| Hotline: 0983.970.780

Học sinh vào lớp 1 phải 'cõng' nhiều khoản thu vô lý

Thứ Hai 29/08/2022 , 08:37 (GMT+7)

Tại Trường Tiểu học Kỳ Trinh (Hà Tĩnh) học sinh lớp 1, lớp 2 muốn đến trường phải tự bỏ tiền mua bàn, ghế, bảng…dù theo quy định đó là trách nhiệm của địa phương.

“Nhập gia tuỳ tục”

Trước thềm khai giảng năm học mới, một số phụ huynh bức xúc phản ánh với PV về việc trường Tiểu học Kỳ Trinh, ở phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tổ chức huy động nguồn đóng góp mua sắm cơ sở vật chất phục vụ việc dạy học trái quy định, không theo tinh thần tự nguyện.

Empty

Phụ huynh bức xúc cho rằng, trường Tiểu học Kỳ Trinh huy động đóng góp mua sắm cơ sở vật chất theo kiểu cào bằng là trái quy định. Ảnh: Thanh Nga.

Cụ thể, trung tuần tháng 8/2022, trường Tiểu học Kỳ Trinh tổ chức họp phụ huynh khối lớp 1 để phổ biến những quy định, kế hoạch đón các em bước vào năm học mới. Thời điểm này, giáo viên chủ nhiệm của ba lớp 1 thông báo tới phụ huynh việc con em họ phải đóng các khoản như: Bàn, ghế, bảng để có đủ cơ sở vật chất đáp ứng dạy và học. Riêng với lớp 1C, tổng số tiền mỗi em phải đóng 973 ngàn đồng, bao gồm: 550 ngàn đồng tiền bàn ghế, 173 ngàn đồng tiền bảng, 250 ngàn đồng tiền quỹ lớp và rèm cửa. Tương tự hai lớp 1 khác mỗi em cũng đóng khoảng 1 triệu đồng/em.

“Các lớp chủ động đóng nộp để các em sang tuần có bàn ghế học. Còn quan điểm, chỉ đạo của nhà trường ta “nhập gia tuỳ tục”, tránh tình trạng so sánh trường này với trường khác….Phụ huynh nào không đồng ý nộp, sang tuần không có bàn ghế cho con em mình ngồi học thì cá nhân phụ huynh, học sinh phải tự chịu trách nhiệm”, đó là một nội dung ngắn của giáo viên chủ nhiệm phổ biến trong một nhóm lớp 1.

Việc bắt các em học sinh phải “cõng” những khoản thu vô lý, trái với quy định đầu năm học khiến nhiều phụ huynh phản đối, không đồng tình.

Anh C.V.D nói: “Thiếu cơ sở vật chất đầu năm học thì có thể vận động thêm từ học sinh, nhưng phải theo tự nguyện, ai có bao nhiêu hỗ trợ bấy nhiêu. Nhưng trường lại thu cào bằng, không loại trừ hộ nghèo, gia đình khó khăn. Với nông dân hay hộ nghèo, gia đình có 2, 3 con đang đi học thì họ lấy tiền đâu để đóng”.

Một phụ huynh khác có con học lớp 2 phàn nàn: “Năm ngoái cũng đóng tiền mua bàn ghế, năm nay lớp con tôi phải đóng 400 ngàn đồng/em. Đáng lẽ, con em học trường công, những cơ sở vật chất thiết yếu này phải có trước, không thể áp đặt gánh nặng này lên các học sinh được. Tôi không đồng ý nhưng vẫn phải nộp vì sợ con không có bàn ghế để học”.

Empty

Phòng học mới được xây dựng nhưng thiếu cơ sở vật chất thiếu yếu, cơ bản. Ảnh: Thanh Nga.

Qua trao đổi với các phụ huynh, đa phần họ không đồng tình việc đóng góp khoản mua bàn ghế, nhưng vẫn phải nộp vì sát năm học mới, lo sợ con em không đủ cơ sở vật chất để đáp ứng việc học.

Phụ huynh C.V.D cho biết thêm, anh đã làm việc với lãnh đạo trường để trao đổi về việc đóng góp tiền mua bàn ghế. Tuy nhiên, tại cuộc làm việc này bà Nguyễn Thị Thuỷ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Trinh cương quyết cho rằng: “Việc học sinh đóng góp tiền mua bàn ghế, bảng không phải là tài sản của nhà trường. Đây là thoả thuận giữa phụ huynh mua bàn cho con học. Phụ huynh thoả thuận thì cho con vào học, nếu phụ huynh không thoả thuận thì buộc lớp đó phải dừng lại, không học. Người nào không đồng tình thì tự chọn cho con mình môi trường khác để học tập hay chuyển đi đâu thì tuỳ”.

Tự nguyện kiểu ép buộc?

Mặc dù trong các lần trao đổi, phổ biến, cả Hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm nhóm lớp 1 đều đưa ra những ý kiến, lời lẽ mang tính ép buộc, tổ chức thu tiền cào bằng, song khi làm việc với PV ông Phạm Trung Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Trinh lại khẳng định, nhà trường vận động đóng góp trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc.

Năm học 2022-2023, tại Trường Tiểu học Kỳ Trinh có ba lớp 1 với hơn 100 em học sinh. Ban giám hiệu nhà trường đã giao cho các giáo viên chủ nhiệm phổ biến đến phụ huynh, huy động mua 45 bộ bàn ghế, 3 bảng để học sinh lớp 1 vào học; đối với lớp 2 mua 26 bộ bàn ghế.

Theo ông Hiếu, kế hoạch năm 2022 - 2023 trường vận động đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trong lớp học và ngoài lớp học. Hiện tại mới triển khai vận động mua sắm cơ sở vật chất như bàn ghế, bảng trong lớp học đối với nhóm lớp 1, lớp 2.

“Đầu năm huy động phụ huynh lớp 1, lớp 2 mua bàn ghế, bảng, nếu không có hai hạng mục này thì không thể giảng dạy được vì đây là tài sản thiết yếu. Tài sản này đi theo các cháu đến lớp 5, lúc đó phụ huynh có thể tặng lại cho nhà trường hoặc phụ huynh có thể mang về sử dụng”, ông Hiếu nói, đồng thời cho rằng số tiền huy động như trên là không cao.

Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Trinh cũng thừa nhận, những năm học gần đây, hầu như lớp 1 năm nào cũng phải mua bảng, mua bàn ghế. Còn đối với lớp 2, do năm nay thiếu bàn nên phải đóng thêm để mua bổ sung.

Khi được hỏi nếu phụ huynh không đồng ý đóng tiền mua bàn ghế, mua bảng thì học sinh lấy đồ dùng đâu để học?, ông Hiếu cho hay, tiền lệ chưa bao giờ xảy ra trường hợp như thế. Đầu năm học đều phải đóng để đáp ứng cho học sinh dạy và học.

Empty

Việc mua sắm bàn ghế năm nào cũng "bổ đầu" học sinh. Ảnh: Thanh Nga.

“Nếu một, hai em không đồng ý thì nhà trường sẽ có cách để các em có bàn ghế học, nhưng nhiều em không đồng ý thì sẽ khác. Việc thu này đã được địa phương đồng ý trường mới vận động thu. Ngoài khoản đóng góp bàn ghế, bảng thì dự kiến sẽ vận động toàn trường mỗi em 300-350 ngàn đồng/em”, ông Hiếu nói.

Về các kế hoạch, thủ tục giấy tờ trình cơ quan các cấp về các khoản thu đầu năm học, ông Hiếu cho biết đã làm đầy đủ, tuy nhiên không cung cấp được vì hiệu trưởng giữ!.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.