| Hotline: 0983.970.780

Chuyện ghi ở vùng cao Bảo Yên

Khi người dân đua nhau hiến đất

Thứ Sáu 28/04/2023 , 06:55 (GMT+7)

Tấm lòng thơm thảo, hi sinh lợi ích cá nhân vì mục tiêu chung của đồng bào vùng cao Bảo Yên đang mở ra những con đường mới mỗi ngày.

Thu hoạch quế ở vùng cao Bảo Yên. Ảnh: Hoàng Anh. 

Thu hoạch quế ở vùng cao Bảo Yên. Ảnh: Hoàng Anh. 

1.

Đi trên các xã vùng cao huyện Bảo Yên mùa này hương quế thơm lừng, ngào ngạt. Quế xanh mơn mởn ven đồi, ven suối, ven cả sông Chảy, sông Hồng. Quế mọc thành rừng trên những ngọn núi cao rồi chạy dọc theo quốc lộ 279 xuyên qua trung tâm huyện đi sang mạn Quang Bình của tỉnh Hà Giang.

Với diện tích hơn 25.000 ha trồng tại 17/17 xã và thị trấn, Bảo Yên là thủ phủ quế lớn nhất của tỉnh Lào Cai. Chủ tịch UBND huyện Trần Trọng Thông nói với tôi, nông nghiệp vẫn là định hướng phát triển chủ lực của huyện. Những năm gần đây cây quế mang lại giá trị kinh tế cao, thay đổi đời sống đồng bào cũng như bộ mặt kinh tế xã hội của các địa phương. Nhiều hộ dân đồng bào có thể xây nhà lầu, sắm xe hơi nhờ vào cây quế. Đặc biệt mấy năm gần đây từ sản xuất đến thị trường được tập trung chú trọng nên các hợp tác xã, doanh nghiệp mọc lên khá nhiều. Mỗi năm Bảo Yên trồng mới khoảng hơn 1.000 ha, sản phẩm quế vùng cao Bảo Yên xuất ra thị trường từ cành lá, vỏ tươi, tinh dầu, gỗ lên đến hàng trăm nghìn tấn, thu về cả nghìn tỉ đồng cho người dân.

Những con đường mới mở ở Bảo Yên. Ảnh: Thanh Hải

Những con đường mới mở ở Bảo Yên. Ảnh: Thanh Hải

“Đất đai càng giá trị càng thấy trân quý những tấm lòng thơm thảo, những người nông dân sẵn sàng hiến đất đai, tài sản vì sự nghiệp phát triển chung, chưa có khi nào mà người dân lại hiến đất làm đường, hiến đất cho các công trình xây dựng nhiều như mấy năm nay”, ông Thông tự hào chia sẻ.

Vừa nói Chủ tịch UBND huyện vừa đưa tôi tập thống kê danh sách các hộ dân hiến đất trên địa bàn huyện, kết quả của việc thực hiện Nghị quyết số 07 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Bảo Yên về việc vận động hiến đất, tài sản trên đất để nâng cấp, cải tạo, làm mới các tuyến đường giao thông trên địa bàn.

Chỉ chưa đầy một năm triển khai thực hiện, đồng bào các dân tộc trên vùng cao này đã hiến tổng cộng 626.753 m2 đất thổ cư, đất vườn, đất sản xuất nông nghiệp. Cùng với 42.179 cây cối, 400 m2 công trình xây dựng và tài sản trên đất trị giá trên 27 tỷ đồng được nhân dân mở lòng hào phóng để nhường chỗ cho các dự án giao thông. Từ Cam Cọn, Xuân Hòa, Nghĩa Đô, Vĩnh Yên… nơi sinh sống của cộng đồng người Tày, người Mông, người Dao, người Nùng đến thị trấn Phố Ràng, ở đâu cũng có những người sẵn sàng hiến cả nghìn mét đất, chấp nhận đốn bỏ đồi cây đang trồng quế, trồng mỡ sắp đến kỳ thu hoạch để mở đường. Nhà kinh tế khá giả đã đành, nhiều hộ gia đình còn nghèo khó, lo cái ăn cái mặc còn lắm khó nhọc, vất vả, vậy mà khi nghe đến chủ trương vận động hiến đất mở đường đã sẵn sàng bàn giao không một chút lăn tăn.

Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên Trần Trọng Thông. Ảnh: Hoàng Anh.

Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên Trần Trọng Thông. Ảnh: Hoàng Anh.

Đó là gia đình ông Hà Văn Mạc ở bản Pác Mạc xã Vĩnh Yên tự nguyện hiến hơn 1.500 m2 đất đang trồng cây cối, hoa màu và hơn 1.200 cây quế hàng chục năm tuổi để mở tuyến nối quốc lộ 279  với Nặm Rịp, Khuổi Vèng. Là anh Ly Seo Cú ở bản Tổng Kim tự tay chặt bỏ gần 1.200 cây quế đã hơn 2 năm tuổi của gia đình để bàn giao mặt bằng sạch cho chính quyền làm đường. Tính ra cả xã Vĩnh Yên hiện đã có hơn 21.465 m2 đất với trị giá gần 2 tỉ đồng đã được người dân bàn giao cho chính quyền địa phương. Con số đó ở các xã Xuân Thượng là 60.366 m2, Kim Sơn 66.470 m2, Điện Quan 95.622, Tân Tiến 83.055 m2…

Mấy anh chị công tác ở Ban Dân vận Huyện ủy Bảo Yên nói vui, phong trào nhân dân hiến đất làm đường giao thông ban đầu như đốm lửa, phải đi vận động từng người rất vất vả, thế nhưng bây giờ đốm lửa ấy đã thành đám cháy to rồi, muốn ngăn cản người dân cũng khó.

Rừng chuối Xuân Hòa. Ảnh: Thanh Hải

Rừng chuối Xuân Hòa. Ảnh: Thanh Hải

2.

Tôi leo lên xe máy anh Vũ Thành Công, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa làm một “tua” xuyên qua núi đồi bạt ngàn màu xanh của quế. Những con đường độc đạo màu đất đỏ uốn lượn qua từng cánh rừng trồng xanh ngát của người dân, nhìn trên cao xuống như sợi chỉ ngoằn ngoèo vắt hết từ thôn bản của người Mông, người Phù Lá trên cao đến người Tày ở dưới thấp. Anh Công tâm sự, Xuân Hòa là xã khó khăn nhất của huyện vùng cao Bảo Yên. Toàn xã có 1.900 hộ dân với 7 dân tộc anh em sinh sống dựa chủ yếu vào 2.700 ha quế. Những năm trước khi nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế khiến cán bộ xã muốn triển khai chủ trương chính sách gì cũng khó khăn.

Một số hộ người Mông trong xã còn nghe bọn xấu xúi giục bỏ cả nhà cửa, bản làng đi theo đạo Dương Văn Mình, một tổ chức bất hợp pháp kêu gọi người Mông ly khai. Vất vả lắm chính quyền mới vận động được người dân về sinh sống ổn định ở các bản Mo. Bây giờ, dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng Xuân Hòa đã là xã có diện tích quế nhiều nhất huyện. Kết hợp với trồng chuối, chăn nuôi, làm du lịch, đời sống kinh tế, văn hóa của người dân đã được nâng lên rất nhiều. Trên 203 ha chè có sản lượng thu hoạch hàng năm ước 12.234 tấn, 22 ha trồng chuối tại các bản Mo 1, Mo 3 đang trong thời kỳ thu hoạch, thu về ít nhất 2 tỉ đồng.

Đặc biệt nhất là khoảng cách giữa chính quyền và người dân ngày càng được rút ngắn. Đó là căn cơ để đưa các chủ trương, chính sách đi vào thực tiễn. Năm vừa rồi Xuân Hòa là xã hiến đất và tài sản trên đất nhiều nhất huyện Bảo Yên để làm đường giao thông. Dù diện tích đất người dân hiến chỉ hơn 76.456 m2, nhưng rất nhiều trong số đó là “đất vàng” đang trồng quế, trồng mỡ, trồng xoan chuẩn bị thu hoạch. Tổng cộng quy ra tiền hết hơn 6,4 tỉ đồng.

Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa Vũ Thành Công. Ảnh: Hoàng Anh.

Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa Vũ Thành Công. Ảnh: Hoàng Anh.

Có những gia đình như ông Đặng Văn Thao bản Cuông 3 hiến 3.000m2 đất rừng, 2.000 cây quế. Các ông Hoàng Văn Thưởng, Hoàng Xuân Thủy ở bản Vắc hiến hơn 2.000m2… Đến những hộ gia đình kinh tế còn nhiều khó khăn như bà Bàn Thị Đao, Công Thị Muội, Bàn Văn Thang, Triệu Tiến Hậu ở các bản người Dao, người Tày cũng sẵn sàng hiến đất, hiến vườn cây để mở đường. Ở vào thời buổi tấc đất tấc vàng, sốt đất ở khắp mọi nơi, chứng kiến không ít gia đình tan nát cũng vì tranh giành nhau từng mét đất một nên tôi mới hỏi những Mạnh Thường Quân ở Xuân Hòa, liệu chặt bỏ vườn cây đang cho thu nhập ổn định để hiến đất như thế có tiếc không, ai nấy đều trả lời: Hiến đất, hiến cây để mở đường phục vụ người dân mình, địa phương mình thì có gì mà phải tiếc.

Suy nghĩ tưởng chừng như đơn giản ấy, có lẽ ai cũng hiểu nhưng để có thể hành động như người dân Xuân Hòa thật không phải chuyện dễ dàng. Chủ tịch UBND xã Vũ Thành Công nói nôm na đó là thành quả của của ý Đảng lòng dân và trên hết, khi chính quyền được người dân tin tưởng, vì sự nghiệp chung thì làm gì cũng thuận.

3.

Rời Xuân Hòa trở lại Phố Ràng, trung tâm huyện Bảo Yên tôi tìm đến gia đình anh Trần Trung Hiếu và chị Hoàng Bịch Thị. Nghe giới thiệu năm vừa rồi gia đình họ là hộ hiến nhiều đất nhất của thị trấn Phố Ràng. Bí thư Đảng bộ thị trấn Phạm Anh Tuấn chia sẻ rất thẳng thắn, trước đây cả Phố Ràng chỉ duy nhất tuyến quốc lộ 279 chạy qua là đường nhựa, tất cả các tuyến phố không có lấy một mét asphalt nào, nhờ những hộ như gia đình anh Hiếu mà năm vừa rồi Phố Ràng làm được 13 tuyến phố, trong đó người dân hiến đất và tài sản trên đất khoảng hơn 6 tỉ đồng.

Người hiến đất nhiều nhất ở Phố Ràng. Ảnh: Thanh Hải

Người hiến đất nhiều nhất ở Phố Ràng. Ảnh: Thanh Hải

Lúc tôi đến tìm cả hai vợ chồng anh Hiếu đều đang đi vắng. Ông Trần Bá Thức, tổ trưởng tổ dân phố 3A nói gia đình này hoàn cảnh lắm. Hai vợ chồng, hai đứa con nhỏ lại thêm bố mẹ già. Ông bố trước ốm liệt giường mấy chục năm, bây giờ bà mẹ cũng thế. Cả hai vợ chồng đều chưa có công ăn việc làm ổn định nhưng khi Phố Ràng có chủ trương làm tuyến đường này họ đã hiến hơn 500m2 đất thổ cư. Nếu tính theo giá thị trường bây giờ cũng lên đến tiền tỉ chứ không phải ít, vậy mà chính quyền đến vận động, cả hai anh chị đều đồng lòng, không đòi hỏi bất cứ một đồng bồi thường nào cả.

Nói chuyện một lúc thì Trần Trung Hiếu về, vừa nhắc đến hiến đất mở đường anh vội gạt đi ngay: Có gì đâu mà kể, đường đi qua chính mình được hưởng lợi trước mà. Lúc cán bộ thị trấn đến tôi còn bảo các anh cứ lấy đến khi nào đủ làm đường thì thôi. Nghe đơn giản thế nhưng chính nhờ sự hào phóng, khảng khái của gia đình anh Hiếu mà 10 hộ dân khác trông tổ dân phố 3A và 4B cũng tham gia hiến đất theo, chỉ trong thời gian ngắn, tuyến đường nối với quốc lộ 279 được xây dựng rộng thênh thang.

Những con đường mới mở trên vùng cao Bảo Yên. Ảnh: Hoàng Anh. 

Những con đường mới mở trên vùng cao Bảo Yên. Ảnh: Hoàng Anh. 

Kể lại những câu chuyện mắt thấy tai nghe ở Xuân Hòa, Phố Ràng, Nghĩa Đô với ông Nguyễn Anh Chuyên, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên, ông Chuyên ngậm ngùi: Tấm lòng của nhân dân, đồng bào vùng cao với sự nghiệp chung là vô bờ bến. Huyện cũng đang tính toán để cân đối, hỗ trợ một phần kinh phí đối với những hộ hiến đất thổ cư, tài sản trên đất, bị ảnh hưởng nhiều để nhân dân không quá thiệt thòi. Những ngày này huyện Bảo Yên đang tập trung giải phóng mặt bằng xây dựng sân bay Sa Pa ở xã Cam Cọn, một diện tích lớn đất đai và tài sản trên đất của người dân phải nhưỡng chỗ cho dự án trọng điểm của cả khu vực.

Nhiều người nói rằng, sự đồng thuận và tấm lòng thơm thảo của đồng bào ở trên vùng cao này đang mở ra những con đường mới không chỉ riêng với Bảo Yên mà còn với Lào Cai, với Tây Bắc.  

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Để Ba Chẽ không chia cắt trong mùa mưa bão

Huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các công trình giao thông, đảm bảo người dân không bị 'ngăn sông, cách suối' trong mùa mưa bão.