Kim Jong-un vẫn chưa chúc mừng ông Biden
Tính đến thời điểm này, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong -un là một trong số rất ít các nhà lãnh đạo thế giới chưa gửi lời chúc mừng, hoặc thậm chí thừa nhận tổng thống Mỹ mới đắc cử Joe Biden. Đặc biệt là sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên tiếng chúc mừng ông Joe Biden hôm 25/11.
Theo các nhà quan sát, điều này là không có gì lạ khi Bình Nhưỡng đến nay vẫn giữ im lặng trước kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, nhưng cũng không ít dấu hỏi được đặt ra trong quan hệ Mỹ- Triều sắp tới.
Nguyên do là dưới thời tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump, ông Kim và ông Trump đã đạt được những cuộc gặp gỡ chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên các chuyên gia nhận định, rất khó có thể chứng kiến điều tương tự xảy ra dưới thời ông Joe Biden bởi ông chủ Nhà Trắng sắp tới từng gọi chế độ ở Triều Tiên bằng “từ ngữ thậm tệ”.
Theo các nhà quan sát, mối quan hệ Mỹ-Triều hiện nay đang ở trong trạng thái sẵn sàng quay trở lại những ngày còn tồi tệ hơn cả thời ông Barack Obama, khi Washington vận dụng chiến lược “kiên nhẫn” nhằm tránh né các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng- một chính sách vẫn được áp dụng sau khi ông Kim lên nắm quyền vào năm 2011.
Cụ thể là dưới thời cả ông Obama và ông Trump, ông Kim vẫn đều đặn tăng cường khả năng đe dọa nước Mỹ bằng vũ khí hạt nhân mỗi khi đối mặt với các lệnh trừng phạt mới.
Soo Kim, nhà phân tích chính sách của hãng Rand Corp, cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), cho biết: “Bất kể nhiệm kỳ tổng thống Mỹ là ai thì chế độ Triều Tiên cũng khó có thể thay đổi hành vi hoặc chuyển hướng chiến lược. Hạt nhân vẫn cứ tồn tại và Kim Jong-un vẫn sẽ tiếp tục xây dựng và sử dụng nó như một chiến lược vốn đã được chứng minh là hiệu quả trong suốt nhiều thập kỷ. Vậy thì tại sao phải thay đổi?”.
Còn nhớ, Triều Tiên đã thử nghiệm “nắn gân” chính quyền ông Obama bằng mẻ phóng tên lửa tầm xa và thiết bị vũ khí chứa đầu đạn hạt nhân liên tục nhiều tháng sau khi ông Obama nắm quyền vào năm 2009. Kế đến là ông Trump cũng được chào đón vào Nhà Trắng bằng một loạt những vụ thử tên lửa đạn đạo mà đỉnh điểm là vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào tháng 11 năm 2017, được các chuyên gia cho rằng có thể mang đầu đạn hạt nhân tới bất kỳ khu vực nào thuộc lãnh thổ Mỹ.
Tương lai khó lường
Và vụ thử tên lửa “chúc mừng” ông Joe Biden lần này nhiều khả năng sẽ lại là một quả ICBM khác, được nhận định là nó nằm trong số những quả tên lửa mới được quân đội Triều Tiên phô trương tại cuộc duyệt binh hồi tháng 10 năm nay.
Trước đó, vào đầu tháng 11 Lầu Năm Góc cho biết, họ đã đánh chặn thành công một quả ICBM mô phỏng do Triều Tiên phát triển trong một cuộc tập trận.
Chuyên gia vũ khí Melissa Hanham, Phó giám đốc Mạng lưới hạt nhân mở rộng cho biết: “Họ cần thử nghiệm ICBM mới để chứng tỏ nó đáng tin cậy trong con mắt đối phương và họ có thể sẽ phóng khi được lệnh sẵn sàng. Triều Tiên chỉ cần ICBM của họ đủ độ chính xác để răn đe Mỹ".
Theo AP, Bình Nhưỡng luôn coi năng lực vũ khí hạt nhân của mình là “lá bùa hộ mệnh” nhằm chống lại nước Mỹ và tuyên bố sẽ duy trì khả năng răn đe đối phương trong mọi tình huống. Bằng chứng là trong gần bốn năm qua, ông Kim Jong-un đã nhiều lần từ chối lời kêu gọi của chính quyền ông Donald Trump về việc dỡ bỏ "hạt nhân ở các mức độ khác nhau” nhằm đổi lấy các “phần thưởng tương xứng”.
Trong khi đó nguồn tin từ bộ máy của ông Joe Biden đã đánh tín hiệu cho biết, sẽ dành “nhiều chỗ trống” cho các cuộc đàm phán sắp tới. Và một tài liệu chính sách mới rò rỉ nói rằng ông Biden muốn "bắt đầu" một chiến dịch với các đồng minh của Mỹ và các đối tác khác để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, phát biểu tại cuộc tranh cử tổng thống vòng hai hồi tháng 10, ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đã gọi ông Kim là “kẻ côn đồ”, nhưng nói rằng ông có thể gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên một khi ông Kim có động thái cắt giảm kho vũ khí hạt nhân.
Ankit Panda, chuyên gia hàng đầu của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế dự báo, căng thẳng có thể leo thang nhanh chóng một khi ông Biden thể hiện sức mạnh quân sự với Triều Tiên và rủi ro lớn nhất sẽ hai bên sẽ quay trở lại chu kỳ khủng hoảng.
Giới quan sát nhận định, việc đề cử ông Antony Blinken vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ sắp tới cũng không nằm ngoài chiến lược của ông Biden bởi vị chuyên gia này đã rất nhiều lần gọi chính sách ngoại giao của ông Trump là một sự thất bại. Ông Blinken cũng kinh qua nhiều vị trí quan trọng trong chính quyền Mỹ và luôn ủng hộ cách tiếp cận đa phương nhằm giải trừ hạt nhân theo từng giai đoạn.
Trong khi đó, Bình Nhưỡng từng nói thẳng rằng họ thích ông Trump hơn- người đã trao cơ hội cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngồi vào bàn đàm phán một cách bình đẳng. Chính quyền của ông Kim cũng từng mô tả phản ứng giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ- Triều là “tuyệt vời một cách bí ẩn”, đồng thời tố cáo ông Biden là một “gã đần thiếu các phẩm chất cơ bản như một con người”.