| Hotline: 0983.970.780

Khó khăn trong việc đạt tiêu chí nâng cao ở các xã miền núi

Thứ Hai 23/08/2021 , 10:32 (GMT+7)

Vĩnh Phúc đặt mục tiêu hết năm 2021 toàn tỉnh có 11 xã nông thôn mới (NTM) nâng cao, 36 thôn dân cư kiểu mẫu.

Để thực hiện mục tiêu này, các địa phương trong tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành chương trình xây dựng NTM đúng lộ trình. Tuy nhiên, với một số xã miền núi, việc xây dựng NTM nâng cao gặp không ít khó khăn dẫn đến khó đạt mục tiêu đề ra.

Đến nay, 86% đường trục thôn, liên thôn, đường ngõ, xóm xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo đã được kiên cố hóa. Ảnh: Hồng Yến.

Đến nay, 86% đường trục thôn, liên thôn, đường ngõ, xóm xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo đã được kiên cố hóa. Ảnh: Hồng Yến.

Khó khăn của các xã miền núi

Năm 2021, xã Hồ Sơn được huyện Tam Đảo lựa chọn xây dựng xã NTM nâng cao, thôn dân cư kiểu mẫu. Qua rà soát, đến nay, xã còn 3/5 tiêu chí chưa đạt gồm: Phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân; hạ tầng kinh tế - xã hội và vệ sinh môi trường.

Ông Lưu Văn Minh, Chủ tịch UBND xã cho biết, trong 3 tiêu chí chưa đạt, còn 6 tiêu chí thành phần đang khó khăn với địa phương. Trong đó, tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người phải đạt 66 triệu đồng/người/năm, không dễ để địa phương đạt được tiêu chí này.

Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt 43 triệu đồng/người/năm. Năm nay dịch Covid-19 bùng phát dẫn đến lao động thất nghiệp, các mặt hàng trọng điểm co lại đang là những yếu tố khách quan nằm ngoài kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Sản xuất nông nghiệp chiếm 53% cơ cấu kinh tế; hiện trong xã có 2 hợp tác xã với 90 ha chuyên trồng rau, trong đó có 40ha trồng su su tập trung nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, các sản phẩm nông nghiệp rớt giá, khâu vận chuyển khó khăn khiến thu nhập của người dân giảm sâu.

Về giao thông, toàn xã có 86% đường trục thôn, liên thôn, đường ngõ, xóm đã được cứng hóa, địa phương đang tập trung hoàn thiện 1,4km còn lại. 29km đường trục xã, trục thôn, liên thôn, ngõ xóm chưa có hệ thống điện chiếu sáng, đang đợi nguồn hỗ trợ của tỉnh để cân đối kinh phí thực hiện.

Vừa qua, HĐND xã đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ kinh phí cho các thôn xây dựng hệ thống cây xanh, đường hoa ở các ngõ xóm; với  những ngõ không có chỗ trồng hoa, xã sẽ vận động người dân trồng hoa trên chậu tại các gia đình, đồng thời,  trồng thêm cây xanh trong vườn do diện tích trồng cây xanh 2 bên đường hầu như không có.

Khó khăn lớn nhất của địa phương hiện nay là tiêu chí môi trường. Với diện tích tự nhiên 1.800ha nhưng vườn quốc gia Tam Đảo chiếm 1.100ha nên diện tích địa bàn dân cư sinh sống chỉ khoảng 700ha rất chật hẹp, hiện nhiều thôn chưa có bãi rác tạm.

Trước đây, Hồ Sơn được đầu tư lò đốt rác theo công nghệ khí tự nhiên nhưng hiện đã xuống cấp, quá trình đốt gây ô nhiễm môi trường, xã đã dừng sử dụng 1 năm nay. Hiện xã có chủ trương để người dân tự xử lý rác thải ở nhà, nếu quá tải mới mang ra bãi rác tạm của thôn thu gom để chôn lấp tập trung. So với các xã lân cận, Hồ Sơn hiện chưa phải là địa phương “nóng” về ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, về lâu dài sẽ rất khó khăn nếu không tìm được giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này.

Cần có thêm cơ chế đặc thù 

Cũng như nhiều xã miền núi khác, xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch đang gặp khó khăn để xây dựng NTM nâng cao, thôn dân cư kiểu mẫu. Hiện toàn xã còn 6 hạng mục tiêu chí chưa đạt gồm: Giao thông, môi trường, phát triển sản xuất, đào tạo việc làm, thu nhập và văn hóa.

Con đường hoa phụ nữ - chung tay vì môi trường xanh – sạch – đẹp tại xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch.

Con đường hoa phụ nữ - chung tay vì môi trường xanh – sạch – đẹp tại xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch.

Do địa hình phức tạp, đến nay, tỷ lệ cứng hóa đường trục thôn, liên thôn, ngõ xóm của xã mới đạt 95%; tỷ lệ đường trục xã, trục thôn có đèn điện chiếu sáng đạt 51%; chỉ 58% số hộ dân sử dụng nước sạch; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại bảo đảm vệ sinh môi trường dưới 90%; tỷ lệ lao động có việc làm đã qua đào tạo dưới 65%.

Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt 52 triệu đồng/người/năm, rất khó để xã đạt trên 60 triệu đồng/người vào cuối năm 2021 do tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Riêng tiêu chí văn hóa, toàn xã hiện có 8 nhà văn hóa thôn cần mở rộng thêm từ 300 - 400m2 mới đạt tiêu chuẩn quy định.

Theo ông Hà Cương Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã, Thái Hòa thuộc khu vực miền núi nên nguồn lực để đầu tư xây dựng NTM của địa phương rất lớn. Tuy nhiên, việc huy động nguồn xã hội hóa rất khó khăn do người dân Thái Hòa chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, thu nhập bình quân đầu người không cao, trong khi trên địa bàn có rất ít doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất kinh doanh có mô hình sản xuất lớn.

Hai tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa và môi trường cũng đang là khó khăn lớn đối với địa phương. Để cải tạo, nâng cấp hệ thống nhà văn hóa tại các thôn dân cư cần nguồn kinh phí lớn, xã đang cân đối nguồn thu từ đấu giá đất và vận động xã hội hóa, tuy nhiên, khó để bảo đảm hoàn thành tiêu chí trong năm nay.

Trước đây, xã đã được hỗ trợ xây dựng bể thu gom, xử lý nước thải nhưng do nhu cầu phát triển sản xuất ngày càng nhiều, hệ thống này đến nay đã quá tải, hoạt động không hiệu quả. Hiện toàn bộ nước thải chăn nuôi của xã xả thẳng ra kênh mương, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. 

Mô hình nuôi cá lồng trên sông Phó Đáy cho thu nhập cao tại xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch.

Mô hình nuôi cá lồng trên sông Phó Đáy cho thu nhập cao tại xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch.

Qua tìm hiểu thực tế tại các xã miền núi trên địa bàn tỉnh, quá trình xây dựng NTM nâng cao, thôn dân cư kiểu mẫu đều đang gặp khó khăn do thiếu nguồn kinh phí thực hiện. Trong khi đó, hầu hết các xã có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, khó thu hút đầu tư phát triển sản xuất dẫn đến thu nhập bình quân đầu người, đời sống của người dân không cao nên khó huy động được nguồn lực xã hội hóa.

Nỗ lực khắc phục khó khăn, các địa phương cũng kiến nghị UBND tỉnh có thêm cơ chế đặc thù hỗ trợ các xã miền núi trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.

Bình luận mới nhất