| Hotline: 0983.970.780

Hoàng hôn ở Ngàn Trươi

Thứ Sáu 16/06/2023 , 10:31 (GMT+7)

Đã hoàng hôn đời người, từng trải nghiệm hoàng hôn ở nhiều không gian khác nhau, nhưng tôi đặc biệt ấn tượng với hoàng hôn trên hồ Ngàn Trươi (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh).

Hoàng hôn Ngàn Trươi. Ảnh: Nhật Linh.

Hoàng hôn Ngàn Trươi. Ảnh: Nhật Linh.

Lần thứ nhất tôi hẹn với nhiếp ảnh gia Trần Hướng đi Vũ Quang, ở lại đêm để có cơ hội thưởng ngoạn hoàng hôn trên hồ. Nhưng “nắng mưa là chuyện của trời”. Buổi sáng nắng đẹp. Chiều đến, bất ngờ, lốc xoáy. Ùn ùn mây đen. Xối xả mưa. Mưa như mác phang, dao chém. Nháo nhác, tán loạn chim bay. Chúng tôi "bó tay chấm com".

Lần thứ 2, nhóm bạn hẹn nhau. Trời yên. Hồ lặng. Nhưng phải gió, một bạn nôn thốc nôn tháo. Cứu người hơn cứu hỏa. Ôm bạn chạy cấp cứu bệnh viện. Và lần này.

“Quá tam ba bận”. Tôi với Nhật Linh lại ngược Ngàn Trươi. Lỉnh kỉnh máy móc. Bao ý tưởng nhưng chẳng dám nói ra vì sợ “nói trước bước không qua”. Chúng tôi có mặt từ 9 giờ và được Vườn Quốc gia Vũ Quang “ưu tiên” cho ca nô cao tốc phục vụ.

Vòng vèo lòng hồ Ngàn Trươi, loanh quanh qua 36 ốc đảo lớn nhỏ, cuối chiều chúng tôi dừng lại ở đảo Voi. Thú thực khi nghe anh Việt Hùng nói về đảo Voi, chúng tôi trố mắt ngạc nhiên.

“Sao? Đảo voi ở Ngàn Trươi?”. “Chứ sao!" Đảo này rộng 365 ha. Đây là đảo lớn nhất trong quần đảo ở hồ Ngàn Trươi. Vừa qua (tháng 8/2022), camera giám sát đã ghi lại rất rõ 2 cá thể voi sinh sống trên đảo này, nên chúng tôi đặt tên đảo là đảo Voi”, anh Hùng kể.

Thế là chúng tôi buông neo ca nô cạnh đảo Voi theo dõi nhà nhiếp ảnh “rình” “săn” hoàng hôn trên hồ Ngàn Trươi. Nghệ thuật không “ăn” non, không chỉ “chộp” bề ngoài những gì thấy, nghe mà “chớp” được linh hồn của thiên nhiên tạo vật, con người, để mang đến những điều mới lạ, những góc nhìn mà người khác không thấy, những bí ẩn của tạo hóa.

VMột góc Vườn Quốc gia Vũ Quang nhìn từ trên cao. Ảnh: Tư liệu.

VMột góc Vườn Quốc gia Vũ Quang nhìn từ trên cao. Ảnh: Tư liệu.

Đó là khoảnh khắc của thiên thần. Cơ hội ấy, ngàn năm có một. Tất cả ánh mắt đổ dồn về hướng tây. Mặt trời đang dần dần buông xuống. Những tia nắng xiên ngang dát vàng mơ lên rừng núi cỏ cây. Mặt hồ lăn tăn sóng, lốm đốm vàng non. Trên bầu trời những cánh chim đã loi thoi bay về bìa rừng. Chấp chới cánh cò. Quạ khoang sà xuống. Khướu, sáo sậu, chào mào vừa bay vừa inh ỏi.

Chim rừng ở đây lì lợm, không mấy sợ người. Đặc biệt côn trùng, ngửi thấy mùi người lạ là bay đến, bu đầy, bám chặt. Anh bạn vội vàng mở va li lắp cánh máy flycam, sử dụng hệ điều khiển cho máy quay đến chỗ đàn chim đang chấp chới.

Cánh quạt kim loại vù vù, bay lên không trung, nhào xuống, lượn một vòng quanh rừng rồi bay là là trên vòm cây cổ thụ. Flycam; động vật lạ hỗn xược ngang nhiên xâm phạm lãnh thổ, lâm nguy đến những đứa con còn đỏ hỏn chưa kịp ra ràng.Chim bố, chim mẹ, xòe cánh, há mỏ, giương vuốt quyết chiến...

Giữa chiều tà trên hồ Ngàn Trươi tôi đã chứng kiến cuộc chiến giữa máy móc hiện đại với hoang dã. Đây là cuộc chiến một mất, một còn. Những chú chim há mỏ lao vào flycam, quyết tử. Không biết dơi ở đâu, hàng đàn bay về tiếp viện cho chim đen đặc cả một vùng, đập cánh vào vòm cây làm vỡ tổ ong, khiến ong hoảng loạn bay lên bủa vây quái vật.

Trong tình thế ấy, anh bạn bấm nốt, điều khiển flycam bay dựng đứng lên trời cao rồi thu máy móc về. Bầy chim và động vật hoang dại bay lượn một vòng rồi trở về tổ. Công nghệ có hiện đại bao nhiêu, trí tuệ con người cũng như trí tuệ nhân tạo có tinh xảo bao nhiêu cũng dè chừng trước sức mạnh bí ẩn thiên nhiên.

Khi thiên nhiên, khi Thổ thần Thổ địa, Hà Bá nổi giận, thì sự ngạo mạn của công nghệ phải trả giá! Đúng thời khắc này, bầu trời phía tây khoác đám mây ngũ sắc vàng nhạt, phơn phớt tím, lam hồng biến đổi hư ảo.

Anh bạn lái ca nô kêu lên “Trông kìa! Mặt trời đỏ ối như hòn lửa” đang từ từ khuất sau núi. Có lẽ Việt Hùng đang thả trí tưởng tượng của mình về người thợ Cao Thắng nào vừa nhúng vào nước Ngàn Trươi quả cầu lửa nung đỏ lừ được lôi từ lò rèn ra.

Còn tôi mê đắm những đường cong núi non mỹ miều và lẩm nhẩm câu thơ lóe lên bất chợt: “Phổng phao núi như ngực sơn nữ/ Mặt trời hoàng hôn son đỏ ngực trần em”.

Những sóng vàng lăn tăn trên mặt hồ lấp lánh. Vũ điệu nhịp nhàng của nước. Anh bạn tì máy ảnh vào lan can ca nô bấm liên thanh. Không biết ống kính có ghi lại được những khoảnh khắc biến ảo khôn lường của thiên nhiên hoang dã!?

Khi mặt trời khuất núi, còn hắt lên vài tia vàng vọt yếu ớt, rồi lịm dần. Xa xa, núi non thẫm lại. Mặt hồ đen pha mực, bí ẩn. Đàn gà nước bơi vội vào vạt cỏ bên bờ.Tiếng bìm bịp ở xa vọng đến, nhỏ dần. Cơn gió chao một nhát xuống lòng hồ, thở ra lửa rồi bốc hơi nước lên mát lạnh. Sóng vỗ ì oạp ven hồ. Một vài lá thuyền của ngư dân đi thả vằng câu len lỏi giữa vạt cây khô khua chèo. Lẳng lặng nghe tiếng đớp mồi của cá. Và nghe rào rào từ mặt nước đàn cá ăn nổi theo gió đớp bọt, tranh mồi.

Góc trái, quầng sáng trên mặt nước. Côn trùng trong đêm bị ánh sáng dẫn dụ từng đàn, từng đàn bay về đập vào bóng đèn rơi đầy mặt nước. Lũ cá chạp, cá mương quen ăn, bén mùi kéo đến mà không nghĩ đến vó rút giăng bẫy, sinh mạng chúng nằm gọn trong mẻ vó.

Khi bóng đêm bao trùm, đại ngàn Vũ Quang cũng như hồ Ngàn Trươi càng bí ẩn hơn. Đêm đến là lúc những hoa dại trên rừng tỏa hương. Tôi nhận ra hương hoa dẻ; hương hoa học trò thơm đằm thắm về đêm. Và đặc biệt là hoa chạc chìu. Những chùm hoa chạc chìu li ti chấm trắng mà nồng nàn thơm, dai dẳng thơm suốt cả tháng ba.

Không chỉ vậy, thỉnh thoảng, cơn gió mang đến mùi ẩm mốc của lá rừng, mùi hôi khét của bầy bọ xít bay qua…Những người dân Vũ Quang trong đêm mưu sinh trên lòng hồ Ngàn Trươi, không biết họ có nghĩ rằng dưới lòng hồ kia là bao lớp trầm tích văn hóa, lịch sử.

Cũng vào những hoàng hôn như thế này năm xưa, những đội quân tải lương, chở vũ khí, vượt thác, băng ghềnh âm thầm lên thành phòng bền bỉ cuộc kháng chiến trường kỳ…Cách đây 30 năm, khi chưa có Dự án xây dựng hồ thủy lợi - thủy điện Ngàn Trươi, tôi đã cùng bạn bè từ Hương Sơn lên thuyền, vịn vào câu ca, vịn vào bài vè ngược thác mà lên Kim Quang, Hương Quang.

Đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp những dấu tích của nghĩa quân Phan Đình Phùng. Những lò rèn, những gót sắt vó ngựa, những binh đao lưỡi kiếm, những tiếng hò, câu hát; những nước mắt, nụ cười. Soi trong nước còn có máu. Máu của những nghĩa quân ngã xuống vì Tổ quốc.

Chuyến đi ấy là chuyến đi cuối cùng để rồi năm sau, Ngàn Trươi- Cẩm Trang bắt đầu dự án ngăn sông, xây hồ, một trong ba hồ nước có trữ lượng nước lớn nhất nước.

Ngồi trên ca nô về bến, tâm trạng tôi xao động như mặt hồ. Tôi đang nghĩ về nhóm bạn vừa quen sáng nay, cùng trên chuyến ca nô. Cập bến Hương Quang, tôi quay trở lại, còn 5 bạn vừa kịp biết tên; nào những Hoàng, Sơn, Quyết, Dương, Minh trong tổ đặt bẫy ảnh “săn ảnh” thú rừng quý hiếm, giờ này đang ở đâu trong đại ngàn hoang dại!?

Tháng 8 năm 2022, dự án bẫy ảnh được thực hiện.Với 94 điểm đặt với 188 máy ảnh, các bạn đã trèo khe, băng thác gần một năm nay, bất chấp hiểm nguy, đối mặt với sốt rét, với tại nạn, với thú dữ, với muỗi, vắt tấn công … để có thể lắp đặt và thu được những bức ảnh quý hiếm vô cùng, trong đó có những động vật quý hiếm nguy cơ tuyệt chủng được ghi trong sách đỏ.

Tôi đang nghĩ khoảnh khắc này, trong âm u rừng già, Hoàng, Dương mắc võng dưới tán cây. Có phải Sơn đến từ Nam Định leo lên chạng ba cây dẻ, dựa lưng vào cây, kẹp chân vào cành, mà ngủ ngồi không?

Tôi cầu mong cho các bạn có đêm giữa đại ngàn an lành. Thú dữ đừng bén mảng đến. Bất chợt, tôi sờ vào túi áo. Ôi, lọ dầu gió tôi mang theo. Sao tôi không gửi cho các bạn đi đường. Để phòng thân vắt cắn, muỗi đốt. Tôi vô tâm quá. “Vất vả mấy em cũng không ngại, nếu bẫy ảnh ghi được hình ảnh của Công nương Sao La”.

Kiểm lâm viên gắn bẫy ảnh trong rừng Vũ Quang. Đây là máy ảnh cảm biến nhiệt, khi các loài động vật máu nóng đi qua, máy sẽ tự động chụp lại. Ảnh: Vườn Quốc gia Vũ Quang.

Kiểm lâm viên gắn bẫy ảnh trong rừng Vũ Quang. Đây là máy ảnh cảm biến nhiệt, khi các loài động vật máu nóng đi qua, máy sẽ tự động chụp lại. Ảnh: Vườn Quốc gia Vũ Quang.

Tôi nhớ như in nụ cười và giọng nói ấm áp của Sơn khi chia tay ngược ngàn. Sáng nay, gặp Giám đốc Nguyễn Danh Kỳ, tôi hỏi thăm bạn Lê Công Sáng, cách đây 9 năm đã đồng hành với tôi đến thành Vũ Quang.

Sáng là Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Sao La. Quê Sáng ở Can Lộc. Một vợ 3 con, lại còn mẹ già, ốm đau kinh niên. Trưởng của một đơn vị, sống chết với rừng thiêng, nước độc, vậy mà, 12 năm sinh tử với nghề, lương mỗi tháng chỉ 4, 5 triệu đồng chưa đủ ấm thân nói chi nuôi vợ nông, con dại...

Yêu nghề, nhưng cơm áo không đùa với kiểm lâm, Sáng gạt nước mắt, chia tay cơ quan, bỏ nghề. Khi tôi viết những dòng này thì Sáng đang bán sức lao động xứ người. “Mà không chỉ một Sáng. Nhiều cán bộ, công nhân, viên chức đã chia tay với nghề. Thật là buồn!”.

Tôi muốn kể về thân phận của họ, nhưng hẹn bạn đọc trong một bài viết khác. Còn bây giờ, trở lại hoàng hôn Ngàn Trươi với mặt trời trái tim than lửa. Than lửa ấy sẽ cháy mãi trong tôi, trong bạn về hồn thiêng sông núi, về Ngàn Trươi, về Vườn Quốc gia Vũ Quang- Vườn Di sản ASEAN, về hôm nay và ngày mai…

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).