LTS: Từ lâu, khuyến nông luôn là người bạn thân thiết, đồng hành cùng nhà nông. Dấu chân khuyến nông đã in đậm trên con đường phát triển nông nghiệp của các địa phương. Họ đồng hành cùng nông dân trong xây dựng mô hình, tổ chức sản xuất, chuyển giao kỹ thuật..., là cầu nối thắt chặt mối liên kết sản xuất.
Nhiều sáng kiến vì nhà nông
Những cánh đồng lúa bạt ngàn chạy dọc theo kênh xáng Xà No – con đường lúa gạo của Hậu Giang giờ đã chuyển mình theo nền nông nghiệp số, nông nghiệp hiện đại thời 4.0. Máy cấy lúa, máy sạ cụm, máy bay phun thuốc BVTV, rải phân, máy giặt đập liên hợp…. đã thay thế hoàn toàn cho sức người. Nhà nông bây giờ không còn cảnh “chân lội bùn nhơ dưới trời mưa phùn”, thay vào đó, họ chỉ cần tổ chức sản xuất, bấm máy alô hẹn lịch là có đội dịch vụ khuyến nông phục vụ ân cần, chu đáo.
Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang (sau đây
Ông Võ Xuân Tân cho biết, nhờ vai trò hoạt động tích cực của khuyến nông tỉnh, tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 286.335 mô hình sản xuất hiệu quả có thu nhập 50 - 100 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, có 93.344 mô hình có doanh thu trên 100 triệu đồng/ha/năm, bình quân khoảng 95 triệu đồng/ha/năm.
gọi là Khuyến nông Hậu Giang) hồ hởi: “Khuyến nông bây giờ không chỉ làm mô hình, chuyển giao kỹ thuật mà còn làm dịch vụ để phục vụ nông dân ngày càng tốt hơn. Để phát triển dịch vụ, chúng tôi đã có sáng kiến thành lập Tổ vận hành máy bay phun thuốc BVTV thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp”.
Đây chính là một trong những sáng kiến khuyến nông của đơn vị vừa được được Bộ NN-PTNT tặng bằng khen vì đã có đóng góp to lớn cho sự phát triển chung của ngành nông nghiệp.
Hiện nay, Tổ vận hành máy bay phun thuốc BVTV gồm 13 thành viên là viên chức khuyến nông trực thuộc của Khuyến nông Hậu Giang. Với mục đích thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa trong canh tác cây lúa, nhất là trong khâu phun thuốc BVTV, gieo sạ và rải phân hóa học, phát triển dịch vụ có thu cho đơn vị. Đây là tiền đề để phát triển Tổ cung ứng dịch vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Tân đánh giá: “Đến nay, Tổ đã sử dụng máy bay phun thuốc phục vụ phun cho người dân trên diện tích hàng trăm ha, góp phần giải quyết vấn đề thiếu lao động trong phun thuốc BVTV, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và môi trường, nâng cao hiệu quả phòng trừ sâu bệnh trong sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập cho nông dân”.
Nhằm phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Khuyến nông Hậu Giang đã tiến hành điều tra, tổng hợp các mô hình sản xuất tốt (VietGAP, GlobalGAP và tương đương) và các loại mô hình sản xuất hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Nội dung sáng kiến nhằm điều tra và tổng hợp kết quả về các mô hình sản xuất hiệu quả trên địa bàn tỉnh ở các cấp độ, quy mô sản xuất khác nhau, kèm theo một số tài liệu kỹ thuật nhằm tuyên truyền và nhân rộng.
Sáng kiến đã thực hiện xong, có hiệu quả và được chuyển đến nhiều đơn vị nắm thông tin, phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo sản xuất, xây dựng mô hình của ngành và nhân rộng. Các file mềm kết quả được đăng tải lên Google Drive, mã quét QRcode.
Ứng dụng hệ thống mã số, mã vạch để xây dựng, quản lý và lưu hành sản phẩm nông sản tại đơn vị cũng là sáng kiến mà khuyến nông thực hiện, với nội dung xây dựng, hoàn thiện thủ tục cấp mã vạch cho các đơn vị. Đồng thời, thu thập thông tin các sản phẩm đăng tải lên hệ thống mã vạch; kiểm tra tính chính xác của thông tin sản phẩm. Phát hành và công bố sản phẩm lên hệ thống GS1, lưu hành sản phẩm ra thị trường.
Hiệu quả mà sáng kiến này mang lại giúp người tiêu dùng, khách hàng yên tâm hơn khi kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Tránh việc mua phải hàng giả, hàng nhái, giảm nguồn lực con người khi phải quản lý sản phẩm bằng thủ công. Giải pháp đã thật sự phát huy hiệu quả, đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ 4.0 vào công việc. Cơ sở dữ liệu an toàn, dễ tìm kiếm, xử lý nhanh chóng, chính xác.
Để giúp nông dân giảm chí phí trong sản xuất và tăng thu nhập, Khuyến nông Hậu Giang đã có sáng kiến nhân nuôi vi khuẩn cố định đạm và hòa tan lân trong diện tích nhỏ, ít tốn công lao động. Từ 1 lít dung dịch gốc, mỗi loại nhân nuôi ra 20 lít vi khuẩn (thời gian mỗi lần nhân nuôi là 14 ngày). Sau đó, lấy 1 lít nhân nuôi ra 100 lít dung dịch để sử dụng và bảo quản 19 lít còn lại.
Sau khi sử dụng hết 100 lít dung dịch nhân nuôi được, tiếp tục lấy ra 1 lít trong 19 lít còn lại để nhân nuôi sử dụng tiếp. Cứ lặp đi lặp lại như vậy, từ 1 lít dung dịch gốc, có thể nhân nuôi và sử dụng được 20 lần.
Dung dịch cố định đạm và hòa tan lân giúp gia tăng hoạt động vi sinh vật có ích và cải tạo đất, không gây hại đến môi trường, góp phần tạo ra sản phẩm an toàn, tăng chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, giúp giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho nhà nông.
Cầu nối liên kết sản xuất
Tỉnh Hậu Giang nằm ở trung tâm tiểu vùng Tây sông Hậu ở ĐBSCL, tiếp giáp TP Cần Thơ - đô thị trung tâm vùng. Toàn tỉnh hiện có khoảng 134.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có khoảng 82.000 ha sản xuất lúa, hơn 30.000 ha trồng cây ăn trái và 10.700 ha nuôi thủy sản.
Hậu Giang có nhiều thuận lợi cho phát triển đa dạng nông sản nhiệt đới và bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, với nhiều loại nông sản có phẩm chất ngon, mang tính đặc sản của tỉnh như bưởi Năm Roi Phú Hữu, khóm Cầu Đúc, cam sành, xoài cát Hòa Lộc, quýt đường, cá thát lát… Với hoạt động khuyến nông, năng suất và chất lượng của các loại nông sản từng bước được nâng cao, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.
Nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả đã được xây dựng và được nông dân tích cực nhân rộng trên địa bàn. Điển hình như mô hình sản xuất chanh không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP gắn liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm. Mô hình nuôi lươn trong bể theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm gắn kết với liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm. Mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, màu an toàn; chăn nuôi gà an toàn sinh học gắn liên kết nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm....
Các mô hình có ý nghĩa thiết thực, được nông dân hưởng ứng, nhân rộng và áp dụng rộng rãi trong sản xuất, giải quyết được lao động nhàn rỗi, nâng cao thu nhập và đời sống nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân ứng dụng vào sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản, Khuyến nông Hậu Giang đã xây dựng quản lý và vận hành trang website "khuyennonghaugiang.com.vn", đến nay có trên 1 triệu lượt truy cập. Đồng thời, xây dựng website nongsanhaugiang.com.vn, vận hành cổng thông tin sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc nông sản...
Trung tâm cũng hỗ trợ nông dân trong các câu lạc bộ, tổ hợp tác, HTX sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, liên kết để đủ điều kiện ký kết các hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp trong tình hình mới. Ngoài ra, còn giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, cung ứng các loại giống cây trồng chất lượng góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập và ổn định đầu ra sản phẩm cho bà con...
Hằng năm, Khuyến nông Hậu Giang đã tư vấn cho hàng ngàn lượt lượt nông dân về kỹ thuật sản xuất các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Thông qua công tác tư vấn dịch vụ, đã tác động đến quy trình sản xuất của bà con nông dân như: Sử dụng các sản phẩm sinh học, hữu cơ, các men vi sinh, bao trái... thay cho việc sử dụng thuốc hóa học, từ đó góp phần giảm chi phí sản xuất. Từng bước hướng nông dân áp dụng quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình sản xuất hữu cơ.