Vườn Quốc gia (VQG) Pù Mát (Con Cuông, Nghệ An) phía nam dài hàng trăm cây số, chạy dọc theo đường biên giới Việt - Lào. Pù Mát được xem là kho tàng về nguồn gen hoang dã, quý hiếm có giá trị sinh học bậc nhất nước ta.
Đa dạng sinh học
Bằng chiếc thuyền nhỏ, ngược dòng sông Giăng để thưởng ngoạn vẻ đẹp nguyên sơ của khu dự trữ sinh quyển có một không hai ở khu vực Đông Nam Á. Từ đập Phà Lài (thuộc xã Môn Sơn, Con Cuông) nhìn thốc lên hướng tây nam, đã thấy bạt ngàn rừng nguyên sinh. Hai bên dòng sông đầy tiếng chim, muông thú líu lo, hai bên mạn thuyền cá tôm bật tanh tách.
Anh Trần Xuân Cường, Giám đốc VQG Pù Mát không khỏi tự hào mình từng là người có thâm niên nghiên cứu và được sống gần gũi với thiên nhiên, muôn loài muông thú của khu rừng này hàng chục năm nay.
Anh Cường cho biết: Hiện VQG Pù Mát có trên 2.494 loài thực vật, 931 chi thuộc 202 họ, trong đó có 68 loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam có nguy cơ bị tiêu diệt, chiếm 2,73% tổng số loài của khu hệ. Có hơn 132 loài thú, thuộc 11 bộ, 30 họ, trong đó có 42 loài thú lớn, 39 loài dơi và 51 loài thú nhỏ. Tiêu biểu là các loài voi, hổ, sao la, vượn đen má trắng, chà vá chân nâu, khỉ đuôi lợn, mang trường sơn…
Ngoài ra, VQG Pù Mát còn có 324 loài chim, thuộc 49 họ và 15 bộ, trong số này có 10 loài nằm trong danh lục IUCN (2004) theo các mức độ, có 3 loài ở mức sắp nguy cấp và 7 loài ở mức sắp bị đe doạ như loài trĩ sao, công, gà lôi trắng, gà tiền. Hiện ở VQG Pù Mát còn có khoảng 86 loài lưỡng cư và bò sát, 83 loài cá, 459 loài bướm và 78 loài kiến.
Thuyền càng ngược dòng, chúng tôi càng được chứng kiến nhiều cảnh quan hùng vĩ và vẻ đẹp còn nguyên sinh. Sau gần một ngày chạy bằng thuyền máy, mới bắt đầu du ngoạn bằng đường bộ trong khu đại ngàn xanh thẳm của Pù Mát. Lọt vào đây giống như mình đang lọt vào khu “vườn địa đàng xanh” của một thế giới thần tiên.
Tiếng chim kêu, vuợn hót, tiếng sột soạt xa xa vọng lại của thú rừng làm ai nấy đôi lúc dựng tóc gáy. Đỉnh cao nhất của khu rừng là đỉnh Pù Mát (cao khoảng 1.841m) nên tên đỉnh này được lấy đặt tên cho cả khu rừng mang tên Pù Mát. Còn lại hầu như độ cao của rừng khoảng trên giới 1.000m. Nơi đây xuất hiện nhiều loài cây quý hiếm như sa mu, pơ mu, thông long gà, đỉnh tùng, sam bông trắng…
Các loài cây ở đây đều có độ cao tương đối thấp, khoảng dưới 12m, vì thế tạo nên một trạng thái rừng lùn hết sức đặc trưng mà không phải ở khu rừng nào cũng có được. Để lọt vào khu rừng sa mu, ngoài đi thuyền máy ngược dòng sông Giăng cả mấy ngày trời, còn phải hành bộ cả tuần mới đến nơi.
Hành trình khám phá rừng sa mu khổng lồ
Sau bữa cơm nắm ở rừng, anh Cường mới bắt đầu kể câu chuyện về cây sa mu, loài cây quý hiếm và là niềm tự hào về loài cây di sản của đất nước Việt Nam.
Được biết, khoảng cuối năm 1998, một số người dân tộc Thái thuộc xã Tam Quang (huyện Tương Dương, Nghệ An) đi rừng bị lạc sâu vào giáp khu vực thượng ngồn Khe Bu, gần biên giới Việt - Lào thì phát hiện những cây khổng lồ giống như chiếc đũa thẳng đứng cắm giữa trời xanh. Họ không biết đó là loài cây gì. Có người dân bản địa gọi đó là rừng “cây thần” nên không ai giám động đến.
Chuyện phát hiện rừng cây thần khổng lồ được người dân bản về kể cho nhau nghe (tiếng Thái gọi là mậy pẹc). Từ câu chuyện của người dân Tam Quang kể lại, cuộc hành trình đi tìm cây sa mu của đoàn cán bộ VQG Pù Mát bắt đầu. Đoàn gồm 10 thành viên cùng với một số bà con dân bản Tùng Hương xã Tam Quang ngày đêm gùi hành trang, lương thực, thực phẩm… xuất phát từ khu vực Khe Thơi, băng hết cánh rừng này đến cánh rừng khác, rồi vượt qua ngọn đèo Pù Xám đến đỉnh đèo Pù Xam Liệm…
Suốt 3 ngày đêm, hết đi rồi lại ngủ giữa hun hút đại ngàn mà bóng dáng sa mu vẫn biệt tăm tích. Sang ngày thứ tư, đoàn “thám hiểm” chuyển hướng sang sườn tây của đỉnh Phu Đon Cắn, rồi hướng về đỉnh cao nhất Pù Mát.
Thoạt nhiên, từ xa xa mọi người đã thấy quần thể cây cao đang hiện ra lờ mờ. Tiến thẳng gần một ngày trời nữa, mọi người mới thở phào đứng dưới tán rừng sa mu - loài cây khổng lồ mà tưởng chừng chỉ có trong cổ tích. Tại đây, đoàn cán bộ VQG Pù Mát đã đếm được 50 cây cao to gần bằng nhau. Cây sa mu ở đây được xách định là cây to nhất trong tất cả loài sa mu dầu ở miền tây Nghệ An, cây cao hơn 70m, đường kính 5,5m, chu vi thân 23,7m.
Chẳng bao lâu sau khi người dân địa phương và đoàn cán bộ của VQG Pù Mát phát hiện ra loài sa mu, có một thanh niên người Áo tên là ALy (SN 1980), là giảng viên khoa Tiếng Anh ở một trường đại học ở TP. HCM đã lặn lội đến Nghệ An để đi tìm quần thể cây sa mu. Rất không may cho ALy lần khám phá đó không thành, vì ALy và một số người dân bản Tùng Hương đã bị lạc trong rừng sâu suốt cả chục ngày trời mới ra được.
Trở về, ALy không chịu bỏ cuộc và sau một năm tiếp tục hành trình đi tìm để tận thấy loài cây khổng lồ này. Và lần này, ALy đã được sự hộ tống của một số cán bộ Phòng Nghiên cứu khoa học của VQG Pù Mát, anh đã tìm đến quần thể sa mu vĩ đại này. Khi đến nơi, ALy không khỏi kinh ngạc và cho biết, anh đã đi khám phá nhiều khu rừng trên thế giới nhưng chưa bao giờ bắt gặp loài cây nào to như loài sa mu ở Pù Mát.
Ông Võ Công Anh Tuấn, Phòng Nghiên cứu khoa học (VQG Pù Mát) cho biết, cây sa mu dầu ở Pù Mát được xác định có niên đại trên 1 nghìn năm tuổi, mọc ở toạ độ 045330 - 2100600, tên khoa học của loài cây này là Cunninghamia konishii hayata thuộc họ bụt mọc Taxodiaceae. Còn theo tiếng Thái của người dân địa phương thường gọi loài cây sa mu là “mậy pẹc”. Tán cây thưa, phân cành cao, hình nón hẹp, cây phân bố độ cao gần 1.000 mét, có sức sống mãnh liệt. Cuối năm 2010, cây sa mu dầu ở Pù Mát đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường (VACNE) công nhận là cây di sản số một của Việt Nam.
Dưới tán rừng săng lẻ
Nằm trong khuôn viên của VQG Pù Mát, cánh rừng săng lẻ vắt ngang hai bên QL7, đoạn qua xã Tam Đình, huyện Tương Dương. Toàn bộ cánh rừng nguyên sinh còn khoảng gần một trăm ha. Hầu hết thân cây thẳng đứng, cao gần 70 mét, rừng có tán lá dày đặc, đủ các màu sắc, nào là trắng nhạt, xanh, vàng, đỏ nổi…
Mùa hè, khu vực miền tây nam Nghệ An được ví là “lò sấy Đông Dương”, nhưng đoạn QL7 qua xã Tam Đình, rừng săng lẽ đã cho vùng đất này một không khí mát lạnh. Để mọi người dừng lại thưởng ngoạn khu rừng già, một số người dân địa phương mở các dịch vụ hai bên đường phục vụ du khách. Ngoài bóng mát của tán lá rừng săng lẻ, chỉ mỗi cơn gió nhẹ thổi đến cũng đủ làm cho khu rừng tấu lên những tiếng nhạc du dương, kèm theo tiếng chim thánh thót gần xa, rừng săng lẻ như đưa ta vào một thế giới thần tiên đầy quyến rũ.
Chị Lô Thị Lương, một người bán hàng duới tán rừng săng lẻ tâm sự: Không ít người đi ngược về xuôi thấm mệt, khi qua đây chỉ cần vào chiếc võng của người dân mắc sẵn thân cây săng lẻ đánh một giấc, lúc trở dậy cảm giác khoan khoái, khoẻ mạnh.
Được biết, sở dĩ từ xưa cánh rừng này vẫn còn nguyên vẹn, ngoài nỗ lực bảo vệ của các cơ quan chức năng, còn phải kể đến công lao của ông Vi Chính Nghĩa, một người con địa phương (nguyên là Bí thư huyện Uỷ Tương Dương) bảo vệ. Hiện nay, căn nhà xập xệ của ông Nghĩa nằm cách QL7 đoạn qua xã Tam Đình không xa. Nay ông Nghĩa đã mất nhưng căn nhà ấy con cháu của ông vẫn còn ở.
Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, người dân địa phương ồ ạt đi chặt phá rừng, trong đó có rừng săng lẻ. Chứng kiến cảnh đau lòng này, ông Nghĩa (khi đó đã về hưu) xin chính quyền cho ông làm công tác bảo vệ rừng. Cả gần trăm ha rừng chỉ một mình ông Nghĩa lo liệu. Ngày đó ông Nghĩa đã đi đến từng nhà để vận động bà con không chặt phá rừng. Thế là bà con Tam Đình không những không chặt phá rừng nữa, mà còn giúp ông Nghĩa bảo vệ cánh rừng săng lẻ rất tốt.
Có được cánh rừng săng lẻ còn lại ngày hôm nay, không ít lần ông Nghĩa thoát chết sau những vụ đối mặt với lâm tặc. Sau khi mất, công việc bảo vệ rừng săng lẻ này đã được chuyển sang cho cháu nội ông Nghĩa bảo vệ, đó là anh Vi Văn Nhật, một người con dân tộc Thái ở mảnh đất Tam Đình.