| Hotline: 0983.970.780

Phác đồ điều trị bệnh tiêu chảy bò sữa ở Lâm Đồng phát huy hiệu quả

Thứ Năm 15/08/2024 , 19:30 (GMT+7)

Sau khi áp dụng phác đồ điều trị bệnh tiêu chảy đàn bò sữa ở Lâm Đồng đã cho thấy hiệu quả điều trị trong giai đoạn 1, cơ bản khống chế được dịch bệnh.

Sau khi áp dụng phác đồ điều trị bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa ở Lâm Đồng, đến nay dịch bệnh cơ bản được khống chế. Ảnh: PC.

Sau khi áp dụng phác đồ điều trị bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa ở Lâm Đồng, đến nay dịch bệnh cơ bản được khống chế. Ảnh: PC.

Phác đồ phát huy hiệu quả

Ngày 15/8, trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, TS Hoàng Xuân Nghinh - chuyên gia đầu ngành về bò sữa tại Việt Nam - thông tin, sau khi áp dụng phác đồ 1 trong giai đoạn đầu để điều trị đến nay tình hình dịch bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa ở huyện Đơn Dương và Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) đã có sự chuyển biến tích cực và dần được kiểm soát. Điều này cho thấy phác đồ đã đạt được hiệu quả trong việc điều trị.

Ông Nghinh cho biết, sau khi phác đồ 1 được ban hành và triển khai, các nhóm hỗ trợ xuống các hộ dân để hướng dẫn điều trị và hàng ngày đều có hội ý sau điều trị nhằm rút kinh nghiệm trong việc chữa trị những ca bệnh mới phát sinh hoặc các ca bệnh tái phát lại.

“Đến giai đoạn 2, khi có hiện tượng tái trở lại tình trạng tiêu chảy và có thể kết hợp viêm phổi, phần lớn do việc chăm sóc nuôi dưỡng hay do đặc điểm của con bò nên sẽ bị tiêu chảy do axit dạ cỏ.

Với bệnh axit dạ cỏ này trong trường hợp không có kế phát với viêm phổi cùng xả ra đồng thời trên 1 con, không có triệu chứng sốt chúng tôi đã đưa ra một phác đồ bổ sung dùng muối natri bicarbonate, đây là một chất đệm để trung hòa axit dạ cỏ, từ đó tình trạng tiêu chảy sẽ giảm rất nhanh”, ông Hoàng Xuân Nghinh nói và cho biết thêm, đối với trường hợp bò sữa vừa có tình trạng tiêu chảy, sốt, viêm phổi thì dùng kháng sinh để khống chế viêm phổi, làm giảm tình trạng tiêu chảy và cắt đứt cơ chế sinh bệnh.

TS Hoàng Xuân Nghinh - chuyên gia đầu ngành về bò sữa tại Việt Nam thăm và hướng dẫn người dân huyện xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng điều trị bệnh tiêu chảy trên bò sữa. Ảnh: PC.

TS Hoàng Xuân Nghinh - chuyên gia đầu ngành về bò sữa tại Việt Nam thăm và hướng dẫn người dân huyện xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng điều trị bệnh tiêu chảy trên bò sữa. Ảnh: PC.

Về việc bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa có nguy cơ lây lan hay không và cách phòng, chống hiệu quả dịch bệnh này, ông Nghinh khẳng định, đối với các bệnh do virus hay vi khuẩn gây ra nếu không có biện pháp an toàn sinh học phù hợp thì chắc chắn sẽ có lây lan kể cả bệnh không phải truyền nhiễm.

“Các bệnh thông thường do virus, vi khuẩn mà gen an toàn sinh học không cao đều có thể lây lan nhưng cấp độ nhanh hay chậm tùy thuộc vào bản chất của con virus hoặc vi khuẩn gây bệnh.

Cho nên với bệnh này kết hợp cả nguyên nhân virus và vi khuẩn chúng ta phải áp dụng biện pháp an toàn sinh học ở cấp độ cao theo khuyến cáo của phác đồ điều trị. Điều quan trọng nhất là an toàn sinh học, bởi vì nếu chúng ta không có biện pháp tốt thì bệnh có thể lây lan sang khu vực khác”, ông Nghinh cho hay.

Trong khi đó, về nguyên nhân gây bệnh, ông Nghinh cho biết, theo kết quả phân lập của phòng thí nghiệm, bò sữa bị nhiễm một loại virus gây bệnh tiêu chảy. Việc con virus đấy trong bò bình thường nếu phân lập cũng có thể nó gây bệnh nhưng mức độ, phạm vi ở điều kiện bình thường, không tiêm vacxin sẽ không gây bệnh hoặc gây bệnh ở cấp độ nhẹ.

“Sau khi tiêm bất kỳ loại vacxin nào (kể cả vacxin viêm da nổi cục) về cơ chế bò sẽ có phản ứng đáp ứng miễn dịch và trong thời gian đó bò có thể bị mệt mỏi, sốt nhẹ. Cho nên, việc tiêm vacxin viêm da nổi cục và bệnh tiêu chảy xảy ra trên đàn bò sữa đến ngày hôm nay vẫn chưa có kết luận là nó xuất phát từ đâu. Nhưng với nhận định của tôi, vacxin viêm da nổi cục không phải nguyên nhân chính gây ra bệnh tiêu chảy này. Còn về nguồn gốc ở đâu, các cơ quan chuyên môn quản lý về thú y, các trung tâm chẩn đoán về thú y sẽ là người kết luận cuối cùng”, ông Nghinh nói.

An toàn sinh học là biện pháp hàng đầu

Theo ông Nghinh, trong điều trị bệnh cho bò hay gia súc, khâu chăm sóc hộ lý đóng góp tới 50% hiệu quả.

Mặc dù đã áp dụng tích cực các liệu pháp kháng sinh, truyền dịch, trợ sức, trợ lực, thuốc bổ tuy nhiên cơ quan thú y vẫn khuyến cáo người dân trong thời gian bò đang ốm, bỏ ăn, không ăn kể cả cỏ và thức ăn tinh thì cần tập trung cho bò ăn thức ăn thô xanh. Tốt nhất cho ăn rơm, cỏ khô, những thức ăn hỗ trợ cho việc điều trị tiêu chảy và nên hạn chế thức ăn tinh hoặc thức ăn đậm đặc.

Bên cạnh đó, trong trong giai đoạn bò hồi phục, cơ quan thú y cũng khuyến cáo với các hộ chăn nuôi. Thứ nhất, khi bò bắt đầu ăn trở lại, sữa cũng bắt đầu tăng lên ở những con khỏi bệnh hay giai đoạn bệnh cấp tính đã được khống chế các hộ nên tập trung cho bò ăn được nhiều nhất kết hợp với các liều pháp trợ sức của các nhóm thú y.

“Cần truyền dung dịch Glucoza ưu trương để ngay lập tức mình cung cấp năng lượng cho con bò. Hiện liệu trình chúng tôi áp dụng một con bò mỗi ngày tối thiểu 2 chai Glucoza ưu trương 30% (mỗi chai 500ml), điều này cung cấp 300 gram đường vào trong máu cho bò để kích thích sự hoạt động trở lại của cơ quan tiêu hóa và kích thích cho con bò nó ăn trở lại”, ông Nghinh thông tin.

Đối với những con bò đã ăn trở lại, cơ quan thú y cũng khuyến cáo người dân cho bò ăn tự do các loại thức ăn thô xanh. Đối với thức ăn tinh hay thức ăn đậm đặc tăng lượng thức ăn lên từng bước một. Nếu cho ăn trở lại theo khẩu phần như trước thời gian bò bị bệnh tình trạng tiêu chảy sẽ xuất hiện trở lại.

Sau khi áp dụng phác đồ điều trị, bò sữa của người dân đã dần khỏe trở lại. Ảnh: PC.

Sau khi áp dụng phác đồ điều trị, bò sữa của người dân đã dần khỏe trở lại. Ảnh: PC.

Trong khi đó, với những con bò nằm rất lâu do đuối sức cơ quan thú y khuyến cáo người dân phải cho đứng dậy bằng nhiều biện pháp như mắc võng kích lên để cho bò đứng. Bởi vì nếu nằm lâu mặc dù có ăn uống bò sẽ bị chướng hơi dạ cỏ hay liệt dạ cỏ và khi chướng hơi lên bò sẽ chết.

Cho nên, trong giai đoạn này, việc hộ lý chăm sóc, cung cấp dinh dưỡng cực kỳ quan trọng và khi hồi phục lại bình thường thì bà con áp dụng quy trình chăm nuôi cũ.

Đối với sữa bò trong giai đoạn này, cơ quan chuyên môn khuyến cáo không nên lấy sữa bò ở những con bò bị bệnh, kể cả có điều trị kháng sinh hay không kháng sinh để chế biến hoặc dùng cho người.

"Trong những ngày tới, khi sức khỏe đàn bò dần trở lại bình thường, thời điểm để thu mua sữa trở lại sẽ do chính các doanh nghiệp thu mua, chế biến sữa quyết định, khi họ đã xác định và yên tâm về chất lượng", ông Nghinh chia sẻ.

Xem thêm
Doanh nghiệp Việt nghiên cứu đầu tư chăn nuôi an toàn sinh học tại Canada

ĐỒNG NAI Trước áp lực siết chặt quy định về môi trường và dịch bệnh, một số doanh nghiệp ở Đồng Nai có xu hướng chuyển hướng đầu tư chăn nuôi an toàn sinh học tại Canada.

Liên kết và cơ giới hóa để mở rộng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao

KIÊN GIANG Liên kết trong tổ chức sản xuất và đầu tư cơ giới hóa đồng bộ là yếu tố then chốt để nhân rộng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 2] Sử dụng đất là bài toán vô cùng linh hoạt

Trong các nhiệm vụ đánh giá chất lượng đất đai tại địa phương, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa sẽ phải chỉ ra các rủi ro nếu bố trí cây trồng không hợp lý.