| Hotline: 0983.970.780

Khủng hoảng tị nạn châu Âu: Từ nơi bắt đầu

Thứ Sáu 25/09/2015 , 10:01 (GMT+7)

Cuộc khủng hoảng người tị nạn mà châu Âu đang đối mặt được đánh giá ở múc độ tồi tệ nhất kể từ sau thế chiến thứ II.

Trước khi bắt đầu bài báo, tôi muốn nhấn mạnh một sự hiểu lầm nguy hiểm về khái niệm mà không chỉ các bài báo trong nước mà cả các báo quốc tế đã mắc phải. Trong vài tuần qua khi cuộc khủng hoảng lên đến cao trào, rất nhiều đầu báo đã dùng hai khái niệm 'người di cư' và 'người tị nạn' như là hai khái niệm đồng nghĩa.

Đó là một sự đánh đồng nguy hiểm.

Như Barry Malone, cây viết của tờ Al Jazeera, và UNHCR (tổ chức tị nạn Liên Hiệp Quốc) đã nói là 'không có cuộc khủng hoảng di cư nào cả, đây là cuộc khủng hoảng tị nạn'.

Theo như tuyên bố chung Geneva về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc, người tị nạn khác hoàn toàn với người di cư ở điểm họ bị buộc phải dời khỏi nơi sinh sống vì 'lo sợ mạng sống của họ bị đe doạ vì vấn đề giới tính, chủng tộc, tôn giáo, chiến tranh, xung đột vũ trang...'.

Hiệp ước Geneva cũng xác định các nước thành viên phải hộ trợ nhân đạo cho người tị nạn. Rõ ràng, những con người đang ngày đêm đánh đổi mạng sống của mình qua những cuộc hành trình vượt biển nguy hiểm không phải là người di cư. Họ phải rời đất nước của họ vì họ không có sự lựa chọn nào khác. Nếu như chúng ta gọi cuộc khủng hoảng hiện nay là 'khủng hoảng di cư' thì chúng ta đã hiểu sai bản chất của vấn đề.

Để có thể tìm được thời điểm chính xác cho cuộc khủng hoảng này là gần như không thể. Một phần vì sự đa quốc gia của những người tị nạn. Theo số liệu từ World Bank thì hai quốc gia có số người tị nạn cao nhất ở Trung Đông là Afghanistan và Syria với khoảng hơn 2 triệu người ở mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, trong các dòng người tị nạn ở Hungary, trên bờ biển Hy Lạp còn có những người Eritrea, Nigeria, Somalia... Họ bị đe doạ bởi bạo lực hoành hành ở đất nước họ (Boko Haram ở Nigeria, Al- Shabaab ở Somalia hay chế độ độc tài ở Eritrea). Mỗi người tị nạn đều có những câu chuyện riêng, những mất mát và khó khăn đã trải qua nhưng tựu trung, họ chấp nhận đánh đổi mạng sống của mình trên những hành trình nguy hiểm để đến được châu Âu vì theo như lời của một người tị nạn Syria được phỏng vấn bởi VICE News: 'Tôi thà chết ở biển Địa Trung Hải còn hơn là chết bởi bom đạn ở Syria'.

Việc xác định được thời điểm bắt đầu của cuộc khủng hoảng này có thể khá khó khăn. Tuy nhiên, việc xác định mốc thời gian khi mà châu Âu bắt đầu chú ý đến cuộc khủng hoảng là việc trong tầm tay. Có thể điểm qua những mốc thời gian quan trọng của cuộc khủng hoảng, nhìn từ châu Âu.

31/10/2014:

Italy tuyên bố họ sẽ chấm dứt chương trình cứu hộ Mare Nostrum sau gần một năm hoạt động vì lí do không đủ kinh phí. Frontex, cơ quan kiểm soát biên giới của EU quyết định bắt đầu chiến dịch Tritan với qui mô nhỏ hơn nhiều Mare Nostrum. Tritan có tính tuần tra biên giới hơn là cứu nạn người gặp nạn trên biển vì nếu như phạm vi hoạt động của Mare Nostrum là đến tận gần bờ biển Libya thì Tritan chỉ giới hạn trong lãnh hải Italy.

Kinh phí hoạt động cũng chỉ ra rằng Tritan có quy mô nhỏ hơn nhiều so với Mare Nostrum, ở mức 1,9 triệu Euro/ tháng so với 9 triệu. Vào thời điểm Mare Nostrum dừng hoạt động, hàng loạt các tổ chức nhân đạo đã cảnh báo rằng số người tị nạn chết trên biển sẽ ra tăng chóng mặt với sự kết thúc của chương trình (Frontex).

19/4/2015:

Sự lo ngại của các tổ chức nhân đạo chở thành sự thật kinh hoàng khi một con thuyền cũ kĩ và được đánh giá là 'không đủ điều kiện đi biển' lật 70 dặm ngoài khơi Libya (phạm vi đáng lẽ ra được tuần tra bởi Mare Nostrum), cướp đi sinh mạng của hơn 800 người tị nạn. UNHCR cho biết đây là thảm hoạ tồi tệ nhất trên biển Địa Trung Hải cho đến nay.

Một ngày sau đó, các lãnh đạo châu Âu tham gia một cuộc họp khẩn cấp để bàn về các giải pháp để đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo đang dần hình thành. Tuy vậy, ngoài việc tăng cường tuần tra và kêu gọi các tàu quanh khu vực hỗ trợ, không có một giải pháp cụ thể nào được thống nhất.

30/5/2015:

Thị trưởng thành đảo Lesbos ở Hy Lạp kêu gọi sự giúp đỡ của các nước thành viên châu Âu khi mà Lesbos 'không thể đối mặt' với mật độ người tị nạn đến đảo qua biển Aegaen từ Thổ Nhĩ Kì. Có những hôm có khoảng 600 người tị nạn đến đảo qua những con thuyền cao su trong một ngày. Hi Lạp là điểm trung chuyển cao thứ hai sau Italy. Một điểm đến bắt buộc trước khi những người tị nạn bắt đầu hành trình đến các nước Tây Âu, Bắc Âu.

17/6/2015:

Hungary tuyên bố xây dựng hàng rào thép gai dọc biên giới với Serbia để ngăn dòng người tị nạn hành trình trên bộ từ Thổ Nhĩ Kì sang. Đây là biện pháp cứng rắn nhất cho đến thời điểm đó của một nước thành viên EU đối với người tị nạn. Nó thể hiện lập trường của Hungary đối với cuộc khủng hoảng.

28/7/2015:

Khoảng hơn 2.000 người tị nạn cố gắng tràn qua hàng rào ở Calais (điểm trung chuyển giữa Anh và Pháp) để bám trụ vào những chiếc xe tải chuẩn bị đi vào Anh tạo nên sự kiện mà báo chí Anh gọi là 'cuộc khủng hoảng Calais’.

Tuy nhiên, điều mà không nhiều người biết là trại tị nạn tự dựng ở Calais - 'khu rừng' - đã ở đây từ năm 2002. Những hình ảnh về điều kiện sống gần như nguyên thuỷ của những người tị nạn ở 'khu rừng' đã tạo nên một làn sóng vận động ủng hộ nhân đạo ở Anh với rất nhiều cá nhân tự đứng ra quyên góp để ủng hộ cho những người tị nạn.

Tuy nhiên, Thủ tướng David Cameron tuyên bố sẽ 'bảo vệ biên giới Anh bằng mọi cách và gia tăng các biện pháp tuần tra ở khu vực'.

Ông Thủ Tướng không nhắc đến việc Vương Quốc Anh sẽ làm gì để giải quyết những người tị nạn đang mắc kẹt ở khắp châu Âu.

28/8/2015:

Người dân sống gần đường cao tốc nối Budapest với Vienna thông báo cho cảnh sát về một chiếc xe tải bị bỏ lại ven đường đã 2 ngày. Khi cửa xe được mở ra, một cảnh tượng kinh hoàng được chứng kiến khi 70 người tị nạn, phần lớn từ Syria đã chết ngạt trong thùng xe.

Điều này càng làm rõ hơn những nguy hiểm mà người tị nạn phải trải qua trên con đường đến một nơi an toàn hơn cho gia đình họ.

Cùng lúc đó, UNHCR thông báo đã có khoảng 2.500 người tị nạn thiệt mạng trong năm 2015 (thời điểm nguy hiểm nhất cho những chuyến vượt biển tháng10 - 11 chưa bắt đầu) và cảnh báo đây có thể là năm tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng.

2 - 5/9/2015:

Bức ảnh của bé Aylan Kurdi người Syria bị chết đuối và dạt vào bờ một khu du lịch ở bờ biển Thổ Nhĩ Kì làm chấn động thế giới.

Đức và Áo tuyên bố sẽ chấp nhận tất cả người tị nạn đặt chân đến lãnh thổ của họ, Anh tuyên bố sẽ chấp nhận 20.000 người tị nạn Syria nhưng là trong 5 năm. Pháp cũng tuyên bố sẽ nhận thêm hơn 200.000 người tị nạn từ các trại tị nạn ở Italy và Hy Lạp.

Bức ảnh của bé Kurdi, theo như lời tờ New York Daily là đã 'làm xấu hổ tất cả chúng ta vì đã không hành động'.

13/9/2015:

Sau khi đã tỏ ra là nước đi đầu trong việc chấp nhận người tị nạn, Đức đã không thể tiếp tục đối mặt với số lượng người đến tăng chóng mặt từng ngày và họ đã phải tạm thời nối lại việc kiểm tra biên giới với Áo, đồng nghĩa với việc hàng trăm ngìn người tị nạn sẽ bị mắc kẹt ở các nước Balkan và Áo.

Điều này cho thấy giải pháp cho cuộc khủng hoảng tị nạn không thể đến từ một hay hai quốc gia mà nó phải có tính đồng bộ trên toàn EU.

Cho đến thời điểm này, Đức đã nhận gần 800.000 người tị nạn chủ yếu từ Syria và dự tính sẽ nhận khoảng 1 triệu người cho đến cuối năm 2015.

Các lãnh đạo EU đang nhóm họp để bàn về giải pháp với cuộc khủng hoảng tị nạn. Nhóm các nước ủng hộ cho EU nhận thêm người tị nạn gồm Thụy Điển, Pháp Áo và đặc biệt là Đức sẽ phải đối mặt với phe chống đối gồm Séc, Slovakia, Đan Mạch, Ba Lan, Romani và dẫn đầu bởi Hungary. Đây là một bài toán thực sự cho cam kết nhân đạo với cộng đồng quốc tế của EU.

HUY ANH (Từ Manchester, Anh)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Mỹ không còn hệ thống phòng không Patriot để gửi cho Ukraine

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Washington không còn hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, nhưng sẽ gây áp lực buộc EU và NATO chia sẻ cho Kiev.

Giới trẻ Trung Quốc ‘đua sống xanh’

Trung Quốc nỗ lực thực hiện ‘mục tiêu carbon kép’ đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và nuôi dưỡng thị trường cho các sản phẩm xanh.

Bình luận mới nhất