Ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: Để địa phương phát triển toàn diện trước mắt phải tập trung đầu tư cơ sở hạ hầng. Hiện nay, các trục đường giao thông trên địa bàn huyện Hòa Bình đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Nhờ đầu tư các tuyến đường từ huyện đến xã, ấp đã đảm bảo giao thông đi lại thuận tiện hơn. Các tuyến đường giao thông nông thôn xe tải vào đến tận ao nuôi tôm để thu mua nhờ đó tôm không bị ép giá.
Ngoài hệ thống giao thông đường bộ thì các tuyến kênh, rạch trên địa bàn huyện cũng được nạo vét định kỳ. Đến nay, hệ thống công trình thuỷ lợi đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất, dân sinh và phòng chống thiên tai. Hệ thống thuỷ lợi của các xã, thị trấn được thiết kế và xây dựng phù hợp với quy hoạch đảm bảo tưới tiêu trên 30.000 ha đất sản xuất hàng năm.
Ông Cổ Tân Xuyên, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hòa Bình, cho biết: Những năm trở lại đây huyện ưu tiên tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng NTM. Để đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ huyện đã tập trung phát triển các hợp tác xã nông nghiệp. Đồng thời, chủ động mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Hiện nay, huyện Hòa Bình có 7/7 xã được công nhận xã nông thôn mới.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành được những vùng sản xuất tập trung theo chuỗi liên kết giá trị. Đã xây dựng được 6 cánh đồng lớn sản lượng lúa được bao tiêu trên 50%. Chuyển đổi cơ cấu giống lúa chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, có một số giống lúa chất lượng cao phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác của nông dân như Nàng Hoa 9, Đài Thơm 8.
Ngoài thế mạnh cây lúa, huyện Hòa Bình có lợi thế nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Điểm mạnh là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Trên địa bàn huyện Hòa Bình đang phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Đến nay, có 133 hộ dân và 4 công ty nuôi với diện tích 854 ha. Tôm nuôi theo mô hình công nghệ cao đạt từ 80 - 100 tấn/ha mặt nước nuôi/năm.