| Hotline: 0983.970.780

Khúc tưởng niệm Quỳnh - Vũ

Thứ Sáu 29/08/2008 , 08:00 (GMT+7)

Ngày 29/8 ấy khía vào tâm trí tôi cảm nhận hãi hùng: Vũ tuổi Tý, tích lịch hoả, sáng chói lên chốc lát rồi vụt tắt.

Năm 1988, tôi còn ngược xuôi trên các nẻo đường, cái tai nạn thảm khốc ở cầu Phú Lương khiến căn gác hẹp của anh chị không còn người nào, tôi chỉ nghe qua radio ở đâu đó trên mạn ngược. Nhưng cái ngày 29/8 ấy thì tôi nhớ, nó khía vào tâm trí tôi cảm nhận hãi hùng: Vũ tuổi Tý, tích lịch hoả, sáng chói lên chốc lát rồi vụt tắt. 

Mấy năm đầu đến với báo Nông nghiệp Việt Nam, những buổi trưa tôi hay đi qua Nhà hát kịch Hà Nội sang phía bên kia Tràng Tiền để ăn cơm bụi. Không mấy ngày là ở đó không diễn kịch Lưu Quang Vũ: Tôi và chúng ta, Lời thề thứ 9, Người tốt nhà số 5Bỗng trưa ấy, tôi nhìn thấy dưới tấm pano quảng cáo kịch, có ảnh Lưu Quang Vũ, bên dưới thấy lon bia đựng ba nén hương nghi ngút khói. Giật mình nhớ ra: 29/ 8/1991, ngày giỗ lần thứ ba của vợ chồng anh chị Vũ - Quỳnh và cháu Mí!

Tôi đứng chắp tay trước chân dung anh. Buồn vui lẫn lộn. Anh chị sinh ra để làm thơ. Đây là thơ anh:

Sao sông tên là Thương
Để cho lòng anh nhớ
Chuyện xưa kể đôi dòng lệ nhỏ
Những suối buồn chảy đến mênh mông.

Và đây là thơ chị:

Ngọn gió Lào cát trắng của đời tôi
Tôi của cát của gió Lào khắc nghiệt

Sự sẻ chia những buồn đau, khắc nghiệt của nhân quần là đích đến của anh chị. Họ như sinh ra để hát cho những người đang yêu, đang gặp những trắc trở về tình ái, về số phận nghe, ai lắng nghe được thì vơi đi đến quá nửa nhọc nhằn, ngang trái. Mỗi lần nghe ai đó hát Thuyền và biển, lòng cứ sôi réo lên niềm nhân ái, cứ thấy cuộc đời dẫu sao thì vẫn đẹp, vì mình còn được sống để yêu thương nhau, còn họ thì…

Tin bài liên quan

. Đêm tưởng nhớ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh
. Những ngày cuối cùng của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ (Kỳ 3)
. Phát sóng “Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh gửi lại”
. Những ngày cuối cùng của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ
. Chút hương “Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh gửi lại''

Ấy thế mà rồi Lưu Quang Vũ đã phải cao giọng lên mà can dự vào những nhếch nhác và bẩn thỉu của ấu trí, của bất công và của những âm mưu lừa lọc cứ bầy ra trước mắt – cái việc ấy là cứ phải kịch. Anh nén chặt hồn thơ, tôi đoán vậy, để làm cái việc trước mắt - một việc vừa kiếm tiền nuôi vợ con vừa đóng góp với cộng đồng những kiến giải xã hội, những tiếng lĩnh xướng cho cộng đồng chống tiêu cực, xấu xa hoặc đơn giản để giải toả những ùn tấp bất mãn. Ba nén nhang nghi ngút khói kia hẳn không phải của một trí thức, của bạn anh; nó là của nhân dân, ai đó đã nhớ ngày giỗ anh chị và cháu Mí, họ thắp để tưởng niệm, để bầy tỏ lòng biết ơn người đã dũng cảm nói thay nỗi niềm mà họ không dám bầy tỏ hoặc đơn giản vì họ không biết cách bầy tỏ. 

Vậy là ngọn lửa khao khát làm thơ của anh đã bị vùi sâu dưới ba thước đất. Tài của anh là ở thơ. Đến những năm 60, 70 của thế kỷ XX, trong khi các nhà thơ vẫn chuyên chú vào SX và chiến đấu, vào những việc rất ít thơ, thì Lưu Quang Vũ đã viết về những nét đẹp cất giữ rất sâu trong lòng người:

Tâm hồn anh dằn vặt cuộc đời anh
Thắp một ngọn đèn hồng như ánh lửa
Đêm sâu quá đêm nào biết ngủ
Chỉ con người đến ngủ giữa đêm thôi
Mà có ngủ đâu người ta đợi mặt trời
Đợi lâu quá nên để cơn mơ chờ đợi vậy
Trong cơn mơ là cuộc đời thức dậy
Con ong vàng bé nhỏ đến tìm em

(Bầy ong trong đêm sâu)

Và đây nữa, thơ thế hệ chống Mỹ bây giờ ít khi được thế hệ 8X ngó ngàng tới, nhưng thơ anh thì họ đọc, vì nó chính là chất mật của tuổi trẻ với tất cả sự đắm đuối của họ:

Nơi lá chuối che nghiêng như một cánh buồm
Cánh buồm xanh đi về trong hạnh phúc
Se sẽ chứ không cánh buồm bay mất
Qua dịu dàng ẩm ướt của làn môi

Bốn câu này trích từ Vườn trong phố anh viết năm 17 tuổi, như là bước chân thứ nhất anh chững chạc bước vào nền thơ Việt. Năm 1978, anh có vở kịch Sống mãi tuổi 17, như một bước chân thứ nhất vào nền kịch nghệ Việt hiện đại, rồi đỉnh cao là Hồn Trương Ba da hàng thịt, anh đã xứng đáng là người kế tục xuất sắc của nền kịch nói còn non trẻ nhưng đã có đỉnh cao Vũ Như Tô - Nguyễn Huy Tưởng; để rồi suốt 10 năm tiếp theo, kịch bản giàu lửa của anh đã thắp sáng đêm đêm ở cả  53 tỉnh thành trong cả nước. Lửa hồn anh đấy.

Nhưng anh đã không còn kịp quay về với thơ để trở thành nhà thơ lớn nhất trong tất cả các nhà thơ cùng thời với chúng tôi, như Vườn trong phố đã hứa hẹn.

Giời không cho anh? hay giời chưa cho nền thơ Việt, giời còn hẹn cho vào dịp khác?

Tôi biết tác giả Chồi biếc khi chị vừa từ Đoàn Ca Múa TW về báo Văn nghệ. Chị viết thư cho tôi, sau khi nhận được chùm thơ tôi gửi về: “Cả chùm đều không in được, chán thế. Bài Giá một ngày ta sống hay nhưng in ra để bị thổi còi thì in làm gì. Bài Nông trường tôi dở, nhưng có một câu lạ: “Dù là cỏ cũng có thời không chịu mọc.” Tôi đợi những chùm sau của VC.”

Thông minh nhưng được học trong nhà trường ít quá, cái thế giới tri thức nó bẫy chị, chị ngã vào cái người học nhiều nhưng anh ta đã không xứng với tình yêu đắm đuối của chị. Có lúc chị cũng thật “đáo để” khi vẽ chân dung một anh: “Cái ông ấy là người rửa tay ở vòi nước bên này rồi tráng lại ở vòi bên kia.”

Chị hơn anh 6 tuổi, càng sống với nhau, cái chênh lệch ấy càng làm khổ nhau. Chị có bài thơ Quen, nói về việc giặt áo cho chồng. Lần đầu thì giặt với tất cả sự âu yếm nâng niu. Nhưng giặt lâu quá rồi thì lại chỉ còn là …thói quen. Và như vậy, một lần nữa chị lại rơi vào niềm cay đắng của tình yêu đặt vào chỗ vắng vẻ. Có bao nhiêu nỗi niềm khi chị nói với bạn bè: “Ôi dào, yêu nhau được 10 năm là lãi rồi.” Người ta vẫn thấy chị Xuân Quỳnh lấy sự đùa giễu để che đi con người thực chị từng viết trong Tự hát:

Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt đời thường ai chẳng có
Vẫn ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.
 

Hình như anh có nghĩ ngợi? Anh nghĩ gì trong lòng thì không rõ, chỉ biết những ngày tháng cuối cùng, khi chị bị bênh tim, khi chị gượng lại thì anh đưa chị và cháu Mí đi nghỉ ở Đồ Sơn. Khi về, cách cầu Phú Lương 6 km nữa, anh đang ngồi phía phải thì đổi sang bên trái chiều xe đi cho hoạ sỹ Doãn Châu thế chỗ của mình. Một chiếc xe tải quệt qua, nó đã cướp đi tất cả.   

Vậy là chẵn 20 năm đã qua!

Nhưng tôi chợt nghĩ, ngay cả cái chết cũng không thể xoá đi tất cả. Chị vẫn là một nhà thơ lớn kiêm nhà thơ nữ lớn nhất thời đại mình; anh lớn nhất thời mình sống ở sự nghiệp thứ hai và chỉ thế thôi, cái chết đã ngăn không cho anh đi đến cái đỉnh thứ nhất của mà anh hằng ngưỡng vọng.

Xem thêm
Loạt phim chiếu rạp hè chất lượng trong năm 2024

Các bộ phim bom tấn Hollywood bắt đầu ra rạp, hứa hẹn tạo nên một mùa hè rực rỡ với nhiều kỳ vọng vào các cột mốc doanh thu ấn tượng.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

HLV Mai Đức Chung bất ngờ trở lại ĐT nữ Việt Nam

HLV Mai Đức Chung sắp trở lại với công việc làm HLV trưởng ĐT Nữ Việt Nam vì VFF chưa chốt được HLV mới.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.