| Hotline: 0983.970.780

Khu vườn '6 trong 1' của lão nông Lâm Đồng

Thứ Sáu 24/07/2020 , 10:40 (GMT+7)

Khác với những người hàng xóm, ông Nguyễn Tấn Phương “biến” khu vườn của gia đình thành tổ hợp cây trồng và thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Để tăng thu nhập, ông Nguyễn Tấn Phương tập trung phát triển vườn theo hướng xen canh. Ảnh: Minh Hậu.

Để tăng thu nhập, ông Nguyễn Tấn Phương tập trung phát triển vườn theo hướng xen canh. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Nguyễn Tấn Phương (54 tuổi, ngụ thôn Tân Nghĩa, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, Lâm Đồng) quê gốc ở Quảng Ngãi. Năm 1988, ông khăn gói rời quê vào Di Linh lập nghiệp. Những ngày đầu đặt chân ở miền đất mới, ông phải đến các nương rẫy của người dân để xin làm thuê, kiếm tiền sống qua ngày.

Đến khoảng năm 1990, khi đã có đất sản xuất trong tay, ông bắt đầu mua giống cà phê về trồng và cuộc sống ở vùng đất mới bắt đầu khởi sắc.

Ông tâm sự, ngày đó, khi cà phê đang còn nhỏ, chưa cho thu hoạch thì ông trồng thêm đậu tương, khoai, đậu phộng để phát triển kinh tế. Cứ thế, đến khoảng năm 1994, khi vườn cho thu nhập cao, ông lại dành số tiền có được để mua thêm đất, mở rộng vườn trồng cà phê.

Bước chân xuống khu vườn xanh ngát, nằm trải rộng trên sườn đồi, lão nông 54 tuổi thổ lộ, những năm gần đây, giá cà phê xuống thấp nên gia đình phải chuyển dần sang hướng xen canh.

Trên diện tích 2,3ha, ông vẫn giữa 1.500 gốc cà phê cả cũ lẫn lứa mới tái canh và xác định đây vẫn là cây chủ lực. Ở khu vực giáp ranh, bờ lô, ông trồng 150 cây mít Thái để vừa làm cây che bóng, chắn gió cho cà phê vừa làm cây cải thiện nguồn thu.

Lứa cà phê tái canh năm 2017 của gia đình ông Phương phát triển mạnh, cho trái nhiều. Ảnh: Minh Hậu.

Lứa cà phê tái canh năm 2017 của gia đình ông Phương phát triển mạnh, cho trái nhiều. Ảnh: Minh Hậu.

Chỉ tay về phía trái con đường giữa khu vườn, ông Nguyễn Tấn Phương hồ hởi chia sẻ: “Bên này tôi trồng thêm cả hồ tiêu, bơ, sầu riêng, mãng cầu gai. Tính trên toàn bộ diện tích thì hiện có khoảng 1.000 trụ tiêu, 150 cây sầu riêng, 300 cây bơ, 80 cây mãng cầu gai. Chính vì trồng xen như thế nên năm rồi, giá cà phê xuống thấp mình vẫn đảm bảo được nguồn thu nhập”.

6 loại cây trồng trên cùng diện tích vườn nhưng với sự phân bổ hợp lý, khoa học kết hợp cùng quy trình chăm sóc tỉ mỉ nên cây nào cũng phát triển mạnh. Ở nền đất vườn, ông vẫn để cỏ mọc thành thảm và chỉ dùng máy cắt bỏ phần ngọn mỗi khi cỏ quá tốt.

Ông chia sẻ: “Ngày trước tôi dùng thuốc diệt cỏ và có phần lạm dụng phân bón hóa học nên đất vườn cứ ngày càng khô cằn. Bây giờ, để lấy lại màu cho đất, lấy lại hệ sinh thái cho vườn, tôi sử dụng phân chuồng, phân có chứa yếu tố vi sinh và quan trọng hơn là để cỏ”.

Cũng theo ông Phương, khi cỏ tạo thành thảm ở vườn, độ ẩm của đất tự nhiên tăng cao, giun đất và các loại côn trùng khác cũng phát triển khiến đất trở nên tơi xốp.

Ở vườn, ông Phương vẫn để cỏ mọc nhằm giữ độ ẩm và phát triển hệ vi sinh. Ảnh. Minh Hậu.

Ở vườn, ông Phương vẫn để cỏ mọc nhằm giữ độ ẩm và phát triển hệ vi sinh. Ảnh. Minh Hậu.

Hiện nay, khu vườn "6 trong 1" của ông Phương cho thu hoạch đều đặn hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông chia sẻ, 2 năm gần đây, cà phê và hồ tiêu cho thu nhập đều đặn. Niên vụ 2019, lứa cà phê cũ và lứa tái canh 2017 cho gia đình thu về 8 tấn nhân, 2 tấn hồ tiêu. Tổng thu nhập từ hai cây trồng này gần 350 triệu đồng.

“Hiện nay, các loại cây trồng khác như bơ, mít Thái đã cho thu bói. Dự kiến, những cầy này sẽ cho thu hoạch chính vào năm sau. Một số cây khác như sầu riêng, mãng cầu gai đang phát triển và dự kiến thu bói vào năm 2022”, nông dân Nguyễn Tấn Phương chia sẻ và cho biết thêm, ở xã Tân Nghĩa, người dân vẫn chỉ tập trung phát triển cà phê, ít người thực hiện mô hình xen canh. Do vậy, khu vườn của ông nổi bật giữa vùng cà phê và cũng là nông hộ có nguồn thu nhập ổn định hơn hẳn.

Về kinh nghiệm phát triển vườn, ông Phương thổ lộ, bản thân được tham gia nhiều chương trình tập huấn kỹ thuật canh tác nên có kiến thức cơ bản về cách phân bổ cây. Ngoài ra, ông cũng thường xuyên theo dõi các chương trình truyền hình về nông nghiệp, kỹ thuật làm vườn của các nhóm, hội trên trang Youtube để tự học hỏi, nâng cao kiến thức làm vườn.

Những trụ hồ tiêu phát triển mạnh trong vườn cà phê. Ảnh: Minh Hậu.

Những trụ hồ tiêu phát triển mạnh trong vườn cà phê. Ảnh: Minh Hậu.

Vừa kiểm tra trái của cây mít Thái ở bờ lô, nông dân 54 tuổi vừa thổ lộ, nếu làm khoa học thì trên cùng đơn vị diện tích, người làm vườn có cơ hội phát triển tốt hơn.

“Trường hợp giá cà phê xuống thấp thì những cây còn lại sẽ bù vào để đảm bảo nguồn thu. Vườn 6 loại cây và việc tất cả nông sản của 6 loại cùng rớt giá là rất hiếm”, ông Nguyễn Tấn Phương thổ lộ.

Ông Nguyễn Công Phóng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Nghĩa cho biết, những năm gần đây, vườn cây của gia đình ông Phương cho thu nhập cao và ổn định bậc nhất ở xã. Vườn cây được bố trí khoa học, chăm sóc phù hợp nên phát triển mạnh. Do vậy, xã Tân Nghĩa nhiều lần tổ chức cho người dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Cũng theo ông Phóng, năm 2015, ông Nguyễn Tấn Phương được Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.