| Hotline: 0983.970.780

Lo lắng rừng gỗ quý Trường Sơn

Ước vọng tiền tỷ 'treo' trên những cánh rừng già

Thứ Năm 13/04/2023 , 06:30 (GMT+7)

Rừng gỗ quý Trường Sơn liệu có giữ được khi mà lực lượng bảo vệ rừng thiếu thốn cả về đời sống và nhân lực...

Ông Nguyễn Văn Cừ, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Quảng Ninh (Quảng Bình) cho rằng với biên chế nhân lực như hiện nay thì có “xẻ” ra cũng không đủ người bố trí trực ở các chốt, trạm nhằm bảo vệ những cánh rừng gỗ quý. “Chúng tôi không có được nguồn kinh phí và quyền được hợp đồng thêm người bổ sung cho lực lượng bảo vệ rừng”, ông Cừ ngán ngẩm.

Khó “tiêu” được nguồn tiền phân bổ

Từ cuối năm 2022, huyện Quảng Ninh được hưởng lợi từ nguồn của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Rừng gỗ quý Trường Sơn đang cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: P.V

Rừng gỗ quý Trường Sơn cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: PV.

Bài liên quan

Theo ông Nguyễn Văn Cừ, BQLRPH Quảng Ninh được huyện giao trách nhiệm cùng các ban ngành khác tham mưu, bố trí hợp lý nguồn tiền này. “Theo tinh thần hướng dẫn thì đối tượng được hưởng là các hộ gia đình đồng bào dân tộc ít người nhận khoán bảo vệ rừng. Như vậy, trên địa bàn huyện Quảng Ninh có 2 xã là Trường Sơn và Trường Xuân”, ông Cừ cho hay. Quy định mỗi hộ dân nhận tối đa không quá 30ha rừng, mỗi ha được nhận 400 ngàn đồng, “như vậy, mỗi hộ dân nhận bảo vệ rừng thì mỗi năm nhận được 12 triệu đồng”, ông nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho hay, chương trình này được triển khai từ quý IV/2022 và năm nay. “Cuối năm ngoái, huyện được phân bổ 4,6 tỷ đồng. Năm nay, số tiền chương trình là 27 tỷ đồng. Huyện đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tham mưu để phân bổ nguồn tiền đúng quy định. Tuy nhiên, từ anh em báo cáo lên là cũng gặp nhiều khó khăn phát sinh”, ông Phạm Trung Đông nói thêm.

Một chốt bảo vệ rừng  của BQL RPH Quảng Ninh giữa rừng thẳm. Ảnh: T.P

Một chốt bảo vệ giữa rừng thẳm của BQLRPH Quảng Ninh. Ảnh: TP.

Bài liên quan

Ông Cừ nói, hai xã miền núi Trường Sơn và Trường Xuân có khoảng 1.600 hộ dân, trong đó có khoảng 600 hộ dân nằm trong diện già cả, bệnh tật không đảm bảo sức khỏe để nhận khoán bảo vệ rừng. “Còn lại 1.000 hộ dân có thể nhận khoán bảo vệ rừng thì cũng chỉ có tổng diện tích 30 ngàn ha rừng”, ông Cừ tính toán. Một khó khăn được nhắc đến là những tiểu khu rừng xa cách bản của bà con đến cả ngày xuyên rừng, vì vậy, việc khoán rừng cho bà con bảo vệ liệu có phát huy được hiệu quả? Cũng theo ông Cừ, việc giao nhận khoán cho các hộ đồng bào dân tộc ít người nhận bảo vệ rừng phải được triển khai đúng thực tế. “Những hộ nhận khoán bảo vệ rừng cụ thể thì chúng tôi mới tham mưu chi trả chứ không thể chi trả cào bằng. Do đó, cũng không thể trong thời gian ngắn mà hoàn thành được ngay nhiệm vụ này”.

Thực tế trong nhiều năm qua, Quảng Bình đã phát động và đẩy mạnh các mô hình bảo vệ rừng cộng đồng. Qua đó, một số mô hình đã phát huy tác dụng, thúc đẩy việc bà con đồng bào dân tộc bảo vệ như rừng bản ông Tú (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa), rừng Khe Dây (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh), rừng thiêng xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy)... với diện tích vài chục đến vài trăm ha.

Bữa cơm giữa rừng của lực lượng bảo vệ rừng Trường Sơn. Ảnh: P.V

Bữa cơm giữa rừng của lực lượng bảo vệ rừng Trường Sơn. Ảnh: PV.

Bài liên quan

Tuy nhiên, điểm chung của các mô hình rừng cộng đồng là ở sát hay có cự ly gần với bản. Do đó, việc canh giữ, tuần tra hoặc phát hiện người vào khai thác lâm sản đều thuận lợi. Những tiểu khu rừng tự nhiên cách xa bản làng đến cả ngày đi bộ hay khu vực sát biên giới Việt - Lào thì hẳn bà con khó đảm nhận được. Nhìn nhận về thực tế này, ông Cừ cho hay, hiện tại, vào rừng để tìm ra được cây gỗ quý để đánh dấu và lợi dụng lực lượng bảo vệ rừng sơ hở rồi cắt hạ cũng không đơn giản. Phần lớn là bà con quen đi rừng và vào rừng để tìm kiếm mật ong... rồi thấy được cây gỗ lớn mà thôi. Vì vậy, khi giao rừng cho bà con thì lực lượng rất khó quản lý việc người vào ra rừng. “Trách nhiệm tuyên truyền để nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho bà con là rất cần thiết. Tuy nhiên, cũng phải có thời gian chứ không thể ngay được”, ông Cừ bọc bạch.

Nếu có được 2/27 tỷ mỗi năm thì rừng yên ổn

Chúng tôi ngồi với nhau tại Trạm bảo vệ rừng số 7, trong cái ánh sáng nhạt của nguồn sáng từ chiếc máy điện thoại cũng sắp hết pin. Câu chuyện xoay quanh số tiền 27 tỷ của Chương trình hỗ trợ cho người dân bảo vệ rừng lại được đưa ra.

“Nếu chúng tôi có được 2 tỷ mỗi năm thì việc giữ rừng sẽ được thuận lợi và chắc chắn biết bao nhiêu”, ông Cừ hy vọng.

Rồi không đợi mọi người chất vấn, ông Cừ bộc bạch luôn ý tưởng của mình. Mấy năm nhậm chức gánh trách nhiệm cũng cho ông Cừ thấy sự thiếu hụt nhân lực. Mỗi năm, biên chế cứ giảm đi mà công việc lại nặng nề hơn. “Muốn giữ rừng phải giữ tận gốc. Mà giữ tận gốc là cần có những chốt chặn giữa rừng để ngăn chặn có hiệu quả người vào ra rừng khai thác lâm sản”, ông Cừ bắt đầu chìm vào suy tính của mình.

19

Lực lượng bảo vệ rừng đang thiếu chế độ ưu đãi đặc thù khi làm nhiệm vụ ở rừng xa, núi thẳm. Ảnh: T.P

Hiển nhiên là vậy, rừng do BQLRPH Quảng Ninh quản lý có nhiều điểm cần có lực lượng chốt giữ. “Đó là các điểm Thác Cạn, sông Long Đại, khe Lồ Ô, Cầu Cạc, Lèn Ong... Nếu có lực lượng đủ mạnh chốt cứng các điểm này và một lực lượng cơ động nòng cốt hỗ trợ thì rừng được đảm bảo ổn”, ông Cừ nhìn nhận. Việc ước muốn có 2 tỷ đồng của ông Cừ là tự chủ hợp đồng với lực lượng bảo vệ rừng khoảng 20 người với mức lương khoảng 7 triệu đồng/tháng là hết gần 1,7 tỷ đồng. Số tiền còn lại để xây dựng cơ sở vật chất các trạm, chốt qua hàng năm. “Những năm trước có nguồn nên Ban được hợp đồng khoảng 15 người cho lực lượng bảo vệ rừng. Sau này, không có kinh phí nên phải chấm dứt hợp đồng”, ông Cừ nói thêm.

Ông Nguyễn Xuân Quế, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh, người có kinh nghiệm giữ rừng của lực lượng kiểm lâm Quảng Bình cũng ghi nhận những ước muốn của ông Cừ. Hơn ai hết, ông Quế là người thực tế và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Có như vậy, ông Quế mới đề nghị lập chốt Đá Trơn giữ rừng nhằm ổn định tình hình mất an ninh ở rừng đầu nguồn suối Lồ Ô đã phát huy hiệu quả. “Bài toán giữ rừng luôn có lời giải. Tiền hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ rừng không phải thiếu. Vấn đề là cần có cơ chế thực tế phù hợp với từng địa phương mà thôi”, ông Nguyễn Xuân Quế tự tin.

Cũng tương tự như huyện Quảng Ninh là huyện miền núi Minh Hóa. BQLRPH Minh Hóa quản lý bảo vệ gần 20 ngàn ha rừng tự nhiên. Hiện ban này có biên chế 24 viên chức sự nghiệp, trrong đó có 8 người làm công tác hành chính, còn 16 người thuộc lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.

Theo ông Đinh Thanh Xuân, Giám đốc BQLRPH Minh Hóa, rừng do Ban quản lý thuộc địa bàn hai xã miền núi, sát biên giới Việt - Lào gồm xã Trọng Hóa và Dân Hóa. Để giữ rừng, Ban thành lập hai trạm bảo vệ rừng ở bản Ka Ai (xã Dân Hóa), Ra Mai (xã Trọng Hóa) và một chốt ở bản Dộ (xã Trọng Hóa). “Tính ra, mỗi viên chức bảo vệ rừng phải đảm nhận hơn một ngàn ha rừng trên địa bàn xa xôi và hiểm trở. Mỗi tháng anh em phải đi tuần rừng 1 - 2 chuyến, mỗi chuyến phải mất 2 - 3 ngày nên việc ăn ngủ trong rừng thẳm với anh em gần như thường xuyên, liên tục”, ông Xuân cho hay.

Khi rừng bị mất, lực lượng bảo vệ rừng gánh trách nhiệm thật lớn. Ảnh: T.P

Khi rừng bị mất, lực lượng bảo vệ rừng gánh trách nhiệm rất lớn. Ảnh: TP.

Trước đây, huyện có kinh phí, Ban được hợp đồng bảo vệ rừng với khoảng 10 người ở địa phương nên lực lượng cũng đủ để bố trí trực ở những điểm xung yếu và thay nhau tuần rừng. Mấy năm gần đây, do không còn kinh phí nên Ban phải chấm dứt hợp đồng bảo vệ rừng. Mỗi năm, chi từ ngân sách cho Ban để trả lương, phụ cấp, chi khác khoảng 4,1 tỷ đồng. Ông Xuân ao ước: “Nếu có được hỗ trợ như các đơn vị khác 300 ngàn đồng/ha thì Ban sẽ nhận được khoảng 6 tỷ đồng mỗi năm. Nếu trừ đi tiền lương, phụ cấp thì còn lại khoảng 1,8 tỷ đồng. Số tiền này sử dụng vào hợp đồng bảo vệ rừng, tu sửa, mua sắm trang bị cho lực lượng và hỗ trợ nhiệm vụ tuần rừng cho anh em thì quá đỗi vui mừng. Rừng chắc chắn ổn định hơn, đời sống anh em bảo vệ rừng được cải thiện tốt và gắn bó thêm với nhiệm vụ”.

Xem thêm
Thủ tướng nêu 3 nhiệm vụ quan trọng trong quy hoạch tỉnh Lạng Sơn

Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát 3 nhiệm vụ hết sức quan trọng với Lạng Sơn trong thực hiện quy hoạch tỉnh.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tìm thấy thi thể 2 nạn nhân bị lật thuyền trên hồ thủy điện Sơn La

Chiều 22/4, Công an tỉnh Lai Châu cho biết, thi thể 2 nạn nhân trong vụ lật thuyền trên lòng hồ thủy điện Sơn La đã được tìm thấy.