Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Dự án VnSAT An Giang cho biết: Để xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo quy mô lớn có liên kết với doanh nghiệp, thời gian qua, Dự án VnSAT An Giang đã đẩy mạnh tập huấn và làm điểm trình diễn nhiều mô hình trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, SRP, tiếp tục nâng cao năng lực nông dân, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp cụ thể: Tập huấn, đào tạo 1 lớp giáo viên nguồn SRP, 33 lớp VietGAP, SRP với 1.490 hộ và thực hiện 19 điểm trình diễn, in ấn 3.000 quyển tài liệu hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững SRP.
Điển hình là liên kết giữa Công ty THHH Tấn Vương và HTX Tân Lập, xã Tân Lập (huyện Tịnh Biên, An Giang), ban đầu chỉ hợp đồng 100 ha vụ đông xuân 2017 - 2018, sau đó diện tích tăng lên từng vụ, đến năm 2020 - 2021 được nâng lên 1.300 ha/vụ ở trong xã và còn mở rộng sang các xã khác. Riêng trong năm 2020, tổng diện tích hợp đồng sản xuất và tiêu thụ lúa của Công ty Tấn Vương trên địa bàn xã Tân Lập nằm trong Dự án VnSAT đạt hơn 1.500 ha/vụ.
Việc thực hiện tốt các mô hình liên kết với doanh nghiệp đã tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn Dự án VnSAT. Diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo giữa HTX/tổ hợp tác và doanh nghiệp theo hợp đồng tăng lên theo từng vụ. Đặc biệt, diện tích hợp đồng sản xuất cao nhất là vụ đông xuân 2019 - 2020 với 6.037 ha. Có nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết ổn định như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH Tấn Vương, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), Công ty TNHH Gentraco…
Để thúc đẩy liên kết giữa doanh nhiệp bao tiêu lúa gạo cho nông dân và HTX trong thời gian qua, Dự án VnSAT An Giang luôn đẩy mạnh tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản lý của các tổ chức nông dân. Trong đó, đào tạo nhân sự quản lý HTX và tổ hợp tác do đa số xuất thân từ nông dân nên thiếu kiến thức quản lý...