| Hotline: 0983.970.780

Kiên Giang: Nguồn lợi hải sản đang suy giảm mạnh

Thứ Hai 10/12/2018 , 09:30 (GMT+7)

Thống kê của ngành nông nghiệp Kiên Giang cho thấy, trong 10 năm qua, năng suất khai thác bình quân của tàu cá đang có xu hướng giảm mạnh, từ 0,253 tấn/mã lực (năm 2008) xuống còn 0,206 tấn/mã lực (năm 2018), vấn đề này cho thấy nguồn lợi hải sản đang bị suy giảm mạnh.

Bên cạnh đó, các loại cá tạp chiếm tỷ lệ rất cao trong cơ cấu sản phẩm khai thác, cùng với việc bảo quản sản phẩm sau thu hoạch chậm được cải thiện, đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả trong hoạt động khai thác của ngư dân.

08-06-19_khong_chi_nng_sut_khi_thc_binh_qun_gim_mnh_m_cc_loi_c_tp_luon_chiem_ty_le_rt_co_trong_co_cu_sn_phm_khi_thc_nh_huong_lon_den_thu_nhp_cu_ngu_dn_2
Không chỉ năng suất khai thác bình quân giảm mạnh mà các loại cá tạp luôn chiếm tỷ lệ rất cao trong cơ cấu sản phẩm khai thác, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của ngư dân (Trong ảnh: Ngư dân đang phân loại cá tại cảng cá Tắc Cậu, Kiên Giang)

Kiên Giang có ngư trường rộng hơn 63.000km2, với đội tàu khai thác 10.625 chiếc, công suất bình quân 270 CV/tàu, trong đó gần 50% số lượng là đội tàu khai thác xa bờ, công suất lớn. Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, đến nay Kiên Giang đã phê duyệt đầu tư 59 tàu cho ngư dân. Đến cuối năm 2018, đã có 47 tàu theo chính sách này được hạ thủy, trong đó đóng mới là 44 tàu. Ngoài ra, còn thực hiện chính sách bảo hiểm cho ngư dân với số tiền hơn 133 tỷ đồng, gồm bảo hiểm thuyền viên cho 26.924 lượt người, với số tiền trên 8 tỷ đồng và tàu cá là 4.131 lượt tàu, với tổng số tiền trên 125 tỷ đồng.

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, thủy, hải sản được xác định là thế mạnh thứ 2 của tỉnh, sau nông nghiệp (chủ yếu là cây lúa). Nhiều năm qua, Kiên Giang luôn dẫn đầu về sản lượng khai thác hải sản, năm 2018 ước đạt hơn 589.500 tấn, chiếm gần 20% sản lượng của cả nước. “Nhìn chung, năm nay tình hình thời tiết, khí hậu tương đối ổn định, vùng biển Tây ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão và áp thấp nhiệt đới, giá hải sản ổn định… giúp cho các tàu cá an tâm bám biển sản xuất nên sản lượng khai thác tiếp tục tăng so kế hoạch và cùng kỳ năm trước”, ông Thao đánh giá.

Sản lượng tăng nhưng chất lượng hải sản còn thấp, do phương pháp khai thác, phương pháp bảo quản chưa phù hợp, trang thiết bị lạc hậu… dẫn đến nguồn thu nhập chưa cao. Đáng lo ngại là năng suất khai thác trung bình đang có xu hướng giảm mạnh trong 10 năm qua, từ 0,253 tấn/mã lực (năm 2008) xuống còn 0,206 tấn/mã lực (năm 2018). Vấn đề này cho thấy nguồn lợi hải sản đang bị suy giảm mạnh. Bên cạnh đó, các loại cá tạp chiếm tỷ lệ rất cao trong cơ cấu sản phẩm khai thác, cùng với việc bảo quản sản phẩm sau thu hoạch chậm được cải thiện làm ảnh hưởng đến hiệu quả trong hoạt động khai thác của ngư dân.

08-06-19_khong_chi_nng_sut_khi_thc_binh_qun_gim_mnh_m_cc_loi_c_tp_luon_chiem_ty_le_rt_co_trong_co_cu_sn_phm_khi_thc_nh_huong_lon_den_thu_nhp_cu_ngu_dn_1
Ảnh: Đ.T.Chánh

Đặc biệt là hải sản sau khai thác chưa được ngư dân bảo quản đúng cách, dẫn đến sản phẩm không đảm bảo chất lượng và tổn thất sau khai thác là khá lớn. Theo thống kê, nguyên liệu hải sản sau khai thác hiện nay tổn thất lên đến 20%, thậm chí 30% đối với tàu lưới rê.

Để nâng cao chất lượng hải sản khai thác, ngành nông nghiệp hướng dẫn ngư dân đầu tư nâng cấp, cải tiến hầm bảo quản hải sản trên tàu bằng xốp cách nhiệt PU, lót hầm bằng inox (thay cho vật liệu xốp ghép, ván gỗ truyền thống), sẽ giúp nâng hiệu suất sử dụng nước đá từ 50% lên 70 - 80%, nhờ đó chất lượng sản phẩm được cải thiện và tăng thời gian bám biển. Một số tàu còn trang bị công nghệ lạnh thấm nhằm giữ cho nước đá không bị tan chảy trong suốt quá trình đánh bắt, giúp bảo quản sản phẩm tốt hơn, đồng thời giảm lượng nước đá mang theo, giảm chi phí sản xuất.

Một giải pháp nữa là sử dụng băng lỏng, vữa đá (trộn hạt đá siêu nhỏ với dung dịch chất lỏng như là nước muối) để bảo quản hải sản sau đánh bắt. Lợi thế của phương pháp này là tốc độ làm lạnh nhanh và nhẹ nhàng với cơ thể cá nên có thể trì hoãn việc suy giảm độ tươi và nâng cao giá trị hải sản.

Kiên Giang đang triển khai các giải pháp để bảo vệ, khôi phục nguồn lợi hải sản. Trong đó, có giải pháp thí điểm thả rạn nhân tạo ở vùng biển nhằm bảo tồn, khôi phục, phát triển nguồn lợi thủy sản trên ngư trường, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Thái Lan, nước đã khá thành công với mô hình này.

Vị trí dự kiến thực hiện là tại Khu bảo tồn biển Phú Quốc, với kinh phí khoảng 8 tỷ đồng, trong đó phía Thái Lan sẽ tài trợ 3 tỷ đồng, số còn lại là kinh phí đối ứng trong nước. Rạn nhân tạo được đúc bằng bê tông, được thả xuống biển làm nơi trú ngụ, sinh sản của các loài hải sản. Ngoài ra, tại khu vực thả rạn nhân tạo còn có các thiết bị báo hiệu và thiết bị chuyên dụng cho việc giám sát, đánh giá hiệu quả trong quá trình thực hiện.

 

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.