| Hotline: 0983.970.780

Kiếm tiền triệu ngày Tết nhờ bán cát gạo cho người phố thay chân nhang

Thứ Sáu 20/01/2023 , 14:21 (GMT+7)

Cuối năm, nhiều người dân bán cát gạo cho người ở phố để thay vào lư hương, bát nhang cũng kiếm được cả chục triệu đồng tiền tiêu Tết…

Chục năm trở lại đây, cứ dịp cuối năm sát với ngày 23 tháng Chạp (ngày cúng Ông Công, Ông Táo) trên mỗi con đường, hẻm phố ở thành phố Đồng Hới rộn tiếng rao bán cát từ sáng đến chiều.

Người có đầu tư đánh hẳn con ô tô tải nhỏ có gắn loa điện cứ vang hoài điệp khúc "Ai mua cát thay lư hương nào”. Người mới vào “nghề” phóng xe máy đến tận từng nhà đập cửa kêu: “Có mua cát thay lư hương không dì ơi”.

Những dãy núi cát chạy dài dọc ven biển Quảng Bình đều có một màu trắng bạc, có triền là cát vàng. Tuy nhiên, cát để chọn thay trong lư hương, bát nhang lại là cát trắng gạo.

Có nghĩa là đặt thúng đựng cát bên cạnh thúng đựng gạo mới xay xát rồi đứng cách đó vài bước chân là khó phân định được. Bà con hay nói: "Cát trắng như gạo” là vì vậy.

Lấy cát gạo ở tầng sâu để bán vào dịp Tết. Ảnh: Q.C.

Lấy cát gạo ở tầng sâu để bán vào dịp Tết. Ảnh: Q.C.

Hồi tôi còn bé, những dãy núi cát màu trắng gạo còn nhiều lắm. Trưa nắng, theo mẹ băng qua đồi cát chói lắm. Cát trắng bắt ánh mặt trời cứ ngời lên làm lóa cả mắt. Đi trên trảng cát, mẹ tôi hay nhắc: "Lấy tay che mắt lại chứ lớn lên là bị mờ mắt đó”.

Mấy chục năm sau, những đồi cát trắng gạo không còn đầy lên khoe trong nắng sớm. Gió mưa khắc nghiệt qua mấy chục năm có làm cát đổi màu?

Hỏi Quốc, bạn tôi bây giờ đã lên “lão 60”, hắn bảo: ‘Những núi cát xưa bị gió bão bạt xuống. Cả vùng bây giờ gần như cho cây cối, đường sá, nhà cao tầng mọc lên rồi. Không còn cát gạo, không còn núi cát nữa mô mà tìm”.

Cát gạo được rửa sạch, phơi khô đong chảy mềm như lụa. Ảnh: T.P.

Cát gạo được rửa sạch, phơi khô đong chảy mềm như lụa. Ảnh: T.P.

“Vậy người ta lấy cát bán ở đâu”- Quốc dẫn tôi ra phía sau làng. Ở chân đồi cát người ta đào hố to, hố nhỏ. Quốc bảo: “Đào hết lớp cát vàng, sâu đến chừng mét là đến lớp cát trắng gạo chạy sâu xuống được hơn mét. Lấy hết lớp cát gạo lại đến lớp cát vàng và tầng đáy là lớp sỏi đỏ”.

Thường người ta chọn những ngày  nắng lớn, đào xúc cát cho vào bao đưa về nhà và lấy nước rửa cho sạch. Xong lại phơi khô rồi cho vào bao mang về thành phố bán. Cũng có người "tay ngang” chen vào chỉ đào lấy cát đóng bao rồi mang đi bán luôn.

Giữa nhộn nhịp phố phường, cát gạo cũng tạo cho người đi xa nhớ quê. Ảnh: T.P.

Giữa nhộn nhịp phố phường, cát gạo cũng tạo cho người đi xa nhớ quê. Ảnh: T.P.

Chị Nguyễn Thị Hằng (quê vùng cát xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), sang lấy chồng ở vùng bên. Giáp Tết, chị về thành phố trông nhà cho đứa em có tiệm mua bán máy điện thoại. Từ trước Tết Ông Công, Ông Táo (23 tháng Chạp) là chị Hằng tranh thủ ra chợ Đồng Hới bán cát.

Sáng sớm, anh chồng chị chở đầy hai bao cát nặng chừng một tạ về. Chị Hằng chọn bên góc đường ngồi bán. Hai bao cát có khi chỉ non buổi là hết. Chị lại gọi điện cho chồng chở về để bán.

“Thường mỗi dịp Tết, tôi bán cũng được chục triệu đồng tiền cát. Những người chuyên họ bán cả ngày hoặc đi rong ruổi các dãy phố thì bán được nhiều hơn. Số tiền đó cũng sắm sửa được cho gia đình vào dịp Tết”- chị Hằng bộc bạch.

Ở góc chợ thành phố Đồng Hới, chị Phan Thị Huệ (quê ở vùng cát xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh), cùng chồng ngồi bán cát. Trước mặt hai vợ chồng là hai chậu nhựa vun đầy cát trắng gạo.

Chị Huệ cho hay, mỗi chậu cũng nặng ngót nghét ba chục ký. “Dùng lon (loại lon sữa Ông Thọ) đong cũng được 150 ống. Tôi bán giá 2 ngàn đồng/lon. Bán hết mỗi chậu cũng được khoảng 300 ngàn đồng”- chị Huệ nói.

Vừa bán cho khách mua, chị Huệ cũng bộc bạch “nghề bán cát”. Thường thì chị bán từ trước ngày 20 tháng Chạp và bán cho đến sáng 30 Tết thì thôi. Tùy theo ngày mà lượng cát bán được nhiều hay ít.

“Có ngày cũng bán được 3-4 chậu cát. Nhưng cũng có ngày bán được hai chậu thôi. Nói chung là dịp tết cũng kiếm được từ 8-10 triệu đồng, cũng đủ chi dùng trong dịp Tết”- chị Huệ nói nhỏ nhẹ.

4

Người bán cát gạo cũng có thu nhập mỗi ngày gần 1 triệu đồng. Ảnh: T.P

Cũng theo chị Huệ, trước đây bán cát được tiền cũng khá hơn. Tuy nhiên, gần đây do số lượng ô tô, xe máy chở cát đi bán dạo nhiều nên số lượng người mua cũng giảm xuống. Vì vậy, hai vợ chồng lấy cát cũng giới hạn đủ bán chứ không lấy nhiều.

Đang nói chuyện có hai vợ chồng đi xe máy dừng lại. Người vợ ngồi sau giọng vống lên: "Ghê hè. Chị ngồi bán đây mà em tìn mãi. Mua quen rồi nên không muốn mua cát chỗ khác. Cát nhà chị Huệ sạch và trắng mịn hơn vì đã rửa nước, phơi khô. Chị lấy cho em 20 lon nha”.

Khách quen tìm đến mua cát gạo của chị Huệ bán ở góc chợ Đồng Hới. Ảnh: T.P.

Khách quen tìm đến mua cát gạo của chị Huệ bán ở góc chợ Đồng Hới. Ảnh: T.P.

Tôi về vũng cát Gia Ninh vào ngày gần cuối năm. Mùi hương ren (một loại cây thảo dược sống trên vùng cát được bà con đào lấy rễ phơi khô xay thành bột để làm hương) cứ thơm dịu ngọt phảng phất quanh ngõ xóm.

Nhà nào cũng có cát gạo. Cát được phơi hong gió trên nong, nia, trên tấm trải cứ ánh lên màu trắng xanh. Ông Quốc nói: “Bà con ai cũng chuẩn bị sẵn để ngày mai 30 Tết là thay cát trong lư hương, bát nhang lên lễ Tất Niên với bữa cơm đoàn viên của gia đình. Ai cũng hy vọng cho một năm mới thật đủ đầy. Gạo trắng cũng đầy vun không cạn”.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’

Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.