| Hotline: 0983.970.780

Liên kết lớn để sản xuất bền vững

Khánh Hòa nhân rộng mô hình chuỗi liên kết

Thứ Hai 14/06/2021 , 10:23 (GMT+7)

Khánh Hòa vừa phê duyệt đề án phát triển, nhân rộng mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Khánh Hòa đã triển khai thành công nhiều mô hình chuỗi liên kết nông thủy sản. Ảnh: KS.

Thời gian qua, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Khánh Hòa đã triển khai thành công nhiều mô hình chuỗi liên kết nông thủy sản. Ảnh: KS.

Hiệu quả tích cực

Khánh Hòa có nhiều sản phẩm chủ lực nông, thủy sản như: sầu riêng, bưởi da xanh, xoài, tỏi, mía tím và mía nguyên liệu, tôm hùm, ốc hương, cá biển các loại…

Theo đó, hiện toàn tỉnh có 1.866ha sầu riêng chủ yếu ở Khánh Sơn; 8.466ha xoài, tập trung chủ yếu ở Cam Lâm, Cam Ranh; 1.451ha bưởi da xanh chủ yếu ở Khánh Vĩnh và 10.000ha mía ở Ninh Hoà, tỏi ở Vạn Ninh.

Đối với thủy hải sản, nuôi tôm hùm trên 54.000 ô lồng, tổng sản lượng 1.200 tấn/năm; ốc hương diện tích 404ha, sản lượng 2.000 tấn/năm. Còn tôm thẻ với diện tích khoảng 862 ha, sản lượng gần 3.000 tấn/năm.

Theo ông Chu Đức Hùng, Trưởng phòng Chế biến thương mại nông thủy sản, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Khánh Hòa, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng từ năm 2013 đến nay, Chi cục đã triển khai thành công 9 mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông, thủy sản an toàn theo VietGAP.

Cụ thể, mô hình chuỗi cung cấp rau an toàn theo VietGAP tại Tổ hợp tác rau an toàn Đắc Lộc, xã Vĩnh Phương (TP Nha Trang), với sản lượng 19,5 tấn/năm và mô hình chuỗi cung cấp rau an toàn theo VietGAP tại Hợp tác xã rau Ninh Đông (TX Ninh Hòa) với sản lượng 250 tấn/năm.

Mô hình chuỗi cung cấp trái cây tại Tổ hợp tác sản xuất trái cây an toàn Khánh Vĩnh, với 1.500 tấn/năm gồm xoài, sầu riêng, bưởi da xanh. Mô hình chuỗi cung cấp tỏi an toàn VietGAP tại các Hợp tác xã tỏi Vạn Hưng (Vạn Ninh), Ninh Vân (TX Ninh Hòa) và Tổ liên kết tỏi Ninh Phước (Ninh Hòa), với tổng sản lượng gần 290 tấn tỏi khô/năm.

Mô hình chuỗi cung cấp sầu riêng an toàn VietGAP tại Hợp tác xã cây ăn quả Sơn Bình (Khánh Sơn), với tổng sản lượng 1.055 tấn/năm. Mô hình chuỗi cung cấp thịt lợn an toàn theo VietGAP tại Công ty TNHH SX TM Cường Long Phát (Diên Khánh) với sản lượng 360 tấn/năm.

Mô hình cung cấp thịt gà an toàn tại hộ kinh doanh cơ sở giết mổ Hiến Gà (TP Cam Ranh), với 30 tấn/năm. Mô hình chuỗi cung cấp xoài an toàn VietGAP ở huyện Cam Lâm gồm Công ty TNHH MTV Khánh Hòa Food và các Tổ liên kết trồng xoài Cam Hải Tây-Cam Đức, Cam Hiệp Bắc và Cam Hiệp Nam; với tổng sản lượng hơn 321 tấn xoài tươi/năm.

Mô hình chuỗi cung cấp tôm hùm, ốc hương, tôm thẻ an toàn VietGAP tại huyện Vạn Ninh, TP. Cam Ranh, TP. Nha Trang và TX Ninh Hòa, với tổng diện tích được chứng nhận lần lượt 2.400 ô lồng, 87ha và 8.95ha.

Sầu Riêng Khánh Hòa cũng được Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Khánh Hòa triển khai xây dựng mô hình sản xuất tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: KS.

Sầu Riêng Khánh Hòa cũng được Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Khánh Hòa triển khai xây dựng mô hình sản xuất tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: KS.

Theo ông Hùng, đối với các sản phẩm như rau, trái cây được đơn vị xây dựng chuỗi ngắn từ sản xuất, sơ chế đến tiêu thụ ngay. Một số sản phẩm đã bán tại một số siêu thị trên địa bàn hay được một số các doanh nghiệp thu mua. Còn các sản phẩm thịt gà, thịt heo được đơn vị xây dựng chuỗi dài từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ.

Như chuỗi thịt heo của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Cường Long Phát vừa nuôi, vừa giết mổ, chế biến đến phân phối tiêu thụ. Các sản phẩm doanh nghiệp này không chỉ cung ứng người tiêu dùng thông qua các cửa hàng của họ, mà còn phân phối cho một số các hộ sản xuất nem chua, chả lụa trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các mô hình đã giúp nâng cao thu nhập cho nông dân, bước đầu tạo thuận lợi cho các hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp cận thị trường, mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm, góp phần xây dựng quy trình sản xuất, tiêu thụ nông sản chủ lực tại địa phương theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường.

Phát triển 6 mô hình chuỗi

Cũng theo ông Hùng, mặc dù bước đầu các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, tỷ lệ diện tích được chứng nhận VietGAP rất thấp so với diện tích sản xuất thực tế hiện nay tại các địa phương. Do đó rất khó để đáp ứng yêu cầu của một số doanh nghiệp thu mua có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm đảm bảo an toàn với số lượng lớn.

Một số sản phẩm nông nghiệp sản xuất tiêu chuẩn VietGAP đã vào siêu thị. Ảnh: KS.

Một số sản phẩm nông nghiệp sản xuất tiêu chuẩn VietGAP đã vào siêu thị. Ảnh: KS.

Bên cạnh đó, mặc dù các sản phẩm chứng nhận VietGAP đã được tiêu thụ tại một số siêu thị như Co.opmark, BigC (nay siêu thị GO)…song với số lượng rất hạn chế, cũng như sản lượng tiêu thụ thông qua liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã rất ít. Thêm vào đó các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã được chứng nhận vẫn gặp nhiều khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Có thể nói đầu ra cho các sản phẩm nông sản được chứng nhận VietGAP thiếu tính ổn định.

Nhằm đẩy mạnh chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông, thủy sản giữa người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, qua đó khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nâng cao sản lượng và chất lượng, tăng thu nhập cho người dân, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp, mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định phê duyệt đề án phát triển, nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Khánh Hòa sẽ phát triển 6 mô hình chuỗi cung cấp các thực phẩm như: rau, củ, quả; xoài, bưởi da xanh, sầu riêng, mía, thịt lợn. Mục tiêu cụ thể của đề án là phát triển, nhân rộng các mô hình chuỗi cung cấp nông, lâm, thủy sản an toàn theo hướng mỗi chuỗi có ít nhất 1 doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Đến năm 2025, các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh gồm: Sầu riêng, bưởi da xanh, xoài, tỏi, các loài thủy sản nuôi được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi từ khâu sản xuất ban đầu đến thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ, có đầu ra ổn định và hướng đến xuất khẩu bền vững.

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Nuôi lợn nông hộ có thêm phao nhờ vacxin ASF: Còn nước còn tát không ngờ vớ được 'bí kíp'

HÀ NỘI Tháng 3/2024, những hộ nuôi lợn tại thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh (Hà Nội) đều mất trắng, chỉ sót lại đúng trại của gia đình anh Hoàng Văn Chuyển.

Trồng thành công giống sâm quý trên núi Kim Nọi

YÊN BÁI Mô hình trồng sâm Ngọc Linh và một số cây dược liệu ở Mù Cang Chải thành công bước đầu đang mở ra hi vọng tạo sinh kế mới cho người dân vùng cao.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.