| Hotline: 0983.970.780

Không dễ sống với mẹ chồng dễ tính

Thứ Bảy 20/05/2017 , 08:45 (GMT+7)

Mấy cô con dâu trong xóm rảnh rỗi thường tụ tập với nhau “tám” đủ thứ chuyện. Tất nhiên chủ đề chính luôn là chuyện nhà chồng. Đặc biệt, dạo này trên tivi đang chiếu bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” nên chuyện thời sự nóng hổi là về bộ phim.

Nhìn chung, các ý kiến đều cho rằng, thật ra, cái kiểu mẹ chồng như bà Phương trong phim không phải là cá biệt. Chẳng qua, đạo diễn chỉ tập trung các tính xấu của các bà mẹ chồng vào một bà mẹ chồng điển hình mà thôi. Để chứng minh, mỗi nàng dâu lại kể một chuyện nào đó về mẹ chồng của mình. 

Với họ, chẳng có bà mẹ chồng nào đáng gọi là tử tế hay tốt bụng cả. Bà nào cũng khó tính, hay xét nét, bới móc con dâu...

Chỉ riêng Dung im lặng, không đưa ra ý kiến gì. Thấy lạ, mọi người xúm vào hỏi han. Dung cười buồn: “Thật ra, mẹ chồng em dễ tính lắm! Bà coi em như con gái vậy. Nhưng mà…”. Dung phảy tay, ra ý muốn chấm dứt câu chuyện. Các nàng dâu khác đâu có chịu để yên, nhất quyết “quay” cho bằng được. Ngần ngừ một hồi, Dung kể…

Đúng là bà Khôi, mẹ chồng Dung dễ tính, xuề xòa, thích nói chuyện nên lúc mới về, cô rất quý bà, thường xuyên tâm tình, trò chuyện. Tuy nhiên, chỉ sau nửa tháng, Dung thấy ngại cái tính có phần bỗ bã của mẹ chồng. Hàng ngày, các con đi làm hết nên bà Khôi rảnh rỗi. Như nhiều phụ nữ nông thôn ra thành phố khác, bà Khôi thích sang nhà hàng xóm cà kê dê ngỗng, buôn chuyện.

Tối về, sau khi giải quyết công việc nhà, Dung muốn cùng chồng tâm sự, trò chuyện hay rủ nhau ra ngoài xem phim, dạo chơi…thì bà Khôi lại nhất quyết bắt cô con dâu “hầu chuyện”. Bà nói thẳng, bà rất thích có con dâu để tâm tình, chứ chồng và con trai lúc nào cũng câm như hến nên bà chán lắm. Thời gian đầu, để mẹ vui, Dung chịu khó ngồi nghe bà nói. Khổ nỗi, những câu chuyện của mẹ chồng khiến Dung không hề muốn nghe. Toàn là những chuyện kiểu “ngồi lê đôi mách”, “nhìn vào lỗ khóa” nhà hàng xóm, lại qua cách kể thêm mắm dặm muối, bỗ bã kiểu “thấy gì nói nấy” khiến Dung luôn đỏ mặt vì xấu hổ.

Ví dụ như, bà kể, vợ chồng con A tối qua tí tởn với nhau chưa đủ hay sao mà sáng bảnh mắt ra chưa chịu dậy đi làm. Nhìn thấy cái môi con bé sưng vều, biết là tối qua chúng nó “chiến đấu” quá đà. Hoặc chuyện bà góa phụ đầu xóm đã ngoài 50 tuổi mà còn diện váy mỏng dính, ngắn tũn suýt hở mông, môi đỏ như đít gà mới đẻ…

Dung khẽ khàng nhắc bà: “Chuyện nhà người ta, mẹ đừng để ý làm gì!”. Thế là mẹ chồng Dung cười hơ hớ: “Con nghe sướng tai thế mà còn giả vờ cản mẹ!” khiến Dung rất khó chịu. Cô chỉ có thể cằn nhằn với chồng là mẹ hay nói huyên thuyên nhưng chồng chỉ bảo: “Em không thích nghe thì tránh đi”. Nhưng tránh thế nào khi mẹ chồng cứ sán đến cạnh con dâu, không muốn nghe cũng cứ nói.

Nhưng khổ nhất với Dung là chuyện bà Khôi thiếu ý tứ. Thời gian đầu, mỗi khi dùng nhà vệ sinh, quen như khi ở nhà, Dung chỉ đóng chứ không khóa chốt cửa. Thế là không chỉ một lần, bà Khôi mở cửa thò đầu vào: “Xong chưa! Nhanh lên! Mẹ mót lắm!”. Hay những lúc Dung đang tắm, bà Khôi cứ thản nhiên bước vào vào với lý do: “Mẹ muốn rửa tay” hoặc “cần tí xà phòng…”. Dung khó chịu: “Mẹ phải gõ cửa chứ!”. Bà Khôi cười toe toét: “Cũng là đàn bà cả! Gõ cửa làm gì! Vẽ chuyện!”.

Khi Dung sinh con, bà Khôi dành làm mọi việc để con dâu nghỉ ngơi khiến Dung rất cảm kích. Buổi tối, bà đòi ngủ chung với con dâu để trông cháu. Nhưng bà ngủ say, ngáy ầm ĩ khiến cả Dung và con chẳng thể nào ngủ được. Nhưng tìm mọi cách để mời bà về phòng “ngủ cho khỏe”, bà nhất định không chịu. Mỗi khi Dung cho con bú, bà cứ tự nhiên vén áo cô lên xem, tự nhiên nắn bóp để “xuống sữa” khiến Dung rất xấu hổ. Khi cô phản ứng thì bà lại cười hơ hớ: “Mẹ con với nhau mà cũng ngại à!”.

“Tuy mẹ chồng rất dễ tính, gần gũi, chăm sóc con dâu chu đáo. Nhưng cứ bỗ bã như thế, mình cũng không chịu nổi!”. Dung kết luận .

Đúng là chuyện mẹ chồng nàng dâu thật khó dung hòa. Mẹ chồng khó tính, khổ đã đành. Mẹ chồng dễ tính, cũng chẳng sướng hơn!

(Kiến thức gia đình số 19)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm