Đầu năm 1972, chị Bùi Thị Thanh, thôn Đình Tổ, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) xây dựng gia đình với anh Phùng Văn Thư ở cùng địa phương. Cuối năm ấy, chị sinh một trai là Phùng Văn Quang. Khi chị Thư vừa sinh con thì chồng chị, anh Phùng Văn Thư lên đường nhập ngũ, vào chiến đấu ở chiến trường miền nam. Năm 1974, chiến sỹ Phùng Văn Thư hy sinh trong chiến đấu, được nhà nước công nhận là liệt sỹ.
Từ đó đến nay, chị Bùi Thị Thanh một mình thờ chồng nuôi con. Không có nhà ở, chị long đong bế con đi ở nhờ hết nơi này đến nơi nọ rồi về nương nhờ nhà mẹ đẻ. Năm 1994, thương hoàn cảnh của chị, trường THCS thị trấn Quốc Oai cho chị và vợ chồng anh Phùng Văn Quang ở nhờ trong một căn phòng có diện tích 9 m2 ở khu tập thể giáo viên Quán Du Nghệ. Từ đó đến nay, lần lượt 4 đứa cháu nội, con của Phùng Văn Quang, lần lượt ra đời, cháu lớn đã vào học năm đầu của một trường đại học, còn chị Bùi Thị Thanh, người phụ nữ xinh đẹp ngày nào, giờ đã trở thành một bà lão 70 tuổi có mái tóc bạc trắng. Nhưng hiện tại 6 con người, gồm 3 thế hệ, vẫn chen chúc trong căn phòng ở nhờ đó, dù đã cơi nới thêm được mấy mét vuông..
Nhiều năm nay, bà Bùi Thị Thanh nhiều lần có đơn xin UBND huyện Quốc Oai xem xét, bán cho gia đình bà một suất đất ở. Nhưng theo quy định của điều 118 luật đất đai năm 2013, thì ai muốn được giao quyền sử dụng đất bắt buộc phải qua hình thức đấu giá, nên đề nghị của bà chưa được giải quyết. Vào thăm gia đình bà ở căn phòng đang ở nhờ, chúng tôi không khỏi cảm thấy chạnh lòng trước cảnh ăn ở chật chội, bức bối. Đang là mùa thu, thời tiết bên ngoài rất mát mẻ nhưng trong nhà vẫn rất nóng nực. Thế này mà vào những ngày tháng 6 vừa qua, nắng đến nứt vàng vỡ đá, có ngày đến 38-39 độ, thì không biết còn nóng nực đến đâu.
Nghe chúng tôi hỏi vậy, bà Thanh cười buồn: -Thì cũng phải chịu vậy chứ còn biết làm sao. Những lô đất đấu giá làm đất ở thường có diện tích lớn, trên dưới 100 m2, có đường xá hoàn chỉnh, vị trí đẹp, nên giá sàn thường rất cao. Gia đình tôi không có điều kiện để tham gia đấu giá. Tôi chỉ mong nhà nước chiếu cố đến hoàn cảnh của gia đình tôi, có thể bán cho tôi bốn năm chục mét vuông đất ở, theo giá nhà nước quy định mà không phải qua đấu giá, để mẹ con, bà cháu tôi dúm lên và gian nhà cấp 4, kẻo đến cuối đời vẫn chịu cảnh ở nhờ.Theo chúng tôi được biết, thì khu tập thể giáo viên quán Du Nghệ, nơi gia đình bà Thanh sống nhờ từ năm 1994 đến nay, cũng sắp bị nhà nước thu hồi để làm khu du lịch sinh thái động Hoàng Xá. Nếu không có chỗ ở khác, thì mẹ con bà cháu bà Thanh không biết đi đâu.
Thông cảm với hoàn cảnh của bà Thanh, ngày 29/4/2016, UBND huyện Quốc Oai đã có công văn số 444/UBND-TNMT do chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Hồng Lâm ký, gửi UBND thành phố Hà Nội và Sở tài nguyên-môi trường TP Hà Nội. Công văn nêu rõ “theo quy định tại điều 118 luật đất đai năm 2013, việc giao đất ở tại nông thôn, đô thị cho hộ gia đình, cá nhân phải thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Do đó, việc bà Bùi Thị Thanh xin được giao đất ở không qua đấu giá chưa có cơ sở để giải quyết.
Nhưng để đảm bảo ổn định tình hình địa phương, thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa. Chăm lo cho hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng, UBND huyện Quốc Oai đề nghị UBND thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên-Môi trường xem xét, cho phép UBND huyện Quốc Oai thực hiện cơ chế đặc thù, giao một suất đất ở có diện tích độ 40 m2 thuộc khu đất dãn cư thôn Du Nghệ cũ, thị trấn Quốc Oai, không qua đấu giá quyền sử dụng đất cho hộ gia đình bà Bùi Thị Thanh, hiện đang trú tại tổ dân phố Du Nghệ, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai”.
Thiết nghĩ, ý kiến của UBNND huyện Quốc Oai nêu trong công văn số 444/UBND-TNMT nói trên là hợp tình hợp lý.