Tên lửa HQ-9 Trung Quốc bắn thử nghiệm hồi năm 2017. Ảnh: Sina. |
Quân đội Trung Quốc vừa kết thúc đợt thử nghiệm tên lửa phòng không S-400 do Nga cung cấp, bắn hạ thành công mục tiêu mô phỏng máy bay và tên lửa đạn đạo từ khoảng cách 250 km. Động thái này cho thấy S-400 sẽ đóng vai trò quan trọng nếu Trung Quốc quyết định dùng vũ lực thu hồi Đài Loan, theo Military Watch.
Sau khi chứng kiến sức mạnh không quân Mỹ trong chiến tranh Iraq và Nam Tư vào thập niên 1990, Trung Quốc đã gấp rút xây dựng một trong những mạng lưới phòng không uy lực nhất thế giới với nòng cốt là tên lửa S-300 Nga và các biến thể sao chép như HQ-9. Việc sở hữu tổ hợp S-400 cho phép Bắc Kinh tăng cường năng lực phòng thủ, cũng như hỗ trợ chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD).
S-400 sở hữu hệ thống cảm biến, tác chiến điện tử và tên lửa vượt xa các tổ hợp phòng không trong biên chế Trung Quốc hiện nay. Điểm nhấn trong đợt thử nghiệm S-400 của Trung Quốc không nằm ở tầm bắn 250 km, mà chính là khả năng đánh chặn tên lửa đang bay ở tốc độ 11.100 km/h. Điều này cho phép Bắc Kinh đánh chặn mục tiêu tốc độ cao và tăng đáng kể khả năng tấn công chiến đấu cơ đối phương.
S-400 được trang bị hai loại tên lửa có thể đánh chặn mục tiêu ở tầm trên 250 km là 48N6E3 và 40N6E. Mẫu 48N6E3 có tầm bắn 250 km, chặn được mục tiêu có tốc độ tới 17.300 km/h.
Tầm bắn của tên lửa S-400 ở duyên hải Trung Quốc khi được trang bị đạn có tầm bắn 250 km (A) và 400 km (B). Đồ họa: MilitaryWatch. |
Trong khi đó, tên lửa 40N6E có tầm bắn 400 km, đủ sức diệt mục tiêu chỉ bay cách mặt đất 5 m. Quả đạn sử dụng phương thức dẫn đường radar bán chủ động (SARH) và chủ động (ARH), khiến nó được đánh giá là khí tài có thể thay đổi cuộc chơi và không có đối thủ cạnh tranh trên thế giới.
Hiện chưa rõ Trung Quốc mua bao nhiêu quả đạn 48N6E3 và 40N6E để triển khai cho các tổ hợp S-400. Bắc Kinh dường như không muốn phô diễn đầy đủ tính năng của 40N6E, mà chỉ thử mẫu 48N6E3 có tầm bắn 250 km.
Tổ hợp S-400 là khí tài rất giá trị với Trung Quốc nhờ khả năng tích hợp vào lưới phòng không tầm xa hiện nay, các radar cảnh giới và điều khiển hỏa lực cũng có thể phát hiện tiêm kích tàng hình, dẫn đường cho nhiều tên lửa cùng lúc.
"Hệ thống cảm biến và tên lửa của S-400 có thể kiểm soát khu vực rất rộng lớn. Radar cảnh giới 91N6E có tầm hoạt động trên 600 km và tên lửa 40N6E có tầm bắn lên đến 400 km. Trong khi đó, tổ hợp Patriot do Mỹ sản xuất trong biên chế lực lượng phòng vệ Đài Loan chỉ có tầm bắn khoảng 160 km", chuyên gia Siemon Wezeman thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI) tại Thụy Điển nhận định.
Tên lửa S-300 do Nga chế tạo trong biên chế Trung Quốc. Ảnh: Sina. |
Giới phân tích quân sự quốc tế nhận định rằng trong trường hợp sử dụng vũ lực để thu hồi Đài Loan, Trung Quốc sẽ phải phát động một chiến dịch đổ bộ quy mô lớn có mức độ phức tạp và rủi ro cao, dễ khiến họ hứng chịu thất bại thảm hại.
Trong quá trình vượt qua eo biển 180 km, các tàu đổ bộ Trung Quốc rất dễ bị tên lửa diệt hạm có độ chính xác cao của Đài Loan tấn công và đánh chìm. Lực lượng đổ bộ đường không cũng có thể trở thành mục tiêu cho các tên lửa phòng không mà Mỹ trang bị cho Đài Loan.
Bởi vậy, S-400 được đánh giá là "lá bài" quan trọng để quân đội Trung Quốc có thể tiêu diệt các loại tên lửa diệt hạm, phòng không của Đài Loan, giành quyền làm chủ bầu trời và vùng biển quanh hòn đảo. Lá bài này sẽ góp phần phá vỡ thế trận A2/AD của Đài Loan, bảo đảm thành công cho chiến dịch đổ bộ lên hòn đảo. "Tổ hợp S-400 sẽ giúp Trung Quốc phong tỏa không phận Đài Loan, hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động này", Wezeman nói thêm.
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự chỉ ra rằng tên lửa S-400 chưa từng tham gia thực chiến và chứng tỏ hiệu quả trên chiến trường. Trung Quốc cũng biên chế loại vũ khí hiện đại này chưa lâu, kỹ năng và trình độ của các kíp trắc thủ chắc chắn cần được rèn luyện thêm. Bởi vậy, sẽ khó có một "lá bài" nào đủ sức đảm bảo cho Trung Quốc giành được thắng lợi hoàn toàn nếu mạo hiểm phát động chiến dịch quân sự tấn công Đài Loan, đồng minh được Mỹ cam kết bảo vệ.