Phiêng Phàng thức giấc
Dưới chân núi Pù Lầu, thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) hiện lên mờ ảo trong sương. Men theo rừng trúc bạt ngàn, những ngôi nhà lúc ẩn lúc hiện. Phiêng Phàng có rừng trúc đẹp như trong phim kiếm hiệp, có thác nước quanh năm tung bọt trắng xoá. Phiêng Phàng cũng có những thửa ruộng bậc thang trồng giống lúa nếp Tài ngon nức tiếng, dưới khe những trại cá hồi, cá tầm tấp nập khách ghé thăm.
Đấy là Phiêng Phàng hôm nay, còn cách đây hơn chục năm, chúng tôi đã từng đến Phiêng Phàng, bản người Dao này lúc đó như một thế giới biệt lập. Dọc con đường mòn dài hơn 7km từ trung tâm xã lên đến bản ít người đi lại. Với khí hậu khắc nghiệt, người dân Phiêng Phàng làm không đủ ăn, trẻ em không đủ áo ấm, bản làng lúc đó như ốc đảo tác biệt với bên ngoài.
Bà Triệu Thị Tâm đã sống ở bản từ thời còn là thiếu nữ, chỉ vài năm trước, mỗi lần xuống chợ bà con phải đi cả buổi, mua rau, mắm muối rồi lại gánh ngược lên bản. Lúc đó năm trồng một vụ lúa, thóc không đủ ăn, nghèo đói đeo bám người dân trong bản. Mỗi năm dân bản chỉ làm nông khoảng 2 tháng, còn lại lên rừng kiếm củi, săn tìm sản vật trong rừng.
“Lúc đó đường lên bản là con đường đất nhỏ, dốc cao nên mỗi khi mưa đi bộ cũng khó, có nông sản cũng không bán được nên gần như người dân tự cung, tự cấp”, bà Tâm chia sẻ.
Trong hồi ức của mình, bà Triệu Thị Mản, Bí thư Chi bộ thôn Phiêng Phàng không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về thời kỳ lắm gian nan, bữa no bữa đói. Ở nơi núi cao này, dân bản không ai nghĩ sẽ có ngày đổi đời.
Bà Mản vẫn còn nhớ, ngày đó thôn có hơn 30 hộ đều là hộ nghèo, nông nghiệp manh mún, thanh niên không có việc làm, phụ nữ ở nhà trông con, chăm cháu.
Ở nơi hoang vắng ấy, bỗng một ngày có những vị khách lạ ghé thăm bản, họ vừa đi vừa bàn tán rôm rả, mắt nhìn, tay chỉ có vẻ rất tâm đắc. Lúc ấy bà Mản cũng không biết họ lên bản làm gì. Hơn một tuần sau, thấy cán bộ xã nói, chính quyền đang nghiên cứu phát triển du lịch ở bản.
Nghe họ nói về tiềm năng, cách làm du lịch, bà Mản nửa tin nửa ngờ. Ở đỉnh núi cao này làm du lịch thì ai đến, ai mà dám vượt qua dãy núi trùng điệp, nhìn thì đẹp đấy nhưng làm du lịch như thế nào. Bà Mản nghi ngại, dân bản cũng vậy, lúc đó chả có ai ở bản người Dao này tin có thể làm được du lịch, làm được nông nghiệp cho ra tấm ra món trên vùng đất này.
Ấy vậy mà chính quyền họ làm thật, bà Mản vẫn nhớ, sau khi khảo sát, cán bộ xuống bản bàn với bà con làm tuyến đường lên thôn, trước để bà con đi lại dễ dàng, sau để phát triển du lịch. "Rồi máy xúc, ô tô kéo về bản, lúc đó mình mới tin là họ làm thật", bà Mản kể.
Phiêng Phàng yên ắng bỗng nhộn nhịp, máy xúc đào đất mở đường, ô tô chở vật liệu đi lại tấp nập, công nhân đến mỗi ngày một đông. Rồi tuyến đường bê tông uốn lượn theo sườn núi cũng dần thành hình, lúc này bà con trong bản mới tin là sau này sẽ làm du lịch. Tuyến đường lên bản đã mở, đây cũng là điểm khởi đầu của sự đổi thay mà chúng tôi gọi đó là kỳ tích trên đỉnh Pù Lầu.
Sức hút lạ kỳ...
Là người gắn bó với bà con Phiêng Phàng, chị Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương (xã Yến Dương, huyện Ba Bể) không biết đã bao nhiêu lần vượt núi đến bản. Muốn làm du lịch thì cảnh sắc thiên nhiên phải đẹp, chị Ninh bàn với dân bản trồng lúa nếp Tài hữu cơ. Chị bảo trồng nếp Tài hữu cơ vừa giá trị cao vừa tạo cảnh quan cho du khách đến tham quan. Lúc đầu chỉ vài hộ tham gia, đến nay mô hình đã thu hút hơn 20 hộ, diện tích lên đến hàng chục ha.
Cánh đồng nếp Tài giờ đây như nét chấm phá trong bức tranh vừa hùng vĩ, vừa nên thơ của Phiêng Phàng. Giống lúa nếp Tài thơm ngon, dẻo được nâng tầm khi trồng theo phương pháp hữu cơ.
"Trồng lúa hữu cơ cho hiệu quả cao gấp 2 đến 3 lần trước đây, ngoài ra bà con còn làm những địa điểm check-in cho du khách đến tham quan, nhờ đó cũng có thêm thu nhập", bà Triệu Thị Tâm, thành viên HTX Yến Dương phấn khởi nói.
Sản phẩm gạo nếp Tài của HTX Yến Dương cũng đã đạt OCOP 4 sao, quy trình trồng và sản phẩm gạo nếp Tài đã được Tổng cục Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận đạt tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ. Ngoài ra, sản phẩm gạo nếp Tài của HTX Yến Dương còn đạt tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản cho trồng trọt hữu cơ (JAS).
Sau nhiều năm quay lại, Phiêng Phàng giờ đã thực sự khoác lên mình diện mạo mới. Những người như bà Mản, bà Tâm giờ không chỉ ra đồng mà đã trở thành những hướng dẫn viên du lịch thực thụ của bản. Dẫn chúng tôi đi thăm rừng trúc bạt ngàn quanh bản, bà Mản tự hào kể về sự thay đổi mà chính bà cũng không ngờ tới.
“Rừng trúc đã được đầu tư đường đi lại dễ hơn, nhà nước cũng hỗ trợ làm các điểm dừng chân để du khách chụp ảnh. Các điểm du lịch như trại cá hồi, thác nước, ruộng lúa nếp Tài đã có đường kết nối với nhau để du khách đến trải nghiệm”, bà Mản vui vẻ nói.
"Nhưng cái được lớn nhất là tư duy của dân bản đã thay đổi, họ có ý thức giữ gìn cảnh quan, làm nông nghiệp sạch", bà Mản vừa nói vừa chỉ về trang trại cá hồi ở lưng chừng bản.
Anh Đặng Hành Dũng là người tiên phong nuôi cá hồi ở Phiêng Phàng, trang trại của anh có hàng chục bể cá, từ loại cá nhỏ đến bể cá thương phẩm. Xung quanh những bể cá hồi anh Dũng làm chòi lá phục vụ du khách đến trải nghiệm, thưởng thức.
Anh Dũng phấn khởi chia sẻ, khi Phiêng Phàng trở thành điểm du lịch, khách đến ngày càng nhiều mình mới nảy ra ý định nuôi cá tầm, cá hồi. Lúc đầu cũng phải đi tận tỉnh khác để học hỏi kinh nghiệm, nhưng do nguồn nước, khí hậu ở đây quanh năm mát mẻ nên cá phát triển tốt.
“Hiện nay mỗi tháng mình tiếp hàng chục đoàn khách, họ đến trải nghiệm rừng trúc, đồng lúa rồi qua đây xem cá và ăn uống luôn. Sắp tới sẽ mình sẽ vận động bà con trình diễn tại đây một số nét văn hoá độc đáo của người Dao để phục vụ du khách”, anh Dũng dự định.
Đứng trên chòi lá ở trang trại của anh Dũng nhìn về cuối bản, một trại cá hồi nữa đang xây dựng, chẳng mấy chốc sẽ có thêm một điểm du lịch mới cho du khách khám phá.
Xem xong rừng trúc, thăm trại cá, trời cũng đã xế chiều, trong nắng chiều, những nếp nhà mái ngói ẩn hiện dưới chân núi Pù Lầu đẹp hút hồn lữ khách. Trên đường trở về bản, những con đường nhỏ được dọn sạch sẽ, những nếp nhà cũng được tu sửa khang trang hơn. Cái quý là dân bản vẫn còn giữ được gần như nguyên trạng những ngôi nhà mái ngói làm cách đây vài chục năm, tuy chưa phải nhà cổ nhưng cũng đã nhuốm màu thời gian.
Không chỉ có cảnh sách thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, nét văn hoá độc đáo của người dao Quế Lâm vẫn luôn được dân bản giữ gìn. Du khác đến Phiêng Phàng sẽ được chiêm ngưỡng những bộ trang phục với hoa văn, họa tiết cầu kỳ, tinh xảo. Đến dịp bà con vào vụ thu hoạch, du khách cũng sẽ được tìm hiểu lễ mừng lúa mới rất đặc sắc của bà con nơi đây.
Trời dần khuất núi, xa xa cánh đồng nếp Tài đã sắp vào vụ mới, những trang trại cá hồi cũng ngày càng đẹp hơn, tất cả làm nên một Phiêng Phàng có sức hút đến lạ kỳ.