| Hotline: 0983.970.780

Khi thủy lợi biến thành 'thủy hại'

Thứ Sáu 22/04/2022 , 08:12 (GMT+7)

Mương nước đang được sử dụng tốt thì UBND xã lại thu hồi ruộng để cải tạo khiến người dân vừa mất đất sản xuất, vừa không thể lấy nước canh tác từ mương

Người dân đắp vai mong nước mương dâng lên để chảy vào ruộng nhưng vẫn không được

Người dân đắp vai mong nước mương dâng lên để chảy vào ruộng nhưng vẫn không được

Để đào mới hay cải tạo bất kỳ một con mương nào, cũng phải đạt được hai mục đích: thứ nhất là để người dân có thể dẫn nước vào ruộng để lấy nước canh tác. Và thứ hai là tiêu úng mỗi khi cánh đồng bị ngập. Nhưng với con mương Đồng Chiềng ở xã Tất Thắng (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) dài khoảng 1 km, thì lại có tác dụng ngược.

Theo phản ánh của người dân xã Tất Thắng, thì hàng chục năm nay, bà con vẫn sử dụng con mương cũ, có bề rộng từ 80 đến 100 cm tùy chỗ, mặt nước mương chỉ cách mặt ruộng khoảng 10 cm. Để dẫn nước vào ruộng, người dân chỉ cần vài xẻng đất đắp chặn mương ở phía trước ruộng nhà mình lại (gọi là đắp vai), là nước sẽ dâng cao hơn mặt ruộng và tự chẩy vào ruộng. Khi ruộng đầy nước rồi thì chỉ mất vài phút để phá vai. Việc lấy nước để canh tác vô cùng thuận lợi.

Con mương cũ chỉ dùng để tưới nước chứ không phải mương tiêu. Vì từ ngày nhà máy thủy điện Hòa Bình trên sông Đà đưa vào vận hành đến nay, không bao giờ Đồng Chiềng xẩy ra úng ngập nữa.

Nhưng ngày 2/11/2021, Xí nghiệp Thủy nông huyện Thanh Sơn và UBND xã Tất Thắng mang máy múc, máy ủi đến, ồ ạt múc sâu và mở rộng lòng mương. Chỉ sau mấy ngày, lòng mương cũ trở thành một con mương mới rộng trên 3 mét. Hai bên bờ mương được đắp thành hai con đường rộng khoảng 3,5 mét, cao khoảng 0,5 mét. Tại con mương mới này, mặt nước mương sâu hơn mặt ruộng từ 0,5 đến 0,8 mét tùy chỗ.

Người dân đắp vai mong nước mương dâng lên để chảy vào ruộng nhưng vẫn không được

Người dân đắp vai mong nước mương dâng lên để chảy vào ruộng nhưng vẫn không được

Tất cả những người dân có ruộng hai bên bờ mương đều mất đất canh tác, như nhà ông Đinh Ngọc Ánh mất hơn 100 m2; nhà bà Đinh Thị Thắng mất 80 m2; nhà bà Chương Thị Phúc mất hơn 200 m2… bà Thắng cho biết, có nhà như nhà anh Khanh mất cả một thửa ruộng. Đều là đất quỹ 1, được giao theo nghị định 64/CP năm 1993 của chính phủ, nhưng không ai có quyết định thu hồi, không được đền bù. Chúng tôi hỏi bà Thắng :

- Nghe nói là bà con đã tự nguyện hiến đất để mở rộng mương cơ mà ?

- Khi khu tổ chức họp, Trưởng khu thông báo rằng chỉ mở rộng lòng mương thành 1 mét. Lòng mương cũ đã rộng 80 cm rồi, nay nếu mở rộng thêm 20 cm nữa thành 1 mét thì số đất bị mất không đáng bao nhiêu, nên chúng tôi đồng ý hiến. Nhưng thực tế lòng mương mới rộng hơn 3 mét, lại thêm cái bờ rộng hơn 3 mét nữa. Thì số đất của dân bị mất rất nhiều. Lúc đó chúng tôi mới biết các ông ấy nói một đằng làm một nẻo.

Nhưng, điều đáng nói nhất là : do mặt nước ở lòng mương mới sâu hơn mặt ruộng từ 50 đến 80 cm, nên bà con không thể nào đắp vai để nước dâng lên tự chẩy vào ruộng được nữa, vì mương quá rộng và quá sâu. Đã có nơi mấy gia đình chung nhau, dùng hàng chục bao đất chắn ngang lòng mương làm vai, nhưng nước cũng không thể dâng cao hơn mặt ruộng được.

Để lấy nước canh tác, chỉ còn cách duy nhất là dùng gầu dây để tát, hoặc dùng chậu múc nước từ mương đổ vào. Mà dùng gầu dây hay múc nước bằng chậu, thì không phải hộ nào cũng có nhân lực để làm. Thế nên lúc này là lúc cây lúa đang cần nước nhất, mà rất nhiều thửa ruộng hai bên bờ mương bị nẻ toác chân chim.

Dọc hai bên bờ mương, chúng tôi thấy rất nhiều chỗ bà con phải phá con đường mới đắp để có thể dùng gầu dây đổ nước vào ruộng được. Với những thửa ruộng ở sát bờ mương, việc tát nước vào đã khó nhọc, nhưng với những thửa ở xa bờ mương, thì để đưa được gầu nước vào, còn khó hơn nhiều. Phải nhờ những hộ có ruộng sát mương cho nước chẩy qua. Nhưng một khi những hộ đó vừa bón đạm hay phân cho ruộng của họ, thì đành chịu.

Làm việc với chúng tôi, ông Đinh Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Tất Thắng, cho biết : "Việc cải tạo con mương này, Xí nghiệp Thủy nông huyện đã về họp với bà con từng khu, và đều nhận được sự đồng thuận của dân.

Tuy nhiên, khu không phải là một cấp hành chính. Trong công văn số 03 ngày 26/1/2022 trả lời công dân UBND xã đã nói rất rõ là “UBND xã phối hợp với Xí nghiệp Thủy nông để cải tạo mương”.

Đã là phối hợp thì hai bên đều phải chịu trách nhiệm như nhau. Khi tiến hành cải tạo mương, các ông có hình dung ra việc con mương thủy lợi biến thành con mương “thủy hại” như cách gọi của người dân không ? Việc lấy đất của dân để cải tạo mương mà không làm theo trình tự của luật đất đai, khiến người dân bị thiệt hại rất nhiêu, ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật?.

Trước câu hỏi này của chúng tôi, ông chủ tịch xã im lặng và hứa “sẽ xem xét” những phản ánh của người dân trong xã. Mong rằng sự việc sẽ sớm được khắc phục.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.