Nhiều HTX tiêu biểu, lợi nhuận hàng tỉ đồng/năm
Tính đến nay, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) có 31 hợp tác xã (HTX) với 643 thành viên. Thành lập được 3 năm, HTX Cộng đồng phụ nữ Đăk Viên (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) có 33 xã viên đều là nữ. Trụ sở HTX là căn nhà khang trang nằm bên đường lớn, phía trước có phơi dược liệu, bên trong gồm các trang thiết bị máy móc để sấy, đóng gói sản phẩm.
Chị Y Pot, Chủ tịch HĐQT HTX Cộng đồng phụ nữ Đăk Viên chia sẻ, với mong muốn giúp chị em thoát nghèo, chị đã thành lập HTX chuyên trồng, thu mua và chế biến các sản phẩm từ sâm dây và bán đi nhiều tỉnh thành trong cả nước.
“Nguồn thu từ sâm dây của chị em xã viên tăng gấp 3 lần so với thời gian chưa tham gia HTX. Ngoài tiền công khi vào làm việc và tiền lãi thu được, chị em tiếp tục góp vốn đầu tư. Thời gian tới, chúng tôi sẽ liên kết với doanh nghiệp lớn ở các tỉnh thành để được hướng dẫn kỹ thuật, tăng cường chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm để có nguồn thu lớn hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục mời gọi chị em tham gia vào HTX để tăng thu nhập”, chị Y Pot chia sẻ.
Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, nhìn chung các HTX trên địa bàn đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; hoàn thiện các chuỗi giá trị sản phẩm địa phương, phát triển mở rộng gắn với quy hoạch vùng sản xuất. Một số HTX nông nghiệp có sản phẩm cung cấp để xuất khẩu.
Cũng theo ông Mạnh, trên địa bàn huyện cũng đã xuất hiện nhiều mô hình HTX hiệu quả về trồng cây dược liệu, du lịch sinh thái cộng đồng như: HTX Nông sản và thảo dược Tu Mơ Rông, HTX Thảo dược cộng đồng Tu Mơ Rông, HTX Thương mại tổng hợp trồng và chế biến dược liệu An Thành, HTX Dược liệu Du lịch Ngọc Linh H80, HTX Dược liệu - Du lịch Forest Stay, HTX Du lịch và Dược liệu xanh Siu Puông, HTX Toong Xăng Xanh. Theo đó, số lượng sản phẩm của các HTX có sản phẩm được chứng nhận OCOP ngày càng tăng.
Đơn cử năm 2022, đã có 8 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh của 3 HTX trên địa bàn huyện. Mô hình HTX đã tạo việc làm, giảm chi phí, tăng giá bán, góp phần cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Thông qua HTX, đời sống của thành viên được tăng lên.
Tại tỉnh Kon Tum, một số mô hình HTX phát triển hiệu quả khác có thể kể đến như mô hình ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau hữu cơ của HTX Thanh niên Măng Đen với thu nhập bình quân đạt 2,5 tỷ đồng/ha/năm; HTX Nông nghiệp Đăk Tờ Lung Xanh với mô hình trồng cây ăn quả, chế biến sản phẩm nông nghiệp sạch với doanh thu bình quân năm 2021 đạt 1,7 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 220 triệu đồng/năm...
Ngoài ra, một số HTX hoạt động hiệu quả, phát huy tốt những lợi thế của địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm cho người dân được ngành chức năng khuyến khích cần nghiên cứu, đánh giá để nhân rộng như: HTX Nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo TP Kon Tum; HTX Sản xuất và Dịch vụ thương mại Sáu Nhung; HTX Nông nghiệp công nghệ cao Bắc Tây Nguyên Farm, HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Thế hệ mới Đăk Mar, HTX Nông nghiệp công bằng Pô Cô.
Tại tỉnh Gia Lai, với việc kinh doanh hiệu quả, HTX Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ - Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) và HTX Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) đã được Bộ NN-PTNT chọn làm điểm xây dựng HTX kiểu mẫu giai đoạn 2022 - 2025.
Ngoài ra, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (xã Đăk Taley, huyện Mang Yang) được công nhận là một trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2023. HTX này thành lập năm 2018 với 38 thành viên, có ngành nghề là sản xuất, sơ chế đông lạnh, chế biến các sản phẩm theo chuỗi giá trị từ chanh dây. Trung bình mỗi tuần, HTX xuất khẩu hơn 2 tấn chanh dây sang thị trường các nước như Pháp, Nga, Thụy Sỹ, Trung Quốc. Bình quân hằng năm, sau khi trừ chi phí, HTX thu lợi nhuận khoảng hơn 1,5 tỷ đồng.
Không ít HTX hoạt động... “trên giấy”
Bên cạnh nhiều HTX kinh doanh hiệu quả, không ít HTX khác lại đang hoạt động cầm chừng, thậm chí thua lỗ. Đơn cử, HTX đa ngành nghề Ia Tô (xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) thành lập từ năm 2020 với số thành viên ban đầu là khoảng 100 xã viên, chuyên thu mua chanh dây, chôm chôm. Tuy nhiên, sau 3 năm thành lập, đến nay HTX chưa thu mua được sản phẩm nào. Trong khi đó, có khoảng 40 xã viên đã xin ra khỏi HTX.
Ông Trịnh Viết Hùng, Chủ tịch UBND xã Ia Tô cho biết, đến nay, có thể khẳng định HTX đa ngành nghề Ia Tô hoạt động chưa hiệu quả. Nguyên nhân do HTX chưa hoạt động vì sản lượng chưa đảm bảo để thu mua phục vụ xuất khẩu. Hiện HTX đang xây dựng thương hiệu, mã vùng trồng cũng như mở rộng diện tích cho cây chanh dây, sầu riêng. Khoảng 2 đến 3 năm tới, diện tích 2 loại cây này sẽ nhiều, mới đủ thu mua.
Ngược về xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bàu Cạn được thành lập năm 2022, có 7 thành viên, chuyên thu mua nông sản, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp. Hoạt động 1 năm nay, nhưng HTX chưa có trụ sở chính thức mà đang thuê một ki ốt bằng tôn với giá 2 triệu đồng/tháng để làm cơ sở thu mua chanh dây. Có mặt tại đây, chúng tôi thấy HTX hoạt động đìu hiu, im ắng, vật dụng bên trong khá sơ sài, chanh dây được thu mua tập kết ở một góc.
Ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bàu Cạn cho biết, khi thành lập, HTX gặp khó vì nguồn kinh phí còn hạn hẹp, tiếp cận vốn vay khó, trong khi đất đai không có. Các xã viên tham gia hưởng quyền lợi sẽ được mua giá chanh dây ưu đãi. Tuy nhiên, số lượng xã viên còn ít nên đơn vị đang kêu gọi tham gia, song người dân không mặn mà. Hiện HTX hoạt động chưa hiệu quả, chưa sinh lời vì lý do thiếu vốn, xã viên chưa nhiều. “Để thuận tiện hoạt động, đơn vị đã làm công văn kiến nghị lên ngành chức năng tạo điều kiện cho HTX thuê đất trong quy hoạch để sản xuất, làm trụ sở hoạt động nhưng chưa được”, ông Hạnh nói.
Một lãnh đạo Huyện ủy Chư Prông cho biết, huyện có 31 HTX đang hoạt động. Theo ước tính, chỉ có 30% HTX hoạt động có lời, còn lại khoảng 40% HTX kinh doanh trung bình, hòa vốn, 30% làm ăn yếu kém. Qua đánh giá sơ bộ, sản xuất của các HTX còn manh mún, lạc hậu. Ngoài ra, sự liên kết giữa các HTX với các nhà sản xuất, tiêu thụ còn yếu, sức cạnh tranh còn nhiều mặt hạn chế nên lợi nhuận không cao.
Thậm chí, trên giấy tờ, nhiều HTX đang hoạt động nhưng thực tế đã “bất động” từ lâu. Trong danh sách Liên minh HTX tỉnh Gia Lai cung cấp, HTX Dịch vụ - Thương mại và Nông nghiệp Ia Kênh (làng Mơ Nú, xã Ea Kênh, TP Pleiku) thành lập năm 2017, xếp hạng năm 2022 thuộc loại trung bình. Tuy nhiên khi đến nơi, chúng tôi lại thấy trụ sở hoen mốc, hoang vắng, cỏ mọc um tùm. Phần sân HTX là nơi tập kết các trụ bê tông. Nhìn tổng quan, trụ sở này dừng hoạt động đã lâu. Làm việc với phóng viên, đại diện UBND xã Ia Kênh khẳng định, HTX này đã ngừng hoạt động nhiều năm nay, không có hoạt động sản xuất kinh doanh nào cả.
Trong khi đó, chuyện HTX hoạt động "trên giấy" cũng xuất hiện tại tỉnh Kon Tum và được các ngành chức năng phanh phui. Cụ thể, vào tháng 8 đến tháng 9/2022, đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Kon Tum đã giám sát tình hình hoạt động các HTX trên địa bàn và phát hiện số lượng HTX ngưng hoạt động nhiều hơn con số mà các đơn vị liên quan báo cáo.
Cụ thể, huyện Đăk Tô báo cáo có 3 HTX ngừng hoạt động nhưng thực tế có 6 HTX; huyện Sa Thầy báo cáo có 3 HTX ngừng hoạt động nhưng thực tế giám sát có 5 HTX. Còn tại TP Kon Tum, báo cáo có 2 HTX dừng hoạt động nhưng thực tế giám sát có 16 HTX ngừng hoạt động.
HTX hoạt động không đúng bản chất
Cũng trong đợt giám sát vào tháng 8 đến tháng 9/2022, đoàn giám sát của thường trực HĐND tỉnh Kon Tum cũng nhận thấy, nhiều HTX hoạt động không bản chất của Luật HTX năm 2012; hoạt động của các HTX thực chất là nhóm liên kết, tổ hợp tác để cùng hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, không có tài sản sở hữu chung...
Đoàn giám sát đã đề nghị UBND tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các HTX trên địa bàn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX hoạt động, tránh trường hợp núp bóng, hoạt động không đúng bản chất để trục lợi các chính sách ưu đãi của Nhà nước.