| Hotline: 0983.970.780

Khống chế hiệu quả bệnh viêm da nổi cục

Thứ Ba 01/10/2024 , 19:12 (GMT+7)

BẮC KẠN Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, tỉnh Bắc Kạn cơ bản khống chế thành công bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Bắc Kạn kiểm tra tình hình phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc tại huyện Ngân Sơn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Bắc Kạn kiểm tra tình hình phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc tại huyện Ngân Sơn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Từ ngày 30/5/2024 đến nay, bệnh viêm da nổi cục xảy ra trên đàn trâu, bò tại 60 hộ, 20 thôn, 8 xã, thuộc 2 huyện Ngân Sơn và Ba Bể (Bắc Kạn). Dịch bệnh đã làm 96 con bò mắc bệnh, trong đó chết 6 con, 90 con đã khỏi bệnh.

Từ khi phát hiện dịch, ngành chuyên môn và chính quyền địa phương đã thực hiện ngay các giải pháp điều trị và ngăn chặn dịch lây lan ra diện rộng.

Xã Hiệp Lực là một trong những địa phương xuất hiện dịch sớm nhất của huyện Ngân Sơn. Giữa tháng 6/2024, bệnh viêm da nổi cục xảy ra trên 6 con gia súc của 4 hộ chăn nuôi thuộc thôn Bó Lếch.

Ngay sau khi có dịch, ngành chuyên môn và chính quyền địa phương đã yêu cầu người dân vệ sinh chuồng trại, điều trị gia súc bị bệnh bằng thuốc đặc trị, phun khử khuẩn vùng có dịch nên đã ngăn chặn dịch lây lan diện rộng. Đến nay, địa phương đã công bố hết dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò.

Ông Long Minh Giám, Chủ tịch UBND xã Hiệp Lực (huyện Ngân Sơn) cho biết, những năm trước, bệnh viêm da nổi cục vẫn thường xuyên xuất hiện trên đàn gia súc của địa phương.

Năm nay, dịch được khống chế kịp thời nên không lây lan diện rộng. Khi mới xuất hiện dịch, xã đã tiêm phòng toàn bộ đàn trâu, bò ở vùng dịch và những thôn lân cận nên khống chế hiệu quả.

“Hiện, tổng đàn trâu, bò của xã có hơn 500 con, việc khống chế thành công dịch bệnh viêm da nổi cục giúp người dân yên tâm phát triển đàn vật nuôi. Chăn nuôi trâu, bò mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân địa phương nên việc phòng dịch được xã rất quan tâm”, ông Giám cho biết thêm.

Bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò cơ bản được khống chế trên địa bàn huyện Ba Bể. Ảnh: Ngọc Tú. 

Bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò cơ bản được khống chế trên địa bàn huyện Ba Bể. Ảnh: Ngọc Tú. 

Tại xã Hà Hiệu (huyện Ba Bể), từ tháng 6/2024, cơ quan chuyên môn đã phát hiện ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò tại 5 thôn.

Sau nhiều tháng chữa trị và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vùng xảy ra dịch đã qua 30 ngày không phát sinh ca mắc mới. Toàn bộ 12 con trâu, bò mắc bệnh đã khỏe trở lại.

Ngày 26/9, UBND huyện Ba Bể đã ban hành quyết định công bố hết dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tại xã Hà Hiệu.

Ông Phạm Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết, hiện nay huyện còn 3 xã là Bành Trạch, Phúc Lộc, Chu Hương đã qua 21 ngày không phát hiện ca mắc mới nên trong vài ngày tới khả năng cũng sẽ công bố hết dịch.

“Hiện, các hộ chăn nuôi tiếp tục thực hiện nghiêm việc khử trùng tiêu độc chuồng trại và biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. UBND huyện Ba Bể đã giao Phòng NN-PTNT, Phòng Tài chính - Kế hoạch; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND các xã hướng dẫn người dân phục hồi sản xuất, chăn nuôi theo quy định, thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát phát hiện bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng, không để dịch bệnh tái phát”, ông Thịnh thông tin thêm.

Như vậy, tại tỉnh Bắc Kạn, đến thời điểm này, trong số 8 xã có dịch, 5 xã đã công bố hết dịch, 3 xã đã qua 21 ngày không phát hiện ca mắc mới.

Tiêm phòng là giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh viêm da nổi cục hiệu quả trên đàn trâu, bò. Ảnh: Ngọc Tú. 

Tiêm phòng là giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh viêm da nổi cục hiệu quả trên đàn trâu, bò. Ảnh: Ngọc Tú. 

Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn cho biết, từ khi xuất hiện dịch, các địa phương đã tiêm phòng bao vây ổ dịch được hơn 1.500 liều.

Đến nay, cơ bản dịch đã được khống chế thành công. Tuy nhiên, người chăn nuôi cần lưu ý áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, hạn chế phát sinh các ổ dịch mới.

Tăng cường thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát dịch bệnh, kịp thời phát hiện và khai báo nếu phát hiện dấu hiệu bệnh trên đàn gia súc.

Các địa phương chưa có dịch cũng cần hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh, phun thuốc sát trùng chuồng trại nhất là vào thời điểm giao mùa.  

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.