Từ xưa, thôn Quán, xã Hồng Việt, Đông Hưng (Thái Bình) đã có nghề trồng hoa, cây cảnh các loại. Nhưng do sự biến đổi thăng trầm của lịch sử đất nước, nghề trồng hoa, cây cảnh ở đây đã bị mai một. Chỉ từ sau nước ta xóa bỏ bao cấp kinh tế, chuyển sang hoạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, nghề trồng hoa, cây cảnh ở thôn Quán trở thành hàng hóa có giá trị và từng bước được phục hồi.
Thoạt đầu, chỉ có một số hộ gieo trồng nhỏ lẻ hoa, cây cảnh để chơi trong gia đình và cho, tặng thân nhân gần, xa. Dần dần, đã có nhiều khách thập phương tìm đến địa phương hỏi mua hoa, cây cảnh các loại.
Ông Nguyễn Văn Nhiên, Trưởng thôn Quán cho biết: Hầu hết diện tích lúa của thôn trước đây đều đã chuyển sang trồng hoa, cây cảnh. Bình quân mỗi hộ trồng 3 - 5 sào hoa, cây cảnh các loại, nhiều hộ trồng tới 1 ha. Chủng loại hoa, cây cảnh chính làm ra từ địa phương bao gồm mộc hương, ngâu, mẫu đơn, bạch thiên hương, nguyệt quế, dạ minh châu, nhài Nhật Bản, mai Vạn Phúc, cúc mâm xôi, đào phai, quất cảnh, cần thăng, thược dược, hồng cổ Sa Pa, hoa giấy, sung cảnh, tùng bách tán, cau Ha Oai, đồng tiền lùn, hoa hòe nếp…
Sản phẩm cung ứng cho các nhà vườn khắp các địa phương miền Bắc như Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên... Thu nhập trung bình trên 1 sào (360m2) canh tác hoa, cây cảnh đạt 30 - 50 triệu đồng (tùy loại), cao gấp 12 - 20 lần canh tác lúa cùng chân ruộng.
Nét mới trong sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh ở thôn Quán hiện nay là không sản xuất thành phẩm. Cơ bản chỉ gieo, chiết hoặc giâm cành và trồng ra các cây phôi 6 tháng đến 1 năm tuổi, sau xuất bán cho các nhà vườn chăm sóc tới cây thương phẩm, cung ứng đến tay người tiêu dùng.
Bên cạnh sản xuất các loại hoa, cây cảnh truyền thống sẵn có tại địa phương, nhà nông còn chọn trồng thêm nhiều giống hoa và cây cảnh mới ở trong nước và nhập nội như hồng cổ ở Sa Pa (Lào Cai), mai Vạn Phúc (Hà Nội), mẫu đơn vàng Thái Lan, mẫu đơn đỏ Mỹ, cau lùn Ha Oai, nhài Nhật Bản… Qua đó đã thúc đẩy sự phân công lại lao động theo hướng chuyên canh từng phân đoạn sản xuất (chuyên làm cây phôi). Đồng thời, tạo sự kết nối chặt chẽ hơn giữa làng nghề với chuỗi giá trị hoa, cây cảnh toàn quốc. Bên cạnh đó, còn tạo sự phong phú, đa dạng hoa, cây cảnh trên địa bàn, giúp các hộ trồng, kinh doanh rút ngắn thời gian quay vòng vốn đầu tư, nhanh cho thu nhập.
Vào thăm nhà vườn Mai An trồng 0,5 ha hoa, cây cảnh, chị An, chủ nhà vườn cho biết mỗi năm thu được hơn 400 triệu đồng, đã trừ hết chi phí vật tư sản xuất đầu vào. Chị An phấn khởi khoe, nhờ chuyển hết ruộng sang trồng hoa, cây cảnh từ năm 2015, nên đời sống gia đình chị lúc nào sung túc, không phải “giật gấu vá vai” như khi còn gieo cấy lúa.
So với trồng lúa, trồng hoa, cây cảnh không chịu áp lực thời vụ, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ít rủi ro thiên tai, dịch bệnh, mất mùa.
Nhà vườn Tuyền Hiên chỉ có 2 vợ chồng đã hết tuổi lao động vẫn giâm trồng được 5 sào hoa, cây cảnh, thu nhập ngót 200 triệu đồng mỗi năm. Bà Hiên kể, từ sau chuyển sang trồng hoa, cây cảnh, ông bà lúc nào cũng có tiền tiêu rủng rỉnh. Nếu cấy lúa, thu hoạch rồi bán đi trả thuê công lao động là gần hết, vì vợ chồng già không thể làm đất, cấy gặt, phun thuốc sâu, trừ cỏ như các thanh niên.
“Trồng hoa, cây cảnh cũng phải thuê một số công lao động nặng nhọc, nhưng sau cân đối thu, chi vẫn cho lãi gấp 15 lần canh tác lúa”, bà Hiên cho biết.
Nhà vườn Đoàn Nhuần trồng hơn 1ha hoa, cây cảnh, đã cho thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng, tùy năm. Vừa hướng dẫn chúng tôi đi thăm vườn, chị Nhuần vừa chỉ tay xuống những luống cây sắp xuất bán.
"Trông thế thôi chứ để làm ra những loại hoa, cây cảnh này cũng phải trải qua khá nhiều công đoạn như gieo hạt, chiết hoặc cắt cành giâm trong bầu túi nilon, xếp các bầu cây vào vườn ươm có mái lưới đen che mưa và tiết giảm ánh sáng, khi cây sống thành thục mới bứng trồng thưa ra ngoài ruộng. Ruộng vườn cũng phải làm đất, lên luống, phủ rơm rạ giữ ẩm, ngăn cỏ dại, chống xói mòn. Thỉnh thoảng còn phải bổ sung thêm đất ải cho tăng độ màu mỡ đồng ruộng và giảm thiểu sâu bệnh hại", chị Nhuần cho biết.
“Hiệu quả sản xuất hoa, cây cảnh luôn đạt cao và ổn định. Sản phẩm làm ra bán không hết năm nay thì chờ bán năm sau, càng để cây đến 2 - 3 năm tuổi càng có giá. Nhờ vậy tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của thôn chỉ còn 3,4%. Phong trào trồng hoa, cây cảnh đã lang rộng sang thôn Đoài và thôn Đông (cùng xã), tổng diện tích ước gần 100 ha”, ông Nguyễn Văn Nhiên, Trưởng thôn Quán chia sẻ.