotline: 0983.970.780

Cơ hội để đồng bằng sông Cửu Long tái cấu trúc chăn nuôi

Thứ Hai 17/08/2020 , 10:54 (GMT+7)

Đồng bằng sông Cửu Long đang có cơ hội tái cấu trúc ngành chăn nuôi, hướng đến chăn nuôi lớn, an toàn sinh học, sau khi bệnh dịch tả heo châu Phi được khống chế.

Kiên Giang: Tái đàn đảm bảo “3 nguyên tắc”

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, sau đại dịch các cơ sở, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh muốn tái đàn heo phải đảm bảo 3 nguyên tắc, đó là an toàn sinh học, cân bằng cung cầu và an sinh xã hội.

Khan hiếm nguồn cung con giống, giá cao, đang là trở ngại lớn đối với việc tăng đàn, tái đàn heo ở ĐBSCL hiện nay. Ảnh: Hữu Đức.

Khan hiếm nguồn cung con giống, giá cao, đang là trở ngại lớn đối với việc tăng đàn, tái đàn heo ở ĐBSCL hiện nay. Ảnh: Hữu Đức.

Sau gần một năm bùng phát, kể từ ổ bệnh dịch tả heo châu Phi đầu tiên, ngành chăn nuôi heo ở Kiên Giang tổn thất khá nặng nề. Tổng đàn heo giảm mạnh, hiện chỉ còn 52%, tức khoảng 180 ngàn con so với 340 ngàn con trước dịch. Đặc biệt là đàn nái sụt giảm sâu, hiện chỉ còn 34% so với trước dịch, khiến nguồn cung con giống rất hạn chế, gây khó khăn cho công tác tái đàn.

Nhờ nỗ lực dập dịch của ngành chức năng, đến cuối tháng 4/2020, tình hình dịch bệnh tả heo châu Phi đã được kiểm soát, UBND tỉnh quyết định công bố hết bệnh trên địa bàn. Tuy nhiên, trước diễn biến của dịch Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn, đã ảnh hưởng rất rất lớn đến việc tái đàn heo.

Dù giá heo hơi tăng cao, lợi nhuận lớn, nhưng người chăn nuôi vẫn hết sức thận trọng trong việc tái đàn, do lo ngại dịch bệnh tái bùng phát trở lại. Hơn nữa, nguồn cung heo giống khan hiếm, giá cao, lên đến hơn 3 triệu đồng/con, khiến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không thể tiếp cận mua heo giống về nuôi.

 Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, nhằm hỗ trợ công tác tái đàn heo, cũng như tái cấu trúc ngành chăn nuôi, UBND tỉnh đã chỉ đạo hướng dẫn và yêu cầu các địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người chăn nuôi tăng đàn theo theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT.

Đồng thời, tăng cường kiểm soát giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, nhất là việc buôn lậu heo qua biên giới, triển khai nhanh kế hoạch phát triển chăn nuôi heo năm 2020.

Theo ông Thao, song song với việc tái đàn heo thận trọng, giảm nguy cơ tái phát dịch, tỉnh đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi các loại gia súc khác, gia cầm và thủy sản, để tái cấu trúc và phục vụ tăng trưởng chung của ngành, bù đắp sản lượng thịt heo bị thiếu hụt.

Cụ thể là đã phát triển và duy trì đàn gia cầm đạt trên 4 triệu con, chủ yếu là nuôi vịt. Thủy sản đã thả nuôi khoảng 120 ngàn ha tôm nước lợ, nuôi cá lồng bè trên biển…

Sau dịch tả heo châu Phi, các cơ sở, hộ chăn nuôi muốn tái đàn phải đảm bảo 3 nguyên tắc, đó là an toàn sinh học, cân bằng cung cầu và an sinh xã hội. Ảnh: Hữu Đức.

Sau dịch tả heo châu Phi, các cơ sở, hộ chăn nuôi muốn tái đàn phải đảm bảo 3 nguyên tắc, đó là an toàn sinh học, cân bằng cung cầu và an sinh xã hội. Ảnh: Hữu Đức.

Chi cục Chăn nuôi – Thú y Kiên Giang tổ chức hướng dẫn chủ cơ sở chăn nuôi heo áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp tổng hợp, cách ly, vệ sinh, sát trùng, nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi, áp dụng có hiệu quả các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản.

Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Văn Long đánh giá cao công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi của tỉnh Kiên Giang, từ tháng 4/2020 đến nay không để xảy ra tái phát dịch. Hiện nay, các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học đang rất thành công, nhất là nuôi gia trại, trang trại tập trung quy mô lớn. Vì vậy, cần có giải pháp để các hộ chăn nuôi an toàn toàn sinh học hiệu quả hơn nữa.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Kiên Giang đã tổ chức tiêm phòng bệnh lở mồm long móng cho trâu, bò được trên 9 ngàn liều, lở mồm long móng và tai xanh cho heo hơn 66 ngàn liều, tiêm ngừa bệnh dại cho chó hơn 19 ngàn liều, cúm gia cầm hơn 2,2 triệu liều.

Đồng thời thực hiện giám sát sau tiêm phòng đối với bệnh tai xanh, kết quả có 100% mẫu huyết thanh có kháng thể bảo hộ, lở mồm long móng trên trâu bò kết quả có 96% mẫu có thể bảo hộ.

Đã xây dựng kế hoạch giám sát sau tiêm phòng đối với bệnh cúm gia cầm tại 6 huyện, thực hiện vào tháng 11/2020. Nhìn chung, trong 7 tháng đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản, xảy ra tương đối ít, không lây lan trên diện rộng.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho rằng, việc tái đàn heo hiện nay, không chỉ tỉnh Kiên Giang mà cả nước đều gặp khó khăn về nguồn con giống.

Hiện trại heo giống của tỉnh bị thiệt hại chưa thể phục hồi, trong khi đây lại là nguồn cung cấp con giống quan trọng cho chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì vậy, cần sớm khôi phục lại trại heo giống này. 

Trong khó khăn, người chăn nuôi đã chuyển hướng sang nuôi gia cầm. Cụ thể, tỉnh có đàn gia cầm tương đối lớn, trên 4 triệu con, chủ yếu là vịt, là nguồn cung cấp thực phẩm bổ sung khá tốt, giảm áp lực lên thịt heo. Tuy nhiên, tỉnh cần tăng cường tiêm phòng, đảm bảo an toàn cho đàn vịt, quản lý chặt chẽ vịt chạy đồng, nhất là trong mùa thu hoạch lúa, không để lây lan dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, từ khi bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra, đàn heo của tỉnh Kiên Giang đã sụt giảm rất lớn. Vì vậy, tỉnh cần có chính sách tái đàn, đẩy nhanh hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh, đồng thời cho vay vốn để người chăn nuôi tái đàn.

Dịch bệnh xảy ra cũng tạo cơ hội tốt để tái cấu trúc ngành chăn nuôi, giảm các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Nhưng muốn chăn nuôi lớn thì phải có chính sách về đất đai, phát triển chăn nuôi gia trại, trang trại, có vốn để đầu tư đầu tư chăn nuôi lâu dài.

Sóc Trăng: Hỗ trợ vốn cho người chăn nuôi

Ông Lâm Minh Hoàng, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi-Thú y Sóc Trăng, cho hay: Hiện nay nhiều hộ chăn nuôi qui mô nhỏ rất muốn tái đàn, không muốn chuồng heo để không. Tuy nhiên trước nhu cầu heo giống tăng, phần nhiều hộ chăn nuôi muốn nuôi heo nái, vì tỷ suất lợi nhuận cao hơn.

Hiện nay, với tình hình tái đàn heo nái trên địa bàn tỉnh, dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ có tổng đàn nái 32 -37 ngàn con, đủ điều kiện ổn định nguồn cung heo giống cho các hộ chăn nuôi trong tỉnh tái đàn. 

Ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng tập trung hỗ trợ người chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn, nhất là phát triển đàn nái Ảnh: Hữu Đức.

Ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng tập trung hỗ trợ người chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn, nhất là phát triển đàn nái Ảnh: Hữu Đức.

Trong đợt kiểm tra tình hình tái đàn heo vừa qua tại huyện Mỹ Xuyên, Chi cục Chăn nuôi - Thú y ghi nhận có nhiều hộ tái đàn, với đàn nái trên 10-12 con/hộ. Ý thức phòng chống dịch bệnh nâng cao nhờ tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật, thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Trong thời gian nuôi heo, chủ hộ không cho người lạ ra vào khu vực chuồng nuôi. 

Theo ông Hoàng, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn phát triển ổn định, tổng đàn heo đạt 100 ngàn con. Trong đó, 6 tháng đầu năm 2020 số lượng heo tái đàn trên 58.300 con, riêng nông hộ là 49.500 con và trang trại trên 8.800 con. 

Tuy nhiên, việc tăng đàn, tái đàn heo ở Sóc Trăng hiện còn gặp nhiều khó khăn do giá con giống, thức ăn cao, nguồn cung heo giống hạn chế. Sau đợt dịch tả heo châu Phi vừa qua làm hàng trăm hộ lỗ vốn, thiệt hại nặng nề, không ít hộ thiếu tiền đầu tư làm chuồng trại nên chưa đảm bảo điều kiện tái đàn. 

Nhằm giúp bà con phục hồi nghề nuôi heo, vừa qua Chi cục Chăn nuôi - Thú y phối hợp với Ngân hàng Chính sách và Phòng NN-PTNT các địa phương giới thiệu với người chăn nuôi các chính sách vay vốn với lãi suất hợp lý, có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay để tái đàn trong chăn nuôi.

Mới đây, Sở NN-PTNT phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình giống năm 2020 cho Trung tâm Giống Nông nghiệp Sóc Trăng. Theo đó, trên 300 triệu đồng hỗ trợ heo nái giống có chất lượng cho người chăn nuôi. 

Để tái cấu trúc ngành chăn nuôi, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, hướng đến chăn nuôi theo qui mô trang trại. Ảnh: Hữu Đức.

Để tái cấu trúc ngành chăn nuôi, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, hướng đến chăn nuôi theo qui mô trang trại. Ảnh: Hữu Đức.

Mặt khác, để tái cấu trúc ngành chăn nuôi gia súc tỉnh Sóc Trăng, tiến tới xây dựng chuỗi giá trị sản xuất chăn nuôi theo qui mô trang trại, hiện tại tỉnh có 19 trang trại chăn nuôi heo, trong đó 13 trang trại có quy mô từ 300 đơn vị vật nuôi và 6 trang trại quy mô vừa.

Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Sóc Trăng có kế hoạch tuyên truyền, tập huấn phổ biến pháp luật về chăn nuôi. Đến nay đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho 430 người dự dành cho các đối tượng là cán bộ công chức, viên chức, nhân viên thú y xã, phường, thị trấn, Phòng NN-PTNT/Phòng Kinh tế các hiện, thị xã, thành phố và các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. 

Năm 2019, bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra tại Sóc Trăng, làm ảnh hưởng đến trên 3.600 hộ, thuộc 555 ấp/105 xã, của 11 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số heo tiêu hủy là 65.440 con, tổng trọng lượng tiêu hủy trên 4.372 tấn heo hơi. Kinh phí hỗ trợ 123,22 tỷ đồng.

Đến tháng 2/2020, tỉnh Sóc Trăng công bố hết bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn và từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh chưa ghi nhận xuất hiện các bệnh tai xanh, cúm gia cầm, lở mồm long móng….

  • Tags:
Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.