| Hotline: 0983.970.780

Khởi nghiệp với nghề nuôi ong dú

Thứ Ba 21/12/2021 , 09:00 (GMT+7)

NINH THUẬN Mới 3 năm nghiên cứu, tìm hiểu, giờ đây anh Trực đã thành công khi sở hữu hơn 400 tổ ong dú, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Đam mê với nghề nuôi ong từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chàng trai sinh năm 1992 Nguyễn Hữu Trực ở phường Bảo An, TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) đã khởi nghiệp thành công với nghề nuôi ong dú, một loài ong không ngòi đốt.

Tổ ong dú của trại nuôi ong của anh Trực. Ảnh: Cơ Nguyễn.

Tổ ong dú của trại nuôi ong của anh Trực. Ảnh: Cơ Nguyễn.

Anh Trực kể, anh đã nuôi ong lấy mật từ năm còn học lớp 9 và đã có thu nhập từ nghề nuôi ong. Năm 2015, Trực tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng, làm việc cho một ngân hàng tại Ninh Thuận nên nghề nuôi ong đành gác lại. Năm 2018, tình cờ Trực nhìn thấy tổ ong dú làm tổ, làm mật trong những tổ ong cũ còn sót lại trong vườn, từ đó đã khơi dậy niềm đam mê, tìm tòi đặc điểm của loài ong dú này và quyết định khởi nghiệp từ đấy.

Trong quá trình nuôi, Trực dần thay thế những thùng gỗ thô sơ ban đầu thành những hộp gỗ thông nhỏ, phân thành ba tầng. Theo anh, việc phân thành các tầng như vậy giúp ong tự phân loại các tầng trứng, con, mật. Ngoài ra, khi lấy mật sẽ không làm giảm số lượng ong trong một đàn.

Không gian nuôi có thể đặt dưới hiên nhà, tán cây, tận dụng nhiều nơi trong vườn nhà. Để có thêm không gian và môi trường phù hợp cho ong trú ngụ và sinh đàn, anh xây hẳn một căn nhà nuôi với diện tích 30 m2, bên trong có nhiều tầng và lắp hệ thống quạt thông gió. Phần đất còn lại khoảng 800 m2, Trực trồng hoa và các cây dược liệu để có nguồn thức ăn cho ong.

Bên cạnh trại ong, anh Trực trồng vườn hoa để tạo nguồn mật cho ong. Ảnh: Cơ Nguyễn. 

Bên cạnh trại ong, anh Trực trồng vườn hoa để tạo nguồn mật cho ong. Ảnh: Cơ Nguyễn. 

Tuy chỉ mới 3 năm nghiên cứu, tìm hiểu, giờ đây anh Trực đã thành công khi sở hữu hơn 400 tổ ong dó, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Trong năm, mỗi tổ ong dú sẽ cho mật hai lần, mỗi lần như vậy Trực có thể thu khoảng 3 - 4 lít mật/đàn ong, với giá bán thấp nhất 1,5 triệu đồng/lít mật.

Ngoài ra, anh còn chế tác những tổ ong theo kiểu phong thủy, có nhiều màu sắc để trang trí, bán cho những người muốn nuôi ong lấy mật, vừa trang trí trong không gian nhà, quán cà phê hay quán ăn.

Hiện tại, Trực không chỉ tách đàn, nhân giống để nuôi, anh còn hướng đến việc mở rộng quy mô, cung cấp nguồn giống, hướng dẫn kỹ thuật cho những ai nuôi tại trang web hocnuoiongdu.com và kênh youtube. Theo anh Trực, ong dú có hình dạng nhỏ bé, không hung dữ, có khả năng thụ phấn cho cây trồng và cho ra mật rất tốt cho sức khỏe.

Tổ ong dú của anh Trực được thiết kế nhiều tầng. Ảnh: Cơ Nguyễn.

Tổ ong dú của anh Trực được thiết kế nhiều tầng. Ảnh: Cơ Nguyễn.

Với những thành công đạt được từ đàn ong dú, hiện anh Trực đã thành lập trang trại lấy tên “Trang trại Ong Dú Jichi”. Đặc biệt, mô hình này vừa giành giải Nhất tại cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp Thanh niên Ninh Thuận lần thứ V - năm 2021” và đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp do Trung tâm BSA và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cùng Công ty Vinamit tổ chức với chủ đề “Câu chuyện khởi nghiệp - Kinh doanh thời Covid”.

Cùng chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh Trực cho biết sẽ đầu tư mở rộng quy mô trang tại, xây dựng thương hiệu, quảng bá và liên kết với các nhà vườn, nông trại, vườn cây ăn trái, khu du lịch... để cung cấp giống với phương châm “tự nuôi ong lấy mật an toàn tại nhà".

Xem thêm
Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Có một ngôi làng Nam bộ bên dòng sông Thu Bồn

QUẢNG NAM Trồng đủ các loại cây trái có giá trị, kinh tế vườn giúp cho hơn 80% hộ dân ở làng Đại Bình thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.