| Hotline: 0983.970.780

Ký ức hãi hùng 12 tiếng ngồi trong thùng xe container

Thứ Hai 04/11/2019 , 09:08 (GMT+7)

Ông Văn rùng mình nhớ lại: “...Có chuyến nằm dưới gầm xe, tức thở quá muốn mở thùng chui ra. Nhưng nếu thò người ra thì bị bánh xe nghiến ngay. Nhiều chuyến, tôi tưởng như sẽ chết trong túi nhựa, trong bóng tối đặc quánh suốt mấy giờ đồng hồ”.

15-13-14__1-_oogn_vn
Ông Văn: “Đi bất hợp pháp là đánh đổi cả mạng sống”.

“Tính từ lúc xe khởi hành bấm đồng hồ canh chừng khoảng 3 giờ là đến phà sang Pháp. Nếu khoảng thời gian ấy mà chưa đến thì chắc chắn lên xe đi không đúng tuyến. Có thể là đi Bỉ, Hà Lan hay một nước nào đó trong khu vực, sát biên giới với Pháp.

Lúc đó phải rạch bạt xe kêu lên cho tài xế biết để dừng xe mà xuống. Mọi người buộc phải bằng mọi cách tìm về được “bãi Loon” để hôm sau lại lao vào cuộc may rủi”, ông Trần Thanh Văn (ở thị trấn Hoàn Lão - huyện Bố Trạch - Quảng Bình) kể lại ký ức khó phai mờ.
 

12 lần lên xe container mới trót lọt

“Lúc tôi 45 tuổi thì thôi không làm ở lâm trường nữa mà bắt đầu nuôi mộng sang Anh làm ăn”, ông Văn mở đầu câu chuyện bằng giọng nói nhè nhẹ như đang nén ký ức đổ về.

Đặt chân đến đất nước xa xôi là CH Czech sau đó trốn sang Đức. Được gần năm, khi số tiền ky cóp gửi về nhà trả được nợ vay và dằn túi được chút ít, ông Văn lại đánh cú liều vay tiếp tiền nộp cho đường dây “đánh” người sang nước Anh.

Đó là một ngày cuối hạ, Văn và một nhóm người nữa được đưa lên tàu hỏa sang Pháp. Cả bọn xuống tàu và ô tô đưa đến một bến bãi tập kết hàng hóa của Pháp.

“Trong vùng này có nhiều bãi tập kết như vậy. Hàng ngày có hơn trăm người Việt Nam, Trung Quốc và một số nước châu Phi được đưa đến đây. Tuy nhiên, nhóm người Việt được đưa đến bãi hàng được gọi là “bãi Loon” để chờ đợi”,  Văn uống hớp nước rồi kể tiếp.

Ở mỗi bãi đều có bọn "đầu rắn" chuyên buôn người và nhiều băng đảng mafia gồm cả người Việt và nước ngoài chuyên kinh doanh đưa người nhập cư trái phép vào Anh (gọi tắt là nhập cư). Nhóm người đi cùng chuyến với Văn khi tập kết có khoảng 50 người toàn Việt Nam và “đầu rắn” cũng là người Việt.

Để tránh bị cảnh sát Pháp bắt giữ, hằng ngày, nhóm nhập cư được đưa vào rừng sâu cách khoảng vài cây số để trốn tránh. Trong rừng, “đầu rắn” đã dựng mấy túp lều như lán tỉa cánh thợ rừng để làm nơi ăn, trú cho mọi người.

Đợi đến khoảng 22 giờ, mọi người mới được đưa đến bãi hàng. Nơi đây, lúc nào cũng có hàng trăm xe container (phần lớn là loại bịt bạt) chở hàng hóa tập kết. Chờ sơ hở của tài xế, các “đầu rắn” sẽ ép và nhồi nhét các lao động lên những thùng xe container hoặc xe thùng hàng đông lạnh để sang Anh.

Trước khi lên xe, người nhập cư được qua một lớp “tập huấn” cấp tốc. Một “đầu rắn” mặt như đồ tể gằn giọng: “Đó là, kể từ khi lên xe, xe xuất phát hơn 3 giờ đồng hồ là đến phà sang Anh. Nếu quá 3 giờ mà chưa đến phà là phải phán đoán xe chạy sau tuyến và bằng mọi cách xuống xe.

Khi xe đang chạy nhanh mà giảm tốc độ và cảm nhận xe chạy cứ rần rần là đang qua gờ giảm tốc. Khi qua 3 lần như vậy là đến trạm kiểm soát phải chui vào túi nhựa và buộc chặt miệng túi lại.

Trước khi đi, mọi người được “cấp phát” một túi nhựa, một nửa lưỡi lam bẻ góc nhọn quấn trong khăn ăn. Điện thoại phải tháo pin, không được dùng trong quá trình di chuyển trên xe…”.

Chuyến đầu tiên, Văn được đẩy lên xe với 6 người khác. Mọi người im lặng, không ai nói với ai câu gì và cũng không dám hỏi nhau tên, quê quán.

Xe rùng mình chuyển bánh cũng là lúc ai cũng nén một hơi thở thật dài trong lồng ngực để hồi hộp, lo âu chờ đợi những điều gì đến. Chừng vài tiếng sau, nghe tiếng lốp xe dộng lên rần rần ba lần, không ai bảo ai, tất cả mọi người đều lôi túi nhựa ngồi vào trong rồi lấy tay quấn miệng túi xoắn lại thật chặt.

15-13-14__3-_ong_vn_ke_chuyen_hi_hung
Ông Văn kể lại chuyện hãi hùng trong chuyến đi Anh với PV Báo NNVN.

Thông thường qua trạm chỉ vài phút, nhưng sao Văn có cảm nhận như kéo dài ra cả vài chục phút. Miệng há ra thở ngáp trong túi nhựa mà vẫn không dám nới lỏng tay nắm xoắn. Đó cũng là cách mà người nhập cư tránh được việc kiểm tra thân nhiệt khi qua trạm có máy soi.

Trong thùng xe kín mít, Văn nhấn đồng hồ điện tử xem. Đã thấy thời gian quá ba giờ rất nhiều mà xe vẫn chưa có dấu hiệu đến phà.

“Chắc nhầm phải xe khác tuyến”, nghĩ vậy và Văn quyết định báo tài xế dừng xe.

Văn lần trong túi ngực lấy chiếc lưỡi lam được bẻ đôi mím môi rạch mấy lần mới rách được tấm bạt. Anh nhô người ra ngoài, tay cầm miếng khăn ăn vẫy, miệng hét như điên dại. Chừng chục phút, tài xế mới phát hiện ra sự việc và dừng xe. Cả nhóm tức tốc ào xuống và lẫn vào bên đường.

Do “ngôn ngữ bất đồng”, nhưng với thứ ngôn ngữ chân tay, vẽ trưng ra giấy cái điều cần hỏi… để được trả lời bằng những cái nhún vai, lắc đầu của người dân bản địa.

Nhưng rốt cuộc, cả nhóm cũng lần tìm về được “bãi Loon” để chờ đợi cơ hội tiếp theo. Im lặng một hồi, Văn rùng mình nhớ lại: “Suốt nửa tháng, tôi phải trở đi trở lại “bãi Loon” sau 11 chuyến xe thất bại. Có chuyến nằm dưới gầm xe, tức thở quá muốn mở thùng chui ra. Nhưng nếu thò người ra thì bị bánh xe nghiến ngay. Nhiều chuyến, tôi tưởng như sẽ chết trong túi nhựa, trong bóng tối đặc quánh suốt mấy giờ đồng hồ”.

Đến chuyến thứ 12, Văn mới may mắn trót lọt. Chuyến đó, anh được xếp với một người quê ở Nghệ An. Hai người được “đầu rắn” đẩy vào ngăn giữa của lớp đáy và sàn xe. Khoảng hở chỉ có đủ lọt người nằm ngữa. Mỏi quá thì chỉ có cách cử động lắc hai vai theo kiểu trườn trên cát chứ không còn động tác nào được.

Xe chuyển bánh lúc 1 giờ sáng và hai người phải chịu đựng thế nằm ngửa đến 16 giờ đồng hồ liên tục. Ngay cả đau bụng hay mót tiểu tiện thì cũng chỉ được phép tự nhiên đi luôn trong quần. Chịu đói, khát, cực hình mùi hôi tự có. Khi xe về đến kho hàng, hai người trườn lần ra và tụt xuống được.

Dù cho thân thể mỏi nhừ và hai chân như bị nhũn ra, nhưng nghe nhiều tiếng hô lớn thì hai anh em theo bản năng bật dậy, phóng chạy ra phía hàng rào, bật qua tường, thoát được ra ngoài.

Dù thời gian lưu lại ở “bãi Loon” không lâu, nhưng Văn cũng đã chứng kiến, nghe nhiều chuyện hãi hùng. Đó là những cái chết của những người phụ nữ khi họ không chịu được những đầy ải vướng phải.

Tại bãi, nhóm phụ nữ, con gái được bố trí ở sát với lán của nhóm “đầu rắn”, mafia. Nhiều chị em có nhan sắc hay bị đám này đe dọa, dụ dỗ để ăn ngủ với chúng. Đến bước đường cùng này, nhiều chị em phải nhắm mắt đưa chân mong để yên thân và sớm được sang Anh.

Ai đen đủi thì bị bọn mafia xếp trên xe mang biển số Anh nhưng chuyến hàng đó không phải sang Anh mà sang một quốc gia khác.
 

Cay đắng “trồng cỏ”

Đến Anh trót lọt, Văn được một người trong đường dây hẹn đón về. Tại một khu phố, một người đàn ông Việt Nam (gọi là ông chủ Việt) “tiếp nhận” vào làm việc: trồng cây cần sa (hay còn gọi là trồng cỏ). “Nếu có trăm người Việt nhập cư vào Anh thì phần lớn đều làm công việc này”, Văn nhìn nhận.

Nhóm Văn có 3 người Việt Nam làm trong một nhà kho rộng chừng 600m2. Kho này chia thành 5 gian. Một gian để mọi người sinh hoạt, một gian ươm cây giống và ba gian trồng cần sa trong chậụ nhựa. Cây cần sa sau ba tháng chăm bón là thu hoạch hoa. Hoa được sấy khô để bán. Cây nhổ lên cũng được sấy khô đưa đi nơi khác.

“Khi thu hoạch, lợi nhuận được chia theo tỷ lệ chủ 7, người làm công 3. Hệ số lãi khá lớn. Bình quân nếu ông chủ bỏ ra 1 tỷ đồng đầu tư, khi thu về cũng đực 3 tỷ đồng. Số 2 tỷ được chia cho người làm công 600 triệu đồng”, Văn nhớ lại.

Làm chưa trọn được năm, nhóm lao động của Văn “được” 3 lần đám giang hồ đến thăm. Dù có kín kẽ đến mấy thì không sao tránh khỏi.

Cứ y như rằng sắp thu hoạch hay vừa thu hoạch xong hoa cần sa là có chuyện. Một tối, đám giang hồ đập cửa vào. Chẳng cần chào hỏi, chúng quát mọi người đứng yên và thản nhiên dọn sạch số hàng.

Trước khi rút đi, một tên trong nhóm đe: "Ngoan thì giữ được mạng. Còn chống cự hay hô hoán thì cái mạng cũng chẳng còn”.

15-13-14__2-_ong_vn_song_yen_binh
Ông Văn nay sống yên bình ở quê nhà.

Sau 3 lần bị “thăm viếng”, ông chủ Việt dời mọi người sang một kho hàng khác để tiếp tục trồng cần sa. Cũng được 3 tháng sau thì gặp họa. Vừa mới tỉnh giấc, Văn đã nghe tiếng còi hụ và toán cảnh sát Anh ập vào còng tất cả mọi người lên xe đưa về khu tạm giam. Ra tòa, Văn bị khép cái án 18 tháng tù giam. Mãn hạn tù, Văn bị trục xuất về nước.

Xem thêm
Bãi nhiệm chức vụ loạt nhân sự cấp cao ở tỉnh Vĩnh Phúc

Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã bãi nhiệm nhiều chức vụ của các cán bộ đã bị bắt tạm giam hoặc đã bị kỷ luật.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm