| Hotline: 0983.970.780

Hơn 600 người chống dịch tiêu chảy bò sữa ở Lâm Đồng

Thứ Năm 22/08/2024 , 21:26 (GMT+7)

Đến nay, hơn 600 người tham gia, 98.350 lọ dịch truyền các loại, 13.030 chai vitamin C và Bcomplex, 165 kg vitamin C,… được cấp phát để chữa trị đàn bò sữa ở Lâm Đồng.

Cơ quan thú y đến trực tiếp các hộ nuôi bò sữa để nắm bắt tình hình cũng như hỗ trợ điều trị. Ảnh: PC.

Cơ quan thú y đến trực tiếp các hộ nuôi bò sữa để nắm bắt tình hình cũng như hỗ trợ điều trị. Ảnh: PC.

Hơn 600 nhân lực tham gia chống dịch

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Lâm Đồng, từ 16 giờ ngày 20/8 đến 16 giờ ngày 21/8 số bò phát sinh bệnh trong ngày giảm 24 con so với ngày 20/8, số bò đã hồi phục sau điều trị 400 con. Lũy kế đến 16 giờ ngày 21/8 có 6.152 con bệnh, 371 con bị chết, 2.873 con hồi phục (gồm Đơn Dương 2.304 con, Đức Trọng 522 con, Lâm Hà 46 con, Di Linh 1 con).

Trong những ngày qua, lực lượng cán bộ thú y tập trung xuống hỗ trợ điều trị, hướng dẫn phác đồ điều trị đàn giúp người dân ở vùng trọng điểm bò sữa Lâm Đồng. Về lực lượng tham gia phòng, chống dịch hiện nay trên 600 người.

Trong đó, nhân lực trực tiếp điều trị là 136 người và nhân lực phòng chống dịch, tiêu hủy bò bị bệnh là 465 người, bao gồm: Lực lượng cán bộ thú y của Cục, các sở ban ngành và các huyện, xã, các doanh nghiệp, đơn vị chăn nuôi, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã huy động, tiếp nhận, tổ chức cấp phát vật tư thuốc để hỗ trợ điều trị bò bị bệnh, gồm: 98.350 lọ dịch truyền các loại, 13.030 chai vitamin C và Bcomplex, 165 kg vitamin C, 9.857 chai thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, 1.090 chai Progesterone (thuốc an thai), 3.806 gói điện giải, 1.875 kg Sodium Bicarbonat, 2.700 lít Benkocid và 400 bộ đồ bảo hộ. Như vậy, lượng vật tư, thuốc cơ bản đáp ứng nhu cầu điều trị bò bị bệnh hàng ngày.

Để giảm thiểu số bò phát bệnh, chết do tiêu chảy, các cơ quan chức năng Trung ương và tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tổ chức thực hiện các biện pháp cứu chữa bò bị bệnh, hạn chế thiệt hại. Tuy nhiên, giải pháp cấp thiết hiện nay là nông dân cần tích cực phối hợp với nhân viên thú y để thực hiện phác đồ điều trị cho bò đảm bảo kết quả tốt nhất.

Bò sữa được kiểm tra nhiệt độ thường xuyên. Ảnh: PC.

Bò sữa được kiểm tra nhiệt độ thường xuyên. Ảnh: PC.

Ông Phạm Văn Hiếu, thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng cho biết, sau 3 ngày khi tiêm vacxin viêm da nổi cục, 46 con bò sữa của gia đình xuất hiện sốt. Đến nay, đã có 3 con bị chết và sảy thai 3 con.

Không chỉ chịu tổn thất về kinh tế khi trước đây sản lượng sữa của gia đình khoảng 500kg/ngày, nay chỉ còn 200kg/ngày mà ông còn tốn thêm chi phí mua thuốc điều trị thuốc men khá cao. Ngay khi đàn bò sữa bị bệnh ông đã dùng chất điện giải, vitamin C để tăng sức đề kháng cho bò. Đặc biệt, những con bị tiêu chảy phải truyền nước, trung bình 12 chai/con/ngày kèm theo các chất điện giải, vitamin, các men để hỗ trợ tiêu hóa.

“Trong thời gian vừa qua, gia đình cũng được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ vật tư, thuốc men, dịch truyền để tăng sức đề kháng, điều trị bệnh cho bò. Bên cạnh đó, các cơ quan thú y cũng thường xuyên xuống hỗ trợ gia đình để điều trị.

Sau khi áp dụng phác đồ điều trị cho những con bò bị bệnh tôi thấy có hiệu quả. Đối với những con đã điều trị khỏi nhưng bị tái phát trở lại và xuất hiện các triệu chứng lơ ăn, sốt, tiêu chảy, khi có dấu hiệu đó mình áp dụng phác đồ điều trị luôn sẽ hạn chế được rủi ro”, ông Phạm Văn Hiếu chia sẻ.

Bên cạnh đó, trong thời gian điều trị bệnh tiêu chảy cho bò sữa, ông Hiếu cũng phun tiêu độc, khử trùng khu vực nuôi hàng ngày, kiểm soát tình trạng lây lan chéo và cách ly những con bị bệnh để dễ dàng chăm sóc và quản lý, theo dõi 24/24 để phát hiện kịp thời những con bị bệnh từ đó chữa trị hiệu quả.

Không chủ quan, lơ là

Về phía địa phương, ông Trần Văn Phận, Bí thư Chi bộ thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh cho biết, đây là lần đầu tiên địa bàn thôn Bồng Lai xảy ra bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa.

Khi bùng phát bệnh, địa phương đã báo cáo chính quyền xã để về kiểm tra thực tế tại địa phương và phối với các cơ quan chuyên môn chữa trị bệnh. Đồng thời, đối với bò bị chết, địa phương cũng đã tiêu hủy ở nơi an toàn, tránh được ô nhiễm môi trường.

Người dân vệ sinh cho bò sữa, trang trại nuôi hàng ngày. Ảnh: PC.

Người dân vệ sinh cho bò sữa, trang trại nuôi hàng ngày. Ảnh: PC.

Là người tham gia chữa trị cho đàn bò sữa ngay từ những thời gian đầu cho đến nay, TS. Hoàng Xuân Nghinh, chuyên gia đầu ngành về bò sữa tại Việt Nam cho rằng, cần thắt chặt những quy trình, giữ liên tục đến khi con bò cuối cùng khỏi bệnh và không còn hiện tượng chết.

Bên cạnh đó, bệnh tiêu chảy ở bò sữa do virus gây ra, do đó để dứt điểm bệnh này, TS. Hoàng Xuân Nghinh cũng cho rằng, khi đàn bò ổn định cần tiêm một loại vacxin phòng bệnh tiêu chảy (bệnh BVD) để tạo miễn dịch chủ động cho bò, trung hòa những con virus hiện đang lưu hành trong cơ thể bò sữa, chấm dứt tình trạng bệnh xuất hiện trở lại. Đây là biện pháp quan trọng trong giai đoạn tiếp theo.

Chia sẻ về công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian vừa qua, ông Nguyễn Đình Thập, chuyên viên Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng cho biết, sau khi có phác đồ, cơ quan thú y đã chia ra thành các tổ đến trực tiếp hỗ trợ điều trị cho bà con chăn nuôi, đến thời điểm này bò đã hồi phục rất khả quan, hơn 2,5 nghìn con bò bệnh đã khỏe trở lại.

Hiện tại, có một số hộ tái nhiễm đối với bò có thể trạng yếu, chưa khỏi hoàn toàn thì các cơ quan thú y cũng phối hợp với người dân để điều trị những trường hợp này.

“Ở các địa phương đều có các đội kỹ thuật thăm khám các hộ có bò bị bệnh để kiểm tra sức khỏe, tiếp tục hỗ trợ điều trị những con bò đang bệnh hoặc dấu hiệu bệnh trở lại cho đến khi phục hồi hoàn toàn”, ông Nguyễn Đình Thập nói và cho biết thêm, đối với những con bò đã có dấu hiệu phục hồi, bà con cần chăm sóc hộ lý tốt bằng cách tiếp tục cho uống điện giải đến khi bò khỏe hẳn, tăng cường trợ sức, trợ lực bằng các vitamin tổng hợp.

Ngoài ra, tăng dần lượng thức ăn tinh và thức ăn ủ chua trong các khẩu phần ăn hàng ngày; vệ sinh, phun thuốc sát trùng để tiêu diệt các mầm bệnh ngoài môi trường.

Hiện đã có hơn 2,5 nghìn con bò sữa được điều trị khỏi bệnh. Ảnh: PC.

Hiện đã có hơn 2,5 nghìn con bò sữa được điều trị khỏi bệnh. Ảnh: PC.

Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, đến nay, phần lớn đàn bò sữa đã được chữa trị khỏi bệnh. Hiện, Cục Thú y cũng liên tục cử đoàn công tác, cán bộ của Cục nằm tại địa bàn để bám sát tình hình cũng như theo dõi để nhận định tình hình, kịp thời phản ứng khi phát hiện những trường hợp bò bị tái phát trở lại.

Bộ NN-PTNT cũng đã xuất cấp hóa chất để hỗ trợ cho địa phương trong việc tiêu diệt mầm bệnh ở môi trường, đồng thời các đơn vị, doanh nghiệp chăn nuôi, cung ứng vacxin cũng như địa phương đã cung ứng thuốc, hóa chất để xử lý môi trường, chăm sóc sức khỏe cho động vật và thuốc điều trị cho những con bò bị bệnh.

Hiện tại, các trung tâm của các thôn có những điểm cấp phát thuốc. Khi những gia đình có bò bị bệnh theo hướng dẫn của thú y kê đơn có thể ra những điểm cấp phát thuốc để nhận thuốc của cơ quan chuyên môn thú y địa phương.

“Trong thời gian tới, mục tiêu trước mắt là giảm thiểu những ca bệnh, đồng thời điều trị, giảm thiểu những ca chết. Song song đó, các cơ quan thú y Trung ương và y địa phương phải thường xuyên bám sát địa bàn cũng như bà con chăn nuôi tăng cường theo dõi gia súc của mình, nếu như có hiện tượng bất thường xảy ra thì ngay lập tức thông báo cho cán bộ thú y địa phương để có hướng xử lý và điều trị kịp thời”. Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y thông tin.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Lượng tiêu thụ tăng vọt, người trồng rau hối hả vào vụ Tết

HÀ TĨNH Giá rau vụ Tết tuy không nhỉnh hơn nhiều so với bình thường nhưng lượng tiêu thụ thường cao gấp 4 - 5 lần.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.