| Hotline: 0983.970.780

Kiên trì mở đường, đưa khuyến nông về cơ sở

Thứ Năm 24/02/2022 , 09:45 (GMT+7)

KIÊN GIANG Kiên Giang là tỉnh duy nhất ở ĐBSCL duy trì được đội ngũ khuyến nông cơ sở hơn 20 qua, phục vụ nông dân và góp phần không nhỏ phát triển nông nghiệp địa phương.

Hành trình 20 năm xây dựng khuyến nông cơ sở

Những người ở xa đến Kiên Giang đều thấy lạ lẫm khi tại trụ sở UBND các xã đều bố trí thêm một phòng làm việc treo tấm biển “Tổ Kinh tế Kỹ thuật”. Hỏi ra mới biết, đây là phòng làm việc của đội ngũ cán bộ khuyến nông được đưa về cơ sở giúp địa phương tổ chức sản xuất, chuyển giao kỹ thuật, sát cánh cùng nông dân thực hiện lịch thời vụ, phòng trừ dịch hại…

Cán bộ Khuyến nông cơ sở thuộc Tổ Kinh tế Kỹ thuật ở huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) tập huấn cho nông dân về cách sử dụng hóa chất phòng trừ dịch hại trên cây trồng, vật nuôi. Ảnh: Trung Chánh.

Cán bộ Khuyến nông cơ sở thuộc Tổ Kinh tế Kỹ thuật ở huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) tập huấn cho nông dân về cách sử dụng hóa chất phòng trừ dịch hại trên cây trồng, vật nuôi. Ảnh: Trung Chánh.

Bài liên quan

Phòng làm việc cũng chính là nơi cán bộ khuyến nông cơ sở tư vấn trực tiếp cho nông dân về kỹ thuật sản xuất. Mỗi Tổ Kinh tế Kỹ thuật được bố trí 3 cán bộ khuyến nông cơ sở với 3 chuyên môn: Trồng trọt – bảo vệ thực vật, chăn nuôi – thú y và nuôi trồng thủy sản. Nông dân sản xuất lĩnh vực gì, cần tìm hiểu về kỹ thuật chỉ cần ra đến xã là được tư vấn chu đáo.

Khi vào vụ sản, cán bộ khuyến nông cơ sở sẽ về các ấp tuyên truyền về lịch mùa vụ, xây dựng mô hình sản xuất, tư vấn chuyển giao kỹ thuật mới cho nông dân. Trong suốt mùa vụ, cán bộ khuyến nông sẽ thường xuyên cùng nông dân thăm đồng, khuyến cáo các biện pháp phòng trừ dịch hại… Nhờ đó nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh Kiên Giang hầu như không xảy ra dịch hại trên diện rộng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất…

Mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả do Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang thực hiện tại huyện Giang Thành. Ảnh: Trung Chánh.

Mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả do Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang thực hiện tại huyện Giang Thành. Ảnh: Trung Chánh.

Bài liên quan

Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, hiện toàn tỉnh có 116/144 xã, phường, thị trấn có Tổ Kinh tế Kỹ thuật hoạt động. Các đơn vị còn lại do cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn chiếm tỷ trọng thấp (do đô thị hóa) và một số xã hải đảo còn thiếu viên chức để thành lập Tổ, được bố trí cán bộ khuyến nông viên hoạt động.

Nhờ đó, Kiên Giang đang có hệ thống tổ chức khuyến nông kiện toàn từ tỉnh, huyện tới cơ sở, tạo thành mạng lưới thống nhất, thông suốt nên việc triển khai các nhiệm vụ chính trị của đơn vị và của ngành giao được nhanh chóng và thuận lợi. Với sự nỗ lực lớn, đoàn kết nhất trí cao và sự quyết tâm của toàn đơn vị, công tác khuyến nông đã đạt được kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực, góp phần thắng lợi chung cho ngành nông nghiệp của tỉnh.

Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao do Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang hỗ trợ chuyển giao tại vùng Tứ giác Long Xuyên, được nông dân nhiệt tình hưởng ứng. Ảnh: Trung Chánh.

Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao do Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang hỗ trợ chuyển giao tại vùng Tứ giác Long Xuyên, được nông dân nhiệt tình hưởng ứng. Ảnh: Trung Chánh.

Theo ông Kiên, để có được hệ thống khuyến nông hoàn chỉnh như hiện nay là câu chuyện dài hơn 20 năm kiên trì xây dựng. Trong đó, mất 11 năm hoạt động thí điểm, đánh giá, cán bộ hoạt động theo hợp đồng, không được tăng lương. Để phát triển sản xuất nông nghiệp, năm 2000, UBND tỉnh Kiên Giang quyết định thí điểm thành lập mô hình Tổ Kinh tế Kỹ thuật, đặt trụ sở tại UBND các xã để cùng nông dân ra đồng, chuyển giao kỹ thuật.

Sau nhiều hội nghị đánh giá hiệu quả hoạt động của Tổ Kinh tế Kỹ thuật tại xã, Kiên Giang khẳng định đây thật sự là lực lượng rất cần thiết đối với một địa phương có thế mạnh về phát triển nông nghiệp. Năm 2011, UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận chủ trương đưa lực lượng cán bộ Tổ Kinh tế Kỹ thuật vào biên chế sự nghiệp, hưởng lương và các chế độ khác theo quy định.

Mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa do Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang thực hiện. Ảnh: Trung Chánh.

Mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa do Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang thực hiện. Ảnh: Trung Chánh.

Nói về vai trò của cán bộ khuyến nông cơ sở, ông Kiên đánh giá: Đây là lực lượng chính thực hiện nhiện vụ thông tin, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, xây dựng các Câu lạc bộ nông, ngư dân sản xuất giỏi. Tổ chức và tham gia hội thảo, hội chợ, hội thi, triến lãm, tổng kết kinh nghiệm sản xuất trong nông, lâm, ngư nghiệp. Tập huấn đào tạo, bồi dưỡng cho nông, ngư dân kiến thức cần thiết về những tiến bộ kỹ thuật, chủ trương, chính sách trong nông, lâm, ngư nghiệp. 

Bên cạnh đó, đây là lực lượng giúp xây dựng những điểm trình diễn, mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao để hướng dẫn nông, ngư dân áp dụng, nhân rộng trong sản xuất đại trà. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, các đoàn thể phát động phong trào thi đua sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện.

Đổi mới, sáng tạo trong công tác khuyến nông

Không chỉ quan tâm phát triển về nhân sự, ngành nông nghiệp Kiên Giang còn chú trọng đổi mới công tác khuyến nông, chuyển từ mô hình sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Đội ngũ cán bộ khuyến nông có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn nhưng vẫn không ngừng cập nhật kiến thức chuyên môn, kỹ năng khuyến nông, tư duy về kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, công tác khuyến nông… Ngày càng hoàn thiệt hơn về năng lực để đáp ứng yêu cầu thực hiện tái cơ cấu ngành, sản phẩm nông nghiệp trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, cơ giới hóa. Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng giá trị chăn nuôi, rau màu trong nội ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị thủy sản trong tổng giá trị nông, lâm, thủy sản.

Thạc sỹ Hoàng Trung Kiên (bìa phải), Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang tặng quà cho các nông dân tham gia thực hiện có hiệu quả các mô hình khuyến nông năm 2021. Ảnh: Trung Chánh.

Thạc sỹ Hoàng Trung Kiên (bìa phải), Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang tặng quà cho các nông dân tham gia thực hiện có hiệu quả các mô hình khuyến nông năm 2021. Ảnh: Trung Chánh.

Với những đóng góp thiết thực cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành nông nghiệp địa phương, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang và Giám đốc đơn vị là ông Hoàng Trung Kiên đã vinh dự được Bộ NN-PTNT tặng bằng khen.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã có sáng kiến sử dụng phân hữu cơ bã bùn mía nhằm cải thiện năng suất lúa trồng trên đất nhiễm mặn tại huyện An Biên. Sáng kiến này đã mang lại hiệu quả trong việc cải tạo và sử dụng hiệu quả đất nhiễm mặn cho sản xuất nông nghiệp, giúp tăng năng suất cây trồng. Đồng thời, tác động tích cực đến các khía cạnh sinh thái, xã hội và kinh tế ở vùng đất nhiễm mặn, giúp người dân canh tác ổn định hơn, hiệu quả và bền vững tại vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang.

Mỗi năm, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đều tập trung triển khai hàng chục chương trình, đề án, đề tài, dự án… Cụ thể, năm 2020 đã thực hiện tổng số 64 mô hình trình diễn khuyến nông. Triển khai tổng số 12.271 ha cây lúa, 2.465 ha tôm - lúa, cá - lúa, tôm - cua - lúa, tôm - khóm, 140 ha cây rau màu, 308 ha cây ăn trái, 159 điểm chăn nuôi, 115 điểm nuôi thủy sản, 95 điểm cơ giới hóa. Tổ chức 7 lớp dạy nghề nông thôn, 46 lớp tập huấn dự án VnSAT và 19 cơ sở đạt chứng nhận nông sản phù hợp quy phạm thực hành nông nghiệp tốt với tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ trên 11 sản phẩm.

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Trung tâm có đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước để thu hút đầu tư vốn, công nghệ, nghiên cứu thực nghiệm khoa học phục vụ cho công tác khuyến nông - khuyến ngư địa phương. Thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các chương trình, mô hình khuyến nông - khuyến ngư do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia giao...

Lớp tuấn huấn điều khuyển máy bay không người lái cho cán bộ khuyến nông và nông dân do Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang phối hợp với doanh nghiệp triển khai thực hiện. Ảnh: Trung Chánh.

Lớp tuấn huấn điều khuyển máy bay không người lái cho cán bộ khuyến nông và nông dân do Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang phối hợp với doanh nghiệp triển khai thực hiện. Ảnh: Trung Chánh.

Kiên Giang không chỉ đứng đầu về sản xuất lúa của vùng ĐBSCL, mà còn là tỉnh phát triển mạnh về nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm nước lợ vùng ven biển. Vì vậy, hoạt động khuyến ngư luôn được coi trọng. “Nghiên cứu phát triển mô hình tôm - lúa hiệu quả và xây dựng nhãn hiệu tập thể tại vùng U Minh Thượng tỉnh Kiên Giang” là một trong những sáng kiến do Thạc sỹ Hoàng Trung Kiên, giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang làm chủ nhiệm đề tài được đánh giá cao, với hiệu quả thiết thực.

Việc sử dụng phân hữu cơ và vôi kết hợp giúp gia tăng độ pH của đất, giảm phần trăm natri trao đổi trên phức hệ hấp thu (ESP). Đồng thời gia tăng hàm lượng đạm và lân hữu dụng trong đất, tăng khả năng chống chịu mặn của cây lúa, từ đó giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, tăng năng suất trên đất phèn nhiễm mặn. Trồng cây cỏ thủy sinh bản địa như năn tượng và năn bộp có hiệu quả tốt trong cải tạo đất mặn giúp sinh trưởng và năng suất của tôm đạt cao, giúp hệ thống canh tác tôm - lúa bền vững hơn. Sáng kiến này đã giúp người dân tại vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang canh tác mô hình tôm - lúa hiệu quả và bền vững.

Hiện nay, tỉnh Kiên Giang đang có 116 Tổ Kinh tế Kỹ thuật hoạt động, phủ kín 100% số xã trọng điểm về sản xuất nông nghiệp. Tổng số khuyến nông cơ sở được bố trí tại các Tổ Kinh tế Kỹ thuật là 279 viên chức (chiếm 73,4% nhân sự toàn cơ quan), có trình độ từ đại học trở lên chiếm hơn 60%. Trong đó, có 218/279 viên chức Tổ Kinh tế Kỹ thuật đã kết nạp Đảng, một lực lượng nhân sự bổ sung cho tuyến xã, thường được chọn làm Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách lĩnh vực sản xuất.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.