| Hotline: 0983.970.780

Hơn 300ha bưởi rụng quả la liệt sau bão

Thứ Tư 25/09/2024 , 10:23 (GMT+7)

Sau khi nước lũ rút, những vườn bưởi của người dân ở xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn thi nhau rụng quả đầy gốc cây, nhiều hộ gia đình mất cả trăm triệu đồng.

Bưởi rụng ngập mương thoát nước tại thôn Soi Hà, xã Xuân Vân. Ảnh: Đào Thanh.

Bưởi rụng ngập mương thoát nước tại thôn Soi Hà, xã Xuân Vân. Ảnh: Đào Thanh.

Bưởi Xuân Vân là giống cây ăn quả bản địa có thương hiệu nổi tiếng của tỉnh Tuyên Quang. Đặc biệt cuối tháng 5/2024, Công ty Cổ phần R.Y.B đã có buổi làm việc tại UBND xã Xuân Vân và đặt hàng từ 10.000 đến 15.000 quả. Tiêu chuẩn, chất lượng do công ty đưa ra và thông qua ký hợp đồng với Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Xuân Vân để xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Thế nhưng trận lũ lịch sử vừa rồi đã nhấn chìm vườn bưởi của người dân nơi đây. Sau nước rút, bưởi rụng như trút, nằm la liệt trên bùn lầy, thối đầy dưới gốc cây khiến người nông dân xót xa. 

Gia đình anh Trần Văn Thành, thôn Soi Hà, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn trồng 4 mẫu bưởi, thì có 3 mẫu bị nước lũ nhấn chìm. Sau khi nước rút, một số gốc bưởi do ngâm lâu ngày dưới bùn nước, rễ thối và chết. Một số gốc còn sống thì quả liên tiếp rụng. Chỉ trong vòng 1 tuần, nhiều gốc bưởi cả nghìn quả giờ chỉ còn vài quả và cành lá xác xơ.

Anh Thành cho biết, những vụ trước vườn bưởi Soi Hà, bưởi đường lá nhăn, bưởi diễn của gia đình anh thu về khoảng 400 triệu đồng, nhưng năm nay không biết có thu nổi được 100 triệu đồng hay không? Để cứu vườn bưởi, nước rút đến đâu, gia đình anh Thành huy động mọi người thu dọn quả rụng đến đó; thu dọn cả lớp đất bùn dầy đến 50cm đọng lại tại các vườn bưởi. Thế nhưng bùn đất, quả rụng quá nhiều, việc thu dọn mất nhiều thời gian và công sức.

Sau khi lũ rút, nhiều vườn bưởi bị thối rễ, chết héo. Ảnh: Đào Thanh.

Sau khi lũ rút, nhiều vườn bưởi bị thối rễ, chết héo. Ảnh: Đào Thanh.

Cũng giống như gia đình anh Thành, gia đình chị Bế Thị Hoa, thôn Soi Hà, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn nhiều năm nay sống chủ yếu dựa vào trồng bưởi đặc sản. Trận lũ lụt đi qua, để lại cho gia đình chị vườn bưởi với cành lá dính đầy bùn đất, quả thì rụng la liệt dưới gốc cây. Mấy ngày đầu khi nước mới rút, chị không dám ra nhìn vườn bưởi. Bởi mỗi lần nhìn vườn bưởi vốn xanh tốt mỡ màng ngày nào giờ đây xác xơ khô héo, quả thì rụng hết chị không cầm nổi nước mắt.

Chị Hoa cho biết, cả vườn bưởi mấy trăm gốc của gia đình chị chỉ còn vài quả sót lại ở trên những cành cao, còn những cành thấp thì đã rụng hết. Không biết từ giờ đến khi bưởi chín, những quả còn lại có rụng nữa không?

Năm nay gia đình chị Hoa và những người dân ở xã Xuân Vân bị thiệt hại nặng nề, có nhà thất thu từ 200 đến 400 triệu đồng, riêng gia đình chị thất thu khoảng hơn 100 triệu đồng. Giờ đây chị đang nhờ cán bộ chuyên môn tư vấn kỹ thuật, mong cứu được vườn bưởi có những gốc tuổi đời đến 30 năm.

Theo thống kê của UBND xã Xuân Vân, trận lũ lụt vừa qua toàn xã có 364ha bưởi của người dân tại các thôn Soi Hà, Vông Vàng, Đô Thượng, Đồng Tày… bị thiệt hại.

Bưởi rụng đầy gốc cây, nhiều hộ gia đình thất thu cả trăm triệu đồng. Ảnh: Đào Thanh.

Bưởi rụng đầy gốc cây, nhiều hộ gia đình thất thu cả trăm triệu đồng. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Lê Hồng Việt, Chủ tịch UBND xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn cho biết, ngay sau khi nước rút, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động người dân chủ động rửa bùn đất trên cây, quả. Đối với diện tích bị thiệt hại nặng, toàn bộ lá rụng, cành bị chết, người dân nhanh chóng đào bỏ cây chết đem tiêu hủy, xử lý đất và trồng lại.

Chính quyền xã cũng đang phối hợp với cán bộ chuyên môn ngành trồng trọt của huyện, tỉnh triển khai hướng dẫn người dân xử lý môi trường, phun khử trùng, bổ sung chất dinh dưỡng cho cây, để cây tiếp tục có sức nuôi quả và sinh rễ thay thế.

Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết, sau khi nước lũ rút đi, ngành NN-PTNT đã cử cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn người dân cách khắc phục hậu quả sau bão lũ đối với cây trồng.

Với vùng bưởi Xuân Vân, lãnh đạo Sở NN-PTNT, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh đã xuống thực tế, chỉ đạo cán bộ chuyên môn, tuyên truyền, hướng dẫn bà con các biện pháp kỹ thuật như: Với những vườn bị ngập úng, khi đất khô ráo cần xới nhẹ phá váng lớp đất mặt giúp đất thông thoáng, khắc phục tổn thương và tái sinh rễ mới.

Đối với những vườn cây đang đậu quả non hoặc quả trong giai đoạn phát triển, thực hiện phun bổ sung phân bón lá có chứa Fe, Bo, Ca, Cu, B, Zn,... tránh hiện tượng nứt, rụng quả.

Những cây bị long gốc cần dậm chặt, vun gốc, sau đó tưới thuốc trừ nấm hoặc các chế phẩm sinh học đối kháng nấm hại để phòng trừ nấm hại rễ cây. Khi bộ rễ cây đã phục hồi tiến hành bón phân hữu cơ kết hợp với phân lân, phun phân bón lá để tăng khả năng phục hồi của cây.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.