| Hotline: 0983.970.780

Kiên Giang dành 400.000ha trồng lúa theo đặt hàng

Thứ Tư 02/11/2022 , 06:35 (GMT+7)

Kiên Giang đã chuyển từ sản xuất lúa chạy theo sản lượng sang nâng cao chất lượng theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, tạo chuỗi giá trị lúa gạo bền vững.

Ký kết hợp tác sản xuất lúa với doanh nghiệp

Kiên Giang là tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn nhất cả nước, với tổng diện tích gieo trồng năm 2022 đạt khoảng 700.000ha, sản lượng thu hoạch gần 4,4 triệu tấn lương thực.

Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, so với kế hoạch thì cả diện tích gieo trồng và sản lượng thu hoạch năm nay đều không đạt, nguyên nhân chủ yếu là do diện tích gieo sạ lúa thu đông 2022 giảm (giảm hơn 10.00ha so với kế hoạch). Tuy nhiên, giá trị lại tăng do diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao chiếm hơn 97% và diện tích sản xuất liên kết gắn với tiêu thụ đạt 85.213ha, sản lượng đạt 497.250 tấn. Trong đó, có 5.431ha, sản lượng 34.447 tấn sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, SRP và lúa hữu cơ.

Kiên Giang đã chuyển từ sản xuất lúa chạy theo sản lượng sang nâng cao chất lượng theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, tạo chuỗi giá trị lúa gạo bền vững. Ảnh: Trung Chánh.

Kiên Giang đã chuyển từ sản xuất lúa chạy theo sản lượng sang nâng cao chất lượng theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, tạo chuỗi giá trị lúa gạo bền vững. Ảnh: Trung Chánh.

Nhằm thúc đẩy mạnh hơn nữa hoạt động liên kết đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh, trong những tháng đầu năm 2022, Sở NN-PTNT Kiên Giang đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức đoàn công tác đến làm việc với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, để trao đổi thông tin, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và ghi nhận những kiến nghị đề xuất của doanh nghiệp. Đồng thời, đã tham mưu UBND tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với UBND tỉnh An Giang, là tỉnh giáp ranh và cũng là tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn ở ĐBSCL.

Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP, tại các huyện trọng điểm về sản xuất lúa của tỉnh, với diện tích khoảng 2.500ha, sản lượng ước đạt khoảng 18.300 tấn, phục vụ thị trường xuất khẩu chủ yếu là châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Theo ông Toàn, từ niên vụ 2022 - 2023, Kiên Giang tập trung đẩy mạnh sản xuất lúa theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Đến nay, tổng diện tích doanh nghiệp đã ký kết triển khai thực hiện là gần 400.000ha. Cụ thể, Sở NN-PTNT đã tổ chức hội nghị và trực tiếp ký biên bản ghi nhớ về hợp tác toàn diện lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo, gắn liên kết tiêu thụ với Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời quy mô diện tích 300.000ha. Đồng thời ký kết hợp tác với Tập đoàn Tân Long về xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo gắn với tiêu thụ, quy mô 30.000ha. Ký kết hợp tác phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo với Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An quy mô diện tích 63.000ha. Thời gian triển khai thực hiện các chương trình ký kết hợp tác nói trên là từ niêm vụ sản xuất 2022 - 2023 đến năm 2025.

Theo kế hoạch, trong vụ đông xuân 2022 - 2023, Tập đoàn Lộc Trời sẽ triển khai liên kết sản xuất lúa tại tỉnh Kiên Giang với tổng diện tích 100.000ha. Ông Nguyễn Hữu Tho, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời cho biết, hình thức liên kết là công ty sẽ ký kết với các hợp tác xã nông nghiệp và đặt hàng sản xuất các giống lúa gồm DS1, Jasmine85, OM18, OM5451, ST24, trong đó nhiều nhất là giống OM18 (46.550ha) và DS1 (35.650ha).

Nông dân Kiên Giang tham gia sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Ảnh: Trung Chánh.

Nông dân Kiên Giang tham gia sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Ảnh: Trung Chánh.

Phương thức liên kết là công ty và hợp tác xã cùng hợp tác trồng lúa với mục tiêu đạt sản lượng cam kết. Công ty đầu tư không tính lãi đối với lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các dịch vụ nông nghiệp như cày, xới, drone phun thuốc và máy thu hoạch… Hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến cho các hợp tác xã. Tổ chức xuống giống “rải vụ trong vụ” nhằm đảm bảo chất lượng lúa và tối đa hóa công suất máy thu hoạch, máy sấy…

Xây dựng cánh đồng lớn và cấp mã số vùng trồng

Cùng với việc ký kết hợp tác với các doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu lúa, ngành nông nghiệp Kiên Giang còn tập trung xây dựng cánh đồng lớn, gắn với liên kết tiêu thụ. Đồng thời, hỗ trợ cho các hợp tác xã đăng ký mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, phát triển sản xuất lúa đạt các tiêu chuẩn chất lượng… 

Hệ thống giám sát sâu rầy thông minh được ngành nông nghiệp Kiên Giang hỗ trợ cho các Hợp tác xã sản xuất lúa, giúp quản lý đồng ruộng hiệu quả, giảm chi phí sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Trung Chánh.

Hệ thống giám sát sâu rầy thông minh được ngành nông nghiệp Kiên Giang hỗ trợ cho các hợp tác xã sản xuất lúa, giúp quản lý đồng ruộng hiệu quả, giảm chi phí sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Trung Chánh.

Qua đánh giá, diện tích sản suất lúa theo mô hình cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang ngày càng được nhân rộng. Nếu như năm 2008 toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 1.200ha thực hiện cánh đồng lớn thì 10 năm sau đã tăng lên 169 cánh đồng lớn với diện tích 62.539ha, có 9 công ty tham gia ký hợp đồng bao tiêu với diện tích 51.246ha.

Các vụ sản xuất lúa trong năm 2022, ngành nông nghiệp Kiên Giang và các địa phương, cùng với các hợp tác xã nông nghiệp đã xây dựng được 693 cánh đồng lớn, tổng diện tích 109.332ha. Trong đó, có 502 cánh đồng lớn với diện tích 74.439ha, sản lượng ước khoảng 497.250 tấn lúa hàng hóa có doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua tiêu thụ. Các các cánh đồng lớn còn lại đều có thương lái thu mua, tiêu thụ hết lúa hàng hóa cho nông dân với giá cao hơn thị trường từ 100 - 200 đồng/kg.   

Mới đây, Sở NN-PTNT Kiên Giang đã ban hành kế hoạch về triển khai xây dựng cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ lúa vụ mùa và đông xuân 2022 - 2023, với diện tích 121.000ha, chiếm 31% tổng diện tích sản xuất của 2 vụ lúa này. Trong đó, sản xuất lúa chứng nhận hữu cơ có 7 cơ sở tham gia thực hiện, với diện tích 1.229ha, ước sản lượng 5.380 tấn. Sản xuất lúa chứng nhận GlobalGAP, Công ty TNHH Trung An (huyện Hòn Đất) thực hiện với diện tích 550ha, sản lượng 3.000 tấn. Sản xuất lúa chứng nhận VietGAP với diện tích 1.195ha, sản lượng khoảng 7.767 tấn, tập trung ở các huyện vùng U Minh Thượng.

Đại diện Các Tổ chức quốc tế kiểm tra đồng ruộng sản xuất lúa tại Hợp tác xã nông nghiệp ở huyện Tân Hiệp, Kiên Giang, một trong những Tổ chức nông dân tham gia dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững. Ảnh: Trung Chánh.

Đại diện các tổ chức quốc tế kiểm tra đồng ruộng sản xuất lúa tại hợp tác xã nông nghiệp ở huyện Tân Hiệp, Kiên Giang, một trong những tổ chức nông dân tham gia dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững. Ảnh: Trung Chánh.

Công tác cấp mã số vùng trồng thời quan qua được Chi cục Trồng trọt - BVTV Kiên Giang tích cực hỗ trợ cho các hợp tác xã nông nghiệp triển khai thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh đã có 148 hồ sơ đề nghị Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) cấp mã số vùng trồng và đã được chấp thuận gắn mã số vùng trồng là 75 mã, cho 5 loại cây trồng là lúa, xoài, bưởi, chuối  và khóm (dứa). Trong đó, riêng cây lúa có tới 68 mã số vùng trồng đã được cấp cho các chủ thể đại diện.

Song song đó, tỉnh Kiên Giang chú trọng phát triển kinh tế hợp tác, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có 458 hợp tác xã nông nghiệp, vốn điều lệ gần 140 tỷ đồng, có 32.554 thành viên, canh tác trên diện tích 56.039ha. Các hợp tác xã nông nghiệp chủ yếu tập trung làm dịch vụ hỗ trợ cho hộ thành viên, như xây dựng kế hoạch lịch thời vụ, tổ chức bơm tưới tập thể, phổ biến ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, làm đất, thu hoạch, tín dụng nội bộ, sản xuất và cung ứng lúa giống, làm dịch vụ sấy lúa, cung ứng vật tư nông nghiệp… Qua đó, giúp giảm chi phí sản suất, tăng lợi nhuận, thúc đẩy phát triển sản xuất chuỗi lúa gạo bền vững. 

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang Lê Hữu Toàn đánh giá, điểm nổi bật của tỉnh là mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trên lúa gạo chính là mô hình cánh đồng lớn. Đây được xem là mô hình thành công nhất trong các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo của các doanh nghiệp đang thực hiện trên địa bàn tỉnh, đã và đang khẳng định là bước đi đúng hướng trong phát triển nông nghiệp bền vững.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hội thảo quốc tế: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 mang đến giải pháp xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, kết nối và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.