| Hotline: 0983.970.780

Khoa học công nghệ là nòng cốt phát triển nông nghiệp thông minh ở Vĩnh Phúc

Thứ Tư 21/10/2020 , 11:03 (GMT+7)

Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ được áp dụng, nhân rộng trong sản xuất của ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc mang lại hiệu quả cao.

Áp dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất mang lại hiệu quả cao

Năm 2019, từ sự hỗ trợ, chuyển giao khoa học công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ, anh Hoàng Hồng Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Hoàng Hải quyết định đầu tư, triển khai mô hình “Ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi thâm canh cá rô phi đạt năng suất, chất lượng cao” với quy mô 1ha tại xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Đây là công nghệ tiên tiến từ Israel, sử dụng vi khuẩn có lợi chuyển hóa thức ăn thừa và chất thải của cá thành các hạt floc lơ lửng trong nước, có độ đạm cao, tạo thêm thức ăn giàu dinh dưỡng cho cá rô phi, qua đó, giúp giảm ô nhiễm môi trường nước, giảm khoảng 30% lượng thức ăn tiêu tốn. Sau 6 tháng nuôi thử nghiệm, với giá bán từ 30 - 35.000 đồng/kg, mô hình nuôi thâm canh cá rô phi ứng dụng công nghệ Biofloc giúp anh Hải thu lãi từ 1 - 1,5 tỷ đồng.

Ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi thâm canh cá rô phi giúp anh Hải thu về tiền tỷ. Ảnh: Bích Phượng.

Ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi thâm canh cá rô phi giúp anh Hải thu về tiền tỷ. Ảnh: Bích Phượng.

Hiện mô hình nuôi cá rô phi theo công nghệ Biofloc của anh đang được nhiều hộ chăn nuôi trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, bởi quy trình chăm sóc đơn giản, nhanh thu hồi vốn,  và có thể phù hợp với cả điều kiện đất đai tại nhiều địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc.

Trong trồng trọt, Hợp tác xã rau an toàn Vân Hội xanh, xã Vân Hội, huyện Tam Dương đang là một trong những mô hình điển hình về phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao.

Bắt đầu ứng dụng phần mềm VietGAP điện tử vào sản xuất từ cuối năm 2018, đến nay, thành viên hợp tác xã không còn phải lo ghi chép nhật ký sản xuất bằng tay, bởi chỉ cần tra cứu trên điện thoại thông minh hay máy tính là tất cả quy trình sản xuất, tiêu thụ đều được hiển thị.

Không chỉ giúp việc quản lý vật tư đầu vào như: Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng như giám sát quy trình sản xuất của từng thành viên thuận lợi hơn rất nhiều mà từ khi triển khai phần mềm này, sản lượng rau trung bình mỗi tháng của hợp tác xã đều tăng hơn từ 5 - 10% so với trước đây.

Theo thống kê của ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc, từ năm 1997 khi tái lập tỉnh đến nay, Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện trên 1.400 lượt đề tài nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, đầu tư tài chính cho khoa học và công nghệ ngày càng được quan tâm hơn. 

Ngoài 2 mô hình kể trên, thời gian qua, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ ứng dụng tiến bộ công nghệ trong sản xuất cho nhiều đơn vị như: Công ty TNHH Ong Tam Đảo với dự án phát triển nuôi ong mật và chế biến các sản phẩm ngành ong theo hướng hàng hóa; Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển bền vững Hải Yến với mô hình nuôi cá tầm tại huyện Tam Đảo; Công ty TNHH Ngọc Thạch với dự án nâng cao chất lượng đàn bò thịt và chế biến thức ăn khô cho bò tại huyện Sông Lô; Công ty cổ phần nông sản thực phẩm và bao bì Vĩnh Phúc với mô hình nhân giống sản xuất dược liệu cúc hoa vàng và giảo cổ lam…

Đồng thời, tỉnh Vĩnh Phúc cũng hỗ trợ cho hàng trăm doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cấp chứng chỉ quản lý chất lượng và các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm với kinh phí hàng chục tỷ đồng.

Vĩnh Phúc còn đẩy mạnh triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO cho gần 40 đơn vị cấp xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền. Xây dựng và đưa vào hoạt động “Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến Vĩnh Phúc”, thu hút hơn 100 doanh nghiệp tham gia với hơn 1.000 sản phẩm được đăng tải thông tin.

Sơ chế rau tại Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hội Xanh. Ảnh: Văn Việt.

Sơ chế rau tại Hợp tác xã Rau an toàn Vân Hội Xanh. Ảnh: Văn Việt.

Ứng dụng khoa học và công nghệ trong đô thị thông minh

Tuy vậy, vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do cơ chế, chính sách áp dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn còn nhiều bất cập, gây tâm lý e ngại cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký tham gia ứng dụng công nghệ nhất là trong những lĩnh vực công nghệ cao… khiến hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của tỉnh còn những hạn chế, bất cập.

Đến nay, mức đầu tư cũng như vốn giải ngân cho khoa học và công nghệ, nhất là nguồn chi cho sự nghiệp khoa học công nghệ, đầu tư phát triển khoa học công nghệ và công nghệ thông tin của tỉnh còn khá thấp, tỷ lệ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạt khoảng 16,9%. Các đề tài, dự án đa phần có quy mô nhỏ, kinh phí chưa thỏa đáng, chưa có các chương trình lớn, tạo thành phong trào nghiên cứu khoa học và công nghệ có sức mạnh lan tỏa nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhiệm vụ được đặt ra cho lĩnh vực khoa học và công nghệ Vĩnh Phúc thời gian tới là: Đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ để khoa học và công nghệ thực sự là động lực quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trước mắt, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh sẽ tập trung mạnh cho công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất và đời sống; nghiên cứu thực hiện một số sản phẩm, dịch vụ khoa học công nghệ có hàm lượng khoa học cao, góp phần tạo lập, phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong tỉnh, trong nước, hướng tới xuất khẩu.

Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện thành lập nhiều tổ chức, doanh nghiệp khoa học công nghệ làm nòng cốt trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào thực tiễn; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đặc biệt là công nghệ cho những sản phẩm xuất khẩu chủ lực, mũi nhọn.

Huy động các nguồn lực xây dựng phát triển nhanh và bền vững hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông trở thành hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế số, thúc đẩy chuyển đổi số, công nghệ số vào mọi lĩnh vực. Tỉnh cũng sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ.

Tập trung đầu tư phát triển tiềm lực khoa học, ứng dụng khoa học và công nghệ vào trong sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; chú trọng các lĩnh vực như ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh, nông thôn mới và xây dựng đô thị thông minh.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.