| Hotline: 0983.970.780

Khánh Hòa: Thúc đẩy tái đàn lợn theo hướng an toàn sinh học

Thứ Năm 21/05/2020 , 08:10 (GMT+7)

Khánh Hòa đang hướng dẫn người chăn nuôi đẩy mạnh việc tái đàn, tăng đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Lợn giống hiện rất khan hiếm, đã ảnh hưởng đến công tác tái đàn lợn. Ảnh: Kim Sơn.

Lợn giống hiện rất khan hiếm, đã ảnh hưởng đến công tác tái đàn lợn. Ảnh: Kim Sơn.

Đó là chia của ông Lê Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa với Báo NNVN, nhằm thúc đẩy tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cung ứng thịt lợn cho thị trường.

Các hộ chăn nuôi rục rịch tái đàn

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa, tính đến cuối tháng 3/2020, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh là khoảng 249.250 con, bằng gần 95% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) vào tháng 12/2018.

Về điều kiện tái đàn trên địa bàn tỉnh cơ bản là đảm bảo, bởi từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình bệnh DTLCP đã được kiểm soát. Hầu hết các địa phương của Khánh Hòa qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới.

Đối với hệ thống trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đảm bảo an toàn sinh học như các trang trại của Công ty CP Chăn nuôi Khánh Tân – Ninh Hòa, Công ty TNHH Chăn nuôi Nhật Minh – Diên Khánh…và trang trại gia công cho các công ty chăn nuôi lớn, như Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty TNHH CJ VINA AGRI vẫn đầu tư theo kế hoạch sản xuất chăn nuôi lợn tại địa phương.

Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa thực hiện bắt tay vào tái đàn do hầu hết chưa bảo đảm đủ điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học. Mặt khác khi bị DTLCP, trên 2.200 con nái trong các nông hộ buộc tiêu hủy nên nguồn cung cấp lợn giống cho người nuôi gặp khó khăn.

Về vấn đề trên, ông Nguyễn Tư Quân, chủ một trại lợn khá lớn ở xã Suối Tân, huyện Cam Lâm xác nhận và cho biết, như trại lợn của ông trước khi chưa xảy ra bệnh DTLCP, luôn duy trì khoảng 60 nái và 400 lợn thịt. Mỗi năm, đàn lợn nái đẻ 2 lứa từ 900-950 con giống. Số lợn giống này đa phần ông để lại nuôi thành lợn thịt rồi xuất bán.

Sau khi trừ chi phí mỗi năm ông kiếm được lợi nhuận từ 300-400 triệu đồng. Thế nhưng không may, vào tháng 10/2019, đàn lợn nhà ông bị dính DTLCP nên toàn bộ đàn lợn bị tiêu hủy và đến nay vẫn chưa tìm được nguồn giống để tái đàn.

“Nguyên nhân là nguồn giống khan hiếm và đắt đỏ. Ví dụ, lợn giống trọng lượng từ 7-8kg mỗi con dao động từ 2-2,2 triệu đồng, trong khi trước đây chỉ từ 800-900.000 đồng/con”, ông Quân nói và cho biết thêm, không chỉ gia đình ông bỏ chuồng trống chưa tái nuôi lợn trở lại, mà khoảng 80- 85% số hộ chăn nuôi trên địa bàn xã cũng lâm vào cảnh tương tự.

Một hộ chăn nuôi heo ở xã Cam Hiệp Bắc (Cam Lâm) với quy mô nuôi khoảng 50 con cũng đang có ý định tán đàn cho biết, gần 1 tháng nay, ông đến các cơ sở hỏi mua lợn giống nhưng chẳng ai bán, mà chỉ mua được vài con ở những hộ nuôi thân quen, nhỏ lẻ. Thế nhưng giá giống rất đắt và ông chỉ mua được lợn giống loại 10kg, bán với giá 2,7 triệu đồng/con, cao hơn gấp đôi so với bình thường.

Chỉ nên tái đàn khi đủ điều kiện

Ông Lê Thắng cho biết, để thúc đẩy tái đàn lợn theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo cung ứng cho thị trường, hiện địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp.

Khánh Hòa đang hướng dẫn người nuôi tái đàn theo hướng an toàn sinh học. Ảnh: Kim Sơ.

Khánh Hòa đang hướng dẫn người nuôi tái đàn theo hướng an toàn sinh học. Ảnh: Kim Sơ.

Trong đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã hướng dẫn và tạo điều kiện cho người chăn nuôi đẩy mạnh việc tái đàn, tăng đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh đúng với hướng dẫn của Bộ NN-PTNT tại Công văn số 1965/BNN-TY ngày 18/3/2020; công văn số 5329/BNN-CN ngày 25/7/2019, Công văn số 13/BCĐDTLCP ngày 19/12/2019.

Đó là áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp tổng cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chât, vôi bột; nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi để áp dụng có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học.

Đảm bảo yêu cầu về con giống sạch bệnh, thức ăn và nước uống an toàn; Thực hiện tốt quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng; Kiểm soát vệ sinh chăn nuôi và kiểm soát người ngoài ra, vào trại; Kiểm soát tốt phương tiện vận chuyển, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi. 

Đồng thời xử lý tốt chất thải chăn nuôi, kiểm soát môi trường chăn nuôi; tiêm phòng đầy đủ các loại dịch bệnh thông thường. Vệ sinh sát trùng định kỳ chuồng trại và sử dụng các chế phẩm hỗ trợ trong chăn nuôi....

Bên cạnh đó, Chi cục còn hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch là chính; áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động vệ sinh, sát trùng phòng dịch; rà soát, kịp thời tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi, phòng các bệnh truyền nhiễm theo quy định, nhất là tại các khu vực có ổ dịch cũ, các địa bàn có nguy cơ cao.

Tăng cường công tác chủ động giám sát dịch bệnh, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện.

Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây thiệt hại về kinh tế. Xây dựng và trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2020; Ra thông báo kế hoạch tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm năm 2020 làm cơ sở cho người chăn nuôi tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc…

“Chúng tôi cũng khuyến cáo người chăn nuôi không nên tái đàn một cách ồ ạt mà chỉ tái đàn ở các cơ sở chăn nuôi đảm bảo các điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học. Vì trong thực tế mầm bệnh DTLCP vẫn tồn dư trong môi trường chăn nuôi nên vẫn có nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Hơn nữa dịch bệnh này chưa có văc xin phòng bệnh.

Cùng với đó, chúng tôi cũng lưu ý khi tái đàn các hộ/trại chăn nuôi phải mua lợn giống ở những cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, có xét nghiệm âm tính với DTLCP và được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin trước khi tiến hành tái đàn. Cũng như nên tái đàn ở tỷ lệ 10%, sau đó có thể tăng lên để đảm bảo quy mô đàn lợn.

Đặc biệt, khi bắt đầu tái đàn, hộ chăn nuôi cần báo ngay cho cơ quan thú y địa phương và trong quá trình chăn nuôi cần thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm”, ông Thắng lưu ý.

Hiệu quả chăn nuôi an toàn sinh học

Cũng theo ông Thắng, thời gian qua các trang trại chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao đảm bảo chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo quy định của Bộ NN-PTNT đều rất hiệu quả. Minh chứng là khi xảy ra DTLCP, trong khi các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ bị thiệt hại thì các trang trại nuôi an toàn sinh học, đàn lợn vẫn giữ vững và phát triển ổn định đến thời điểm hiện nay.

Các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học đều giữ đàn tốt, không xảy ra dịch bệnh. Ảnh: Kim Sơ.

Các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học đều giữ đàn tốt, không xảy ra dịch bệnh. Ảnh: Kim Sơ.

Về vấn đề trên, đại diện Công tyTNHH Chăn nuôi Nhật Minh – Diên Khánh có trạng trại lợn ở xã Diên Xuân (Diên Khánh) xác nhận và cho biết thêm, hiện trang trại vẫn giữ vững quy mô 600 con nái và 5.000 lợn thịt, đàn lợn sinh trưởng và phát triển tốt. Riêng đàn lợn nái, mỗi tháng cho công ty xuất lợn giống ra thị trường từ  500-1.000 con.

“Đó nhờ áp dụng chăn nuôi bằng chuồng lạnh từ năm 2006, kiểm soát chặt đầu vào cho đến đầu ra nên đàn lợn không xảy ra dịch bệnh.

Cụ thể, đối với công nhân về nhà mà muốn vào trại làm việc, khi chưa xảy DTLCP phải tắm sạch, khử trùng quần áo và cách ly 48 tiếng tại một khu riêng. Còn nay phải cách ly 4 ngày mới vô vào trại. Đối với xe chở thức ăn về trại cũng vậy, trước hết phải vệ sinh sạch sẽ, sát trùng, sau đó cho vào nhà xe để chiếu tia cực tím.

Và, khi xe này vô gần cửa trại lại tiếp tục vệ sinh, sát trùng một lần nữa, trước khi bơm thức ăn vào silo, rồi tự động chuyển thức ăn vào máng ăn cho lợn, chứ không vô thẳng vào trại. Dù nuôi trại lạnh nhưng công ty cho bao phủ lưới kín để không cho ruồi, muỗi, chim và con vật tiếp xúc vào trại. Thậm chí các nhà ăn công ty cũng cho phủ lưới để ruồi muỗi không bám vào con người để mang mầm bệnh.

Còn khi xuất lợn thịt, trang trại bố trí 3 xe tải để trung chuyển lợn ra ngoài cho xe khách hàng thu mua. Việc ra vào các xe cũng được kiểm soát vệ sinh, sát trùng theo quy định...”, bà Huỳnh Thị Chín, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH chăn nuôi Nhật Minh – Diên Khánh chia sẻ.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa, để người chăn nuôi nhanh chóng khôi phục sản xuất, thời gian qua tỉnh kịp thời thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ do tiêu hủy vật nuôi mắc bệnh DTLCP. Cụ thể năm 2019 các hộ được hỗ trợ hơn 21 tỷ đồng. Còn từ đầu năm đến ngày 15/3/2020 đơn vị đã thẩm định đề nghị hỗ trợ hơn 180 triệu đồng. Hiện tỉnh đã cấp và các xã đang niêm yết để hỗ trợ cho dân.

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất