| Hotline: 0983.970.780

Khai thác tiềm năng trở thành tài năng mỗi người

Thứ Năm 07/11/2024 , 10:25 (GMT+7)

Khai thác tiềm năng mỗi người để phát triển thành tài năng cá nhân phục vụ cộng đồng, không thể trông cậy vào may rủi, mà phải có lộ trình khoa học.

Giáo sư Adam Grant.

Giáo sư Adam Grant.

Khai thác tiềm năng tối đa được xem như một giá trị của con người hiện đại. Thế nhưng, từ tiềm năng đến tài năng luôn có một khoảng cách nhất định. Giáo sư Adam Grant, một nhà tâm lý học nổi tiếng của Mỹ, cho rằng việc tán dương những thiên tài bẩm sinh sẽ khiến chúng ta dễ dàng bỏ qua những tiềm năng còn đang bị lẩn khuất.

Trong cuốn sách “Hidden Potential” (bản dịch tiếng Việt có tên là “Biến tiềm năng thành tài năng”) được đón nhận ở hàng chục quốc gia trên thế giới, giáo sư Adam Grant khẳng định khai thác tiềm năng con người là một quá trình rèn luyện.

Trong một nghiên cứu đi tìm nguồn gốc của những tài năng xuất chúng, giáo sư Adam Grant và các cộng sự  đã tiến hành phỏng vấn hơn 100 nhân vật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nhạc sĩ, nghệ sĩ cho đến nhà khoa học, vận động viên đẳng cấp thế giới. Đồng thời, họ cũng phỏng vấn cả cha mẹ, giáo viên và huấn luyện viên của đối tượng được chọn. Kết quả thật sửng sốt, chỉ có một số ít trong nhóm những người đạt thành tích cao này là thần đồng. Thậm chí, một số người còn chưa bao giờ được giáo viên công nhận có khả năng đặc biệt hay nổi trội hơn bạn bè đồng trang lứa.

Suốt một thời gian dài, chúng ta vẫn nghĩ rằng những tố chất vĩ đại của con người là bẩm sinh chứ chẳng phải thứ được trau dồi. Vì thế chúng ta thường có xu hướng tôn vinh những học sinh có năng khiếu ở trường, những vận động viên có tài năng thiên phú, hoặc những thần đồng âm nhạc hiển lộ từ sớm. Giáo sư Adam Grant đã lật ngược ván bài và chứng minh, dẫu không phải thần đồng thì chúng ta vẫn có thể đạt được những điều vĩ đại.

Khi đánh giá tiềm năng, chúng ta mắc sai lầm chủ yếu khi tập trung vào điểm xuất phát – vào những khả năng có thể nhìn thấy tức thì. Trong một thế giới bị ám ảnh bởi tài năng bẩm sinh, chúng ta cứ cho rằng những người hứa hẹn nhất là những người nổi bật ngay lúc này. Thế nhưng những người đạt thành tích cao vốn có sự khác biệt rất lớn trong việc thể hiện những năng khiếu ban đầu, nghĩa là tính hiệu quả của khai thác tiềm năng. Nếu không biết khai thác tiềm năng thì mãi mãi không có tài năng.

Khai thác tiềm năng không chỉ đòi hỏi tư duy mà còn cần nhiều thứ khác, trong đó có kỹ năng nhân cách, một thứ cực kỳ quan trọng nhưng thường bị lãng quên. Từng có thời gian, những kỹ năng nhân cách như tính chủ động, lòng quyết tâm, sự tò mò… bị xem nhẹ và được coi là những “kỹ năng mềm”. Theo giáo sư Adam Grant, chính những kỹ năng nhân cách sẽ quyết định các con người xử lý mọi vấn đề trong cuộc sống, cũng là thứ giúp chúng ta sống đúng với những nguyên tắc và giá trị của mình.

Những kỹ năng nhân cách có thể làm bệ phóng cho con người vươn lên những tầm cao hơn. Nếu cơ hội không mở cửa, con người vẫn có thể tự mở cho mình một cánh cửa thông qua việc học hỏi và lòng can đảm để vượt qua vùng an toàn, có khả năng chịu được sự va vấp, có năng lực tiếp thu những thông tin đúng đắn, đồng thời phải biết thoải mái với chủ nghĩa không hoàn hảo. Những người chấp nhận được cảm giác khó chịu và dám mắc sai lầm thường định vị được tài năng cá nhân.

Nhìn chung, ngay cả khi sở hữu những kỹ năng nhân cách mạnh mẽ, thì không phải ai cũng có thể tránh khỏi tình trạng kiệt sức, nghi ngờ hoặc rơi vào trạng thái trì trệ. Lúc ấy, có thể bạn nghĩ rằng mình đã sa lầy hay đã thất bại, mà ít khi biết rằng “sự tiến bộ không chỉ nằm trong những đỉnh cao bạn chinh phục được, mà còn hiện hữu trong những thung lũng bạn đã vượt qua.

Để khai thác tiềm năng đạt được những điều lớn lao hơn, chúng ta cần tạo ra cơ hội trên quy mô lớn hơn cho những người yếu thế và những người thành công muộn. Bởi lẽ, chính những cánh cửa đáng lý phải mở ra cho những người có tiềm năng to lớn lại thường bị đóng chặt vì một vài lý do bảo thủ và trì trệ.

Cuốn sách 'Biến tiềm năng thành tài năng' được phát hành tại Việt Nam.

Cuốn sách "Biến tiềm năng thành tài năng" được phát hành tại Việt Nam.

Nhà kinh tế học Raj Chetty và các đồng nghiệp của ông đã tìm hiểu về cách thức cơ hội định hình những ai sẽ trở thành người đem lại sự đổi mới. Khi liên kết các tờ khai thuế thu nhập liên bang với hồ sơ bằng sáng chế của hơn một triệu người Mỹ, họ đã tìm thấy một kết quả đáng suy ngẫm. Những người thuộc nhóm 1% gia đình có thu nhập cao nhất có khả năng trở thành nhà phát minh cao gấp mười lần so với những người thuộc các gia đình có thu nhập dưới mức trung bình. Nói cách khác, nếu lớn lên trong gia đình giàu có, khả năng bạn được cấp bằng sáng chế là 8/1.000. Nếu bạn lớn lên trong gia đình nghèo khó, khả năng đó giảm xuống còn 8/10.000.

Giáo sư Adam Grant nhận định: “Khi nghĩ thiên tài là những người có khả năng phi thường, chúng ta đã bỏ qua tầm quan trọng của hoàn cảnh sống đối với việc hình thành nên con người họ. Khi có ý tưởng, trẻ em trong một gia đình sung túc sẽ bắt tay vào thực hiện ý tưởng. Một số người kém may mắn hơn có thể là những Einstein không gặp thời: họ có thể trở thành những nhà tiên phong vĩ đại nếu như có cơ hội”.

Chúng ta có thể thấy một câu chuyện hy hữu về một cá nhân tạo được sự đột phá sau khi bị đánh giá thấp hoặc bị coi thường. Tuy nhiên, vẫn còn có hàng ngàn, ngàn triệu tiềm năng bị chôn vùi chưa từng được cơ hội gõ cửa để vươn lên. Vì vậy, xã hội cần nới rộng cánh cửa cơ hội và giải phóng những tiềm năng đang ẩn giấu trong cộng đồng.

Nếu được thiết kế đúng cách, các hệ thống tuyển sinh và tuyển dụng dễ dàng nhận ra giá trị khai thác tiềm năng của những nhân tài “nở muộn”, những người có triển vọng đường dài. Các hệ thống tổ chức và đội nhóm có thể nhận ra rằng những ý tưởng hay, không chỉ đến từ cấp trên mà còn có thể xuất phát từ các thành viên cấp dưới. Và các hệ thống giáo dục có thể mang đến cho những trẻ em xuất phát chậm một cơ hội chiến đấu để tiến lên phía trước. Khi ấy, chúng ta sẽ giảm thiểu nguy cơ mất đi những tài năng đích thực thúc đẩy tiến bộ chung.

Xem thêm
Chuyện ly hôn: Hành trình vượt qua đau thương

Ly hôn - hai chữ tưởng chừng đơn giản nhưng lại chất chứa biết bao đau thương và mất mát.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?