| Hotline: 0983.970.780

Khánh Hòa thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở

Thứ Tư 24/05/2023 , 16:29 (GMT+7)

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh cùng Phó Chủ tỉnh và các sở ngành tỉnh Khánh Hòa đã thả những con tôm hùm, cá biển đầu tiên tại vùng biển hở.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh (áo xanh bên phải) phát động chương trình nuôi biển công nghệ cao ở vùng biển hở. Ảnh: KS

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh (áo xanh bên phải) phát động chương trình nuôi biển công nghệ cao ở vùng biển hở. Ảnh: KS

"Một bước đi nhỏ để tiến ra biển lớn"

Đó là chia sẻ của Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh tại lễ phát động phát động chương trình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Lễ phát động do UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup tổ chức tại vùng nuôi trồng thủy sản phường Cam Lập, TP Cam Ranh vào ngày 24/5.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, buổi phát động nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở là bước để cụ thể hóa Nghị Quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như Nghị Quyết số 42/NQ-CP ngày 21/3/2022 của Chính phủ và Nghị quyết 55 của Quốc hội về chế đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa trong đó có nêu rõ phát triển bền vững kinh tế biển. Trong nội dung phát triển kinh tế biển có định hướng phát triển nuôi biển công nghệ cao.

Mặt khác, trong các Nghị quyết của Trung ương cũng nêu rất rõ giao cho tỉnh Khánh Hòa xây dựng đề án thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Hiện đề án này đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa thông qua và UBND tỉnh đã gửi xin ý kiến Bộ ngành để chuẩn bị báo cáo trình Chính phủ phê duyệt.

Lồng nuôi HDPE thủy sản vùng biển hở ở TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Lồng nuôi HDPE thủy sản vùng biển hở ở TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Được biết, cùng với việc xây dựng đề án, trong suốt 1 năm qua, tỉnh Khánh Hòa cùng với đơn vị tư vấn là Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã nghiên cứu những mô hình lồng bè theo công nghệ cao, phương thức nuôi hiện đại để thí điểm ngay.

“Hôm nay, chúng tôi rất vui mừng khi triển khai các mô hình thí điểm và mong rằng sẽ thành công để mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nuôi trồng thủy sản trên biển thuộc địa bàn tỉnh. Nếu thành công sẽ có ý nghĩa rất lớn để lan tỏa ra cả nước”, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa bày tỏ và cũng xác định, việc càng ra vùng biển xa bờ thì rủi ro, thách thức càng lớn trong việc nuôi trồng thủy sản. Nhưng mọi việc chỉ mới là bước đầu, đã thí điểm có thể thành công hoặc không thành công nhưng nếu không làm sẽ không biết bao giờ chúng ta mới thành công được.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, trong đề án thí điểm nuôi biển công nghệ cao, tỉnh đã hoàn tất việc khảo sát và xây dựng được quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản. Khi đề án được phê duyệt thông qua, tỉnh sẽ quy hoạch lại vùng nuôi trồng thủy sản để đưa bà con vào vùng nuôi quy hoạch này.

Ứng dụng công nghệ mới vào nuôi biển

Tại lễ phát động chương trình, Sở NN-PTNT Khánh Hòa phối hợp với Quỹ Thiện Tâm, UBND TP Cam Ranh chính thức hạ thủy, triển khai mô hình nuôi biển bằng lồng HDPE trên vùng biển hở đầu tiên tại xã Cam Lập, TP Cam Ranh.

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam thả những con tôm đầu tiên ở vùng biển hở. Ảnh: KS.

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam thả những con tôm đầu tiên ở vùng biển hở. Ảnh: KS.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam cùng lãnh đạo các Sở ban ngành đã thả những con tôm hùm, cá biển vào những lồng HDPE hiện đại của 3 hộ nuôi đầu tiên tiên phong.

Theo quan sát chúng tôi, những lồng HDPE rất chắc chắn, các khung lồng đã được nghiên cứu phù hợp vùng biển hở. Trong đó, lồng nuôi tôm hùm có kích thước 4mx4m, nuôi 2 tầng thành 12 ô lồng nên vừa giảm diện tích vùng nuôi, vừa tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích.

Còn đối với nuôi cá biển được thả trong những lồng tròn, đường kính 10m, thể tích 800m3/lồng. Các lồng nuôi đều có hệ thống camera giám sát dưới nước, hệ thống định vị trên biển, giám sát từ xa 24/7 trên mọi thiết bị điện tử. Cùng với đó các mô hình nuôi đều trang bị máy cho ăn tự động, tiến tới nuôi công nghiệp.

Lồng nuôi chắc chắn và lắp hệ thống camera giám sát nên ngư dân ở trên bờ có thể theo dõi, quan sát. Ảnh: KS.

Lồng nuôi chắc chắn và lắp hệ thống camera giám sát nên ngư dân ở trên bờ có thể theo dõi, quan sát. Ảnh: KS.

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, thời gian qua, hầu hết bà con nuôi trồng thủy sản chủ yếu ven bờ ở vùng biển kín, phương thức nuôi theo kiểu truyền thống, lồng bè bằng gỗ, tre, sử dụng thức ăn tươi, nguy cơ ô nhiễm môi trường là rất lớn nhưng hiệu quả không cao.

Hơn nữa, sức chống chịu các lồng bè gỗ truyền thống với gió bão rất hạn chế. Trong khi đó, thời thiết ngày càng bất thường, gia tăng, khi bão vào lồng bè dễ bị đánh tan tành.

Đối với công nghệ nuôi thủy sản bằng lồng HDPE hiện có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng, qua các trận bão lớn đều vững chãi, an toàn. Do đó, địa phương rất tin tưởng đối với công nghệ nuôi lồng này. Hiện sản phẩm lồng nuôi HDPE hoàn toàn của doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, không chỉ áp dụng công nghệ nước ngoài mà còn phù hợp với thực tế của chúng ta.

Với mô hình thí điểm này, Bí thư cho biết thêm, sẽ hoàn thiện dần từ lồng bè đến cách nuôi, phương thức nuôi để làm sao đạt hiểu quả cao nhất. Nếu làm được điều này tỉnh sẽ dần dần tiến tới bước xa hơn, nuôi biển xa hơn đó là nuôi biển theo hướng công nghiệp, tạo ra hiệu quả lớn và thật sự trở thành ngành kinh tế lớn của Việt Nam.

Được biết, chương trình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ có kế hoạch hỗ trợ 10 hộ dân tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào nuôi biển. Các hộ dân này sẽ được Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ về mặt tài chính với hình thức đối ứng theo tỷ lệ phù hợp để triển mô hình.

Ông Nguyễn Hải Ninh cho biết, sau khi có Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành chương trình hành động số 30, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2030 sẽ chuyển đổi toàn bộ lồng bè truyền thống sang lồng HDPE và nuôi theo phương thức mới hiện đại hơn, bền vững hơn. Tuy nhiên để làm được điều này, trước mắt phải làm thí điểm để bà con thấy lợi ích của chuyển đổi và vận động bà con ra vùng biển hở để chứng minh rằng mô hình có hiệu quả để bà con nhân rộng.

Nhân dịp này, chúng tôi cảm ơn Quỹ Thiện Tâm đã tài trợ cho tỉnh Khánh Hòa xây dựng đề án thí điểm công nghệ cao cũng như triển khai mô hình này. Đây là hành động rất ý nghĩa của Vingroup đối với sự phát triển bền vững của tỉnh Khánh Hòa. Bên cạnh Quỹ Thiện Tâm, những nhà khoa học của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, đơn vị tư vấn rất có kinh nghiệm, năng lực để triển khai đề án. Các sở ngành tỉnh, bà con ngư dân và chính quyền địa phương cũng đã nỗ lực phối hợp triển khai. Tuy nhiên để mô hình thí diểm này thành công và áp dụng rộng rãi, chúng ta cần triển khai nhiều giải pháp nữa như cho vay lãi suất thấp, hỗ trợ về mặt bảo hiểm, cũng như tiếp tục tiến tới mô hình nuôi bằng thức ăn công nghiệp không gây ô nhiễm môi trường.

Xem thêm
Hướng đến nuôi trồng thủy sản bền vững: [Bài 3] Sắp xếp lại lồng bè

Các tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa sẽ bố trí, sắp xếp lại lồng bè, lập đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản để người dân yên tâm sản xuất.

Cảng cá sửa chữa kéo dài, ngư dân Quảng Bình đôn đáo tìm nơi cập bến

QUẢNG BÌNH Hiện chỉ còn cảng cá Nhật Lệ phục vụ nên tàu của cá ngư dân Quảng Bình phải ‘tăng bo’ đến các cảng cá tỉnh bạn để bốc dỡ hàng…

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển