| Hotline: 0983.970.780

HTX được Dự án VnSAT hỗ trợ đủ điều kiện xuất khẩu sang châu Âu

Thứ Năm 24/03/2022 , 10:56 (GMT+7)

ĐBSCL Mới đây, vùng sản xuất lúa 50ha của HTX DVNN Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang được chứng nhận đạt chuẩn SRP đủ điều kiện xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ.

Thu hoạch lúa đông xuân tại HTX Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Thu hoạch lúa đông xuân tại HTX Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Lợi nhuận cao hơn khoảng 30%

Những ngày cuối tháng 3, nông dân trồng lúa ở ĐBSCL đã thu hoạch quá nửa gieo trồng vụ đông xuân 2021 – 2022. Năm nay, bình quân năng suất đạt cao hơn những mùa trước nhưng nông dân kém vui vì tác động kép giá thành tăng, giá bán giảm khiến lợi nhuận giảm rất nhiều so với vụ trước. Tuy nhiên, tại các vùng Dự án VnSAT, nhờ hoạt động liên kết sản xuất, nông dân trồng lúa có được lợi nhuận cao hơn nông dân bên ngoài khoảng 30%. Diện tích canh tác lúa gạo trong vùng dự án tại các tỉnh được bao tiêu với các doanh nghiệp nông nghiệp liên tục tăng lên qua các lần đánh giá, đối với vụ hè thu 2021 đã có 61.372 ha lúa có hợp đồng bao tiêu. Đây là tín hiệu đáng vui mừng trong tình hình hiện nay.

Chúng tôi tìm về HTX DVNN Mỹ Thành Nam (ở xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) hơn chục năm nay, nông dân đã tìm ra lời giải để  sản xuất lúa bền vững. Đây cũng là HTX được Dự án VnSAT hỗ trợ tập huấn các kỹ thuật sản xuất lúa như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” đồng thời tạo điều kiện liên kết sản xuất bền vững ở đầu ra và đầu vào. HTX DVNN Mỹ Thành Nam có diện tích sản xuất lúa đạt 100ha với 54 thành viên.

Ông Lê Văn Hưng, Giám đốc HTX kể trước khi tham gia Dự án VnSAT, bà con nông dân cũng đã biết đến kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”. Sau, Dự án chuyển giao thêm kỹ thuật “1 phải 5 giảm” với ưu điểm nhiều hơn, nhất là sử dụng nước tiết kiệm. Sau học, nông dân tiếp cận khoa học tốt hơn trước rất nhiều, nhất là tập quán phun xịt và rải phân.

“Ngày xưa cứ sạ xuống 7 bữa là xịt mà không coi bệnh, mỗi vụ xịt 7-8 lần giờ đây giảm còn 3-4 lần. Trước kia, mỗi công bà con thường sạ 20 kg giống, học IPM rồi thì giảm còn còn 15, bây giờ được Dự án VnSAT tập huấn nên mạnh dạn giảm còn 10kg. Phân bón thì cũng giảm nhiều, vụ đông xuân nông dân bón từ 30-35 kg/công, hè thu và thu đông tăng hơn nhưng không quá 40kg/công. So với trước giảm 10-15/kg/công ”, ông Hưng quả quyết.

Ông Lê Văn Hưng ngâm giống chuẩn bị gieo sạ vụ hè thu. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Lê Văn Hưng ngâm giống chuẩn bị gieo sạ vụ hè thu. Ảnh: Minh Đảm.

Sản xuất lúa chuẩn SRP xuất sang châu Âu, Mỹ

Ông còn cho hay, kể từ năm 2009, HTX đã áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Sau đó, HTX liên kết với Công ty ADC trồng lúa theo phương thức doanh nghiệp cung cấp giống xác nhận, vật tư nông nghiệp, cử cán bộ hỗ trợ về mặt kỹ thuật thâm canh theo hướng GAP... Cuối vụ thu hoạch bao tiêu với giá cao từ 200 – 300 đồng/kg so với thị trường, xã viên có lãi khá. Mỗi năm, HTX tổ chức sản xuất ba vụ và tùy theo nhu cầu của Công ty ADC bố trí các giống lúa chất lượng cao thích hợp: OM 4900, OM 5451, Jasmine 85, Đài Thơm 8.

Bên cạnh đó, đầu vào nông dân tiết kiệm chi phí rất đáng kể, nhất là chi phí phân bón, thuốc BVTV. Theo ông Hưng nói, vụ đông xuân này, HTX bón theo quy trình của ADC với công thức 15 kg phân hoá học và 20 kg phân hữu cơ “Con bò sữa”. Tiền phân bón khoảng 500 nghìn đồng/công, tính ra chỉ bằng phân nữa so với nông dân khác. Cụ thể, bình quân năng suất của các thành viên đạt khoảng 7 tấn/ha, lãi được 28 triệu đồng/ha, cao hơn bình quân chung của tỉnh là 3 triệu đồng/ha.

Thời gian gần đây, thực hiện cam kết với Cục Bảo vệ thực vật, Công ty ADC đã triển khai mô hình sản xuất lúa theo quy trình sinh học tại HTX Mỹ Thành Nam. Đáng chú ý, mới đây, HTX này có 50ha lúa được chứng nhận đạt tiêu chuẩn SRP, đủ điều kiện xuất khẩu gạo tại thị trường châu Âu.

Ông Lê Văn Hưng, Giám đốc HTX phấn khởi nói: Trước đây, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP, có sử dụng thuốc hoá học nhưng theo dõi thời gian cách ly để không còn dư lượng. Bây giờ, sử dụng hoàn toàn 100% sinh học, tuy nhiên thấy cây lúa phát triển tốt. Thời gian đầu, lúa cũng được doanh nghiệp bao tiêu xuất khẩu cao hơn giá thị trường 15%. Thành viên HTX rất phấn khởi mong muốn thời gian tới sẽ được mở rộng diện tích”.

Theo chia sẻ từ ông Lê Văn Hưng, mô hình được đoàn công tác của Cục BVTV trong chuyến công tác tại tỉnh Tiền Giang mới đây đánh giá rất cao, nhất là công tác bảo vệ môi trường, an toàn với thiên địch và sức khoẻ nông dân, trong đó nông dân thu gom bao bì, vỏ chai để ngăn nắp, đúng nơi quy định. “Cục BVTV đánh giá mô hình làm tốt nhất cả nước”, ông Hưng cho biết.

SRP là bộ tiêu chuẩn đầu tiên trên thế giới về sản xuất lúa gạo bền vững với 46 tiêu chí và 8 vấn đề, hướng tới việc sản xuất lúa gạo hiện đại và bền vững như: Quản lý tốt đồng ruộng, sử dụng nguồn tài nguyên nước hợp lý, quản lý sâu bệnh, quản lý dinh dưỡng, giảm thất thoát sau thu hoạch, nhấn mạnh các yếu tố kinh tế - xã hội, môi trường với tầm nhìn bền vững. Bộ tiêu chí cũng quan tâm đến an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn sức khỏe cho người lao động, người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm lúa gạo chất lượng cao.

Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT

Xem thêm
Việt Nam là nhà cung cấp chè lớn nhất cho Trung Quốc về sản lượng

Tuy nhiên xét về giá trị, Việt Nam chỉ đứng thứ 2, chiếm 12,1% tỷ trọng, thấp hơn nhiều so với mức 39,6% của thị trường cung cấp chè lớn nhất là Sri Lanka.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Cao su Chư Prông tổ chức Hội thi thợ giỏi khai thác mủ

Trong 2 ngày 30-31/10, tại Nông trường Cao su Thanh Bình, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông đã tổ chức Hội thi thợ giỏi khai thác mủ cao su năm 2024.

Dự án căn hộ Conic Boulevard có giá khoảng 37 triệu đồng/m2

Dự án Conic Boulevard gồm khu dân cư và căn hộ cao tầng với quy mô 5,3ha, tọa lạc tại đường Huỳnh Bá Chánh, thị trấn Tân Kiên, Bình Chánh, TP.HCM.

Bình luận mới nhất