Bản đồ quy hoạch kiến trúc khu du lịch tâm linh Hương Sơn cho thấy có nhiều hạng mục xây dựng ảnh hưởng đến quần thể di tích |
Lập lờ trong việc đề xuất dự án nằm ngoài rìa di tích Hương Sơn?
Trả lời báo VietNamnet, ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc DNXT cho biết: “Dự án mà chúng tôi đề xuất chỉ nằm ở phần rìa của chùa Hương (xã Hương Sơn) - cách chùa Hương khoảng 7km chứ không phải đầu tư xây dựng vào đất tôn giáo. Khu du lịch tâm linh này nằm giữa chùa Tam Chúc và chùa Hương là điểm kết nối quan trọng cố đô Hoa Lư với các danh thắng khác”.
Với phát biểu trên, ông Trường đã cố tình lái dư luận hiểu rằng dự án không ảnh hưởng gì đến chùa Hương mà quên rằng, quần thể Hương Sơn được công nhận di tích quốc gia đặc biệt không những gồm có chùa Hương mà còn có nhiều di tích, thắng cảnh khác. Bên cạnh cảnh sắc thiên tạo hiếm có, như: Suối Yến, động Hương Tích, động Tiên Sơn, suối Giải Oan…, quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn còn nổi tiếng nhờ hệ sinh thái đa dạng, các công trình kiến trúc, lịch sử như đền Trình, chùa Thiên Trù, đền Cửa Võng…
Trong báo cáo tóm tắt dự án gửi UBND TP Hà Nội, DNXT có đính kèm bản đồ quy hoạch không gian kiến trúc, cảnh quan Khu du lịch Hương Sơn (có sơ đồ kèm theo). Theo bản đồ đó, bủa vây xung quanh đền Trình, chùa Thiên Trù, đền Cửa Võng là hệ thống các hạng mục được đánh số 7,8,9,10… mà DNXT đề xuất xây dựng như nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, resort, khu gửi xe, đón tiếp... Đặc biệt, siêu tháp cao 100 mét được đề xuất xây ngay gần đền Mẫu không xa. Chỉ nhìn vào mật độ xây dựng dày đặc như vậy cũng đủ thấy các hạng mục này đều nằm ở khu vực II phải bảo vệ đối với di tích quốc gia đặc biệt theo Luật Di sản văn hóa. Các chuyên gia văn hóa không khỏi lo ngại quần thể di tích Hương Sơn sẽ bị biến dạng, bị bê tông hóa bởi khối lượng xây dựng lớn như vậy.
Đặc biệt, trong quần thể Hương Sơn, khu vực suối Yến là khu vực bảo vệ 1, tuyệt đối không được xâm phạm. Ý tưởng đề xuất đào bới, tạo hang thủy và đường hành hương mới theo đường thủy từ Suối Yến chảy về Hồ Tam Chúc là vi phạm nghiêm trọng, phá vỡ yếu tố gốc của di tích quốc gia đặc biệt, ảnh hưởng đến long mạch chùa Hương. Theo Ông Nguyễn Trọng Tuệ, Chủ tịch Câu lạc bộ Phong thủy Thăng Long - Hà Nội: Nếu tác động vào mạch Chùa Hương thì có nghĩa là tác động lên Bạch Hổ, khi động thì đương nhiên giữa là Thăng Long, Hà Nội sẽ động. Giống như khi dùng sắt chọc vào chân, tay sẽ tác động đến thần kinh là đau. Trong phong thủy có quy định, Thanh Long là cát thần, chủ về văn, nam, trưởng. Còn Bạch Hổ là chủ về hung thần, võ, nữ, thứ. Nếu tác động vào suối Yến, có nghĩa là hung thần bị kích động, sẽ sinh biến loạn. Tất cả những gì tác động không tốt vào khu vực Chùa Hương thì đều ảnh hưởng hết vào trung tâm.
Đề xuất con đường di sản tâm linh mà doanh nghiệp Xuân Trường nhiều lần nhắc đến |
Phân tích về mặt pháp lý, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định đề xuất của DNXT có nhiều điểm không hợp lý, thậm chí là trái luật. Theo "Điều 32 Luật Di sản văn hóa quy định: Ngoài việc phải bảo vệ nguyên trạng khu di tích quốc gia Hương Tích (khu vực I) thì khu vực bao quanh chùa Hương Tích (khu vực II) cũng nằm trong đối tượng được bảo vệ và chỉ được xây dựng những công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.
Quyết định 201/QĐ-TTg ngày 22-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì hiện Thủ tướng không có chủ trương quy hoạch địa bàn nêu trên thành khu du lịch tâm linh. Đó là chưa kể phạm vi dự án 1.500 ha DNXT đề xuất còn có thể chồng lấn vào một số dự án khác đang triển khai, vi phạm quy định của Luật Đầu tư.
Cổng vào kết hợp trạm thu phí tại Khu du lịch Tam Chúc đang được xây dựng |
Dễ gây hiểu sai chủ trương của Chính phủ về tuyến đường Bái Đính - Chùa Hương?
Trong nhiều phát biểu trên báo chí gần đây, ông Nguyễn Văn Trường thường nêu thông tin: Chính phủ đã đồng ý cho xây dựng tuyến đường từ Bái Đính đến chùa Hương dài 35km. Hà Nội cũng đang triển khai tuyến đường từ Mỹ Đình tới chùa Hương. Đây sẽ là trục đường chính của Hương Sơn trong tương lai kết nối các điểm du lịch với nhau…
Thông tin trên dễ khiến dư luận hiểu lầm rằng Chính phủ đã quyết định chủ trương đầu tư và bố trí ngân sách cho việc xây dựng tuyến đường Bái Đính – Chùa Hương. Sự thật vấn đề này như thế nào?
Trong văn bản gần nhất là Quyết định số 519/QĐ-Ttg ngày 31-3-2016 về Phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì tuyến đường này chỉ được nêu nằm trong quy hoạch mạng lưới ngoài đô thị của TP Hà Nội và là đường tỉnh, đường liên huyện. Quyết định nêu: “Xây dựng 31 trục đường tỉnh, đường liên huyện có tính chất quan trọng về giao thông với tổng chiều dài Khoảng 611 km theo quy mô đường cấp III và cấp II đồng bằng trên cơ sở bám theo các đường tỉnh hiện có và bổ sung các trục mới gồm: Đường trục phát triển kinh tế Bắc - Nam; đường trục phát triển kinh tế phía Nam có kết nối với đường Bái Đính - Ba Sao; đường trục Đỗ Xá - Quan Sơn; đường trục Chúc Sơn - Miếu Môn - Hương Sơn”... Như vậy, quyết định này chỉ gián tiếp nhắc chứ không hề nêu cụ thể có tuyến đường Bái Đính - Chùa Hương...
Dự án kết nối tâm linh, trục đường tâm linh để kêu gọi đầu tư vốn ngân sách cho việc khai thác các khu du lịch Bái Đính – Tràng An và Tam Chúc mà DN Xuân Trường đang triển khai chưa phải là công trình cấp thiết. Vì vây thiết nghĩ, Chính phủ và các bộ, ngành và TP Hà Nội cần cân nhắc kỹ khi rót vốn quá nhiều cho du lịch tâm linh và các hạng mục hạ tầng chưa cần thiết và cấp bách.